Cỏ cây dược liệu giúp làm thơm thân thể và quần áo

Túi hương

Đã bao giờ bạn thắc mắc: trước khi có các loại nước hoa công nghiệp và hương liệu tổng hợp thì người xưa đã dùng gì để làm thơm cơ thể?

Được biết, một trong những lựa chọn của người xưa chính là dùng hoa cỏ có mùi thơm như hoa hồng, hoa lan, hoa quế, hoa nhài….

Bạn đã ngửi qua mùi hương của hoa nhài chưa? Và bạn có thể phân biệt được mùi hương nồng nàn quyến rũ nhưng cũng rất khác biệt giữa các loại hoa hồng?

Thật vậy, có vô vàn hoa cỏ thơm tho có thể tỏa hương đến không gian xung quanh và cũng có thể dùng để ướp hương cho trà, cho quần áo. Đó đều là những hương thơm tự nhiên giúp xua tan uế khí, côn trùng và giúp tinh thần được sảng khoái hơn!

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số thảo dược đã được người xưa dùng để làm thơm áo quần và thân thể, bạn nhé!

1. Đinh hương, xuyên tiêu cỏ cây dược liệu giúp làm thơm thân thể

Đinh hương là thảo dược có mùi thơm và vị tê cay đặc biệt. Thông thường, dân gian hay giã nụ đinh hương đã phơi khô để nhét vào lỗ răng sâu (giúp giảm cơn đau răng một cách nhanh chóng).

Hình ảnh nụ đinh hương khô
Hình ảnh nụ đinh hương khô, loại cỏ cây dược liệu giúp làm thơm thân thể

Có một điều đặc biệt nữa là: đinh hương có mùi hương khá bền và có thể khử mùi hôi, làm thơm quần áo. Chính vì vậy, dân gian thường dùng công thức sau: 31 g đinh hương (tán bột) và 60 hạt xuyên tiêu, trộn hai thứ lại rồi cho vào túi vải mỏng hoặc khăn tay để mang theo bên người (hoặc thường xuyên cầm trên tay), như vậy sẽ giúp khử mùi cơ thể (1).

2. Làm sạch cơ thể với cỏ tranh

Chữ “sạch” ở đây cần hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo quan niệm của người xưa thì cỏ tranh đem nấu nước, để nguội rồi tắm sẽ giúp tránh được tà khí xung quanh, không những thế còn giúp cho thân thể sạch sẽ và tự có hương thơm tự nhiên (1).

3. Làm thơm cơ thể với xuyên khung, hương thảo và tế tân

  • Với xuyên khung và hương thảo: Đây là hai loại thảo dược khá nổi tiếng trong y học cổ truyền phương Đông cũng như phương Tây (đặc biệt là công dụng của xuyên khung và hương thơm của hương thảo). Theo kinh nghiệm dân gian, ta có thể lấy hai loại dược liệu này đem phơi khô rồi cắt nhỏ ra, sau đó cho vào túi vải mỏng và để vào tủ quần áo, khi nào hết thơm thì thay cái khác.
Hương thảo nở hoa
Hương thảo
  • Với tế tân: Tế tân cay nồng và là loại dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền. Được biết, bạn có thể lấy phần gốc rễ (rễ chùm) của cây tế tân cắt nhỏ ra, nấu lấy nước rồi để nguội và tắm, như vậy sẽ giúp làm sạch thân thể và cơ thể bạn cũng sẽ dần thơm tho hơn (1).

4. Làm túi thơm

Ngày nay, việc đeo túi thơm bên người đã trở thành lỗi thời, bất tiện khi chúng ta có nhiều lựa chọn hơn từ nước hoa và mỹ phẩm (nhiều loại dầu dưỡng tóc cũng như son môi, sữa dưỡng ẩm… có mùi thơm không kém nước hoa).

Tuy nhiên, nếu bạn là người thích trở về với tự nhiên và sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên thì bạn hoàn toàn có thể tự làm các túi thơm (“hương nang”) cho mình. Các túi thơm này, bạn có thể để vào túi quần áo hoặc trong ví, ba bô, trong tủ quần áo hoặc treo trong góc làm việc.., bạn nhé!

Cách làm như sau:

  • Chuẩn bị thành phần: bột gỗ chiên đàn hương (312,5 g), cam tùng (321,5 g, giã nhỏ); đinh lăng hương (0,5 kg, giã nhỏ); tế tân (15 g, giã nát), hồi hương (0,3 g, giã nát) và vỏ đinh hương (15 g, giã nát). Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị thêm một ít băng phiến và xạ hương (cũng nghiền nát).
  • Thực hiện: trộn các loại bột trên lại rồi chia thành nhiều phần nhỏ, cho vào túi vải và buộc lại, sau đó treo ở những nơi cần làm thơm (như tủ quần áo…) (1).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không nên dùng các loại hương liệu và thảo dược có tinh dầu (nhất là xạ hương dễ gây sảy thai, vì vậy cần thận trọng khi dùng).

gỗ đàn hương Cỏ cây dược liệu giúp làm thơm thân thể
Gỗ đàn hương thơm mịn màng, dịu ngọt

Ngoài các thảo dược trên, chúng ta còn có thể kể đến cỏ xạ hương, quế khâu, bạc hà, lá dứa thơm, hoa oải hương, hoa mộc tê, mộc lan, ngọc lan…; cao cấp hơn là trầm hương, đàn hương, xá xị – những loại gỗ có hương thơm đặc trưng giúp ngôi nhà của bạn thơm tho hơn. Đặc biệt, sáp thơm đàn hương là loại sản phẩm cao cấp, vừa mang lại hương thơm dịu ngọt, quyến rũ vừa mang lại chính khí cho ngôi nhà của bạn.

Được biết, đàn hương (cùng với trầm hương và đinh hương) cũng chính là ba phẩm vật tiêu biểu trong thực hành Phật giáo:

Chiên đàn trong cõi người ta

Dẫu không quốc sắc cũng là thiên hương” (2).

(Tân Di)

Mùa Tết này, bạn sẽ trang trí và làm đẹp cho ngôi nhà của bạn bằng những loại cây nào? Và bạn sẽ chọn mùi hương nào để đón chào mùa xuân, đón chào may mắn?

Lê Nhi – Tuyết Nhi

Nguồn tham khảo
  1. Văn Thiên Đường – Văn Lượng – Lâm Hợi, Làm đẹp bằng các phương thuốc đông y cổ truyền, NXB Văn hóa thông tin, trang 92.
  2. Đàn hương trong thực hành tâm linh và tôn giáohttps://sandalwood.com.vn/dan-huong-trong-thuc-hanh-tam-linh-va-ton-giao/, ngày truy cập: 20/ 01/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện