Sau khi ăn táo, bạn sẽ làm gì với phần hạt của nó (Toan táo nhân) ? Vứt đi, ươm trồng hay để làm thuốc? Thật ra, nói về táo thì có rất nhiều loại và mỗi loại thì lại có nhiều giống nhỏ, kể cả thuần chủng và lai tạo.
Tuy nhiên, với loại táo chua có tên khoa học là Ziziphus jujuba Mill var. spinosa thì phần nhân hạt của nó chính là vị thuốc “toan táo nhân – TTN” khá phổ biến trong y học cổ truyền (“toan táo nhân” có nghĩa là nhân của hạt táo chua).
Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều nơi cũng dùng nhân hạt của một số loại táo khác để thay thế toan táo nhân.
Toan táo nhân, lịch sử sử dụng và sơ chế
Ở Trung Quốc, toan táo nhân là vị thuốc cổ truyền lâu đời, nổi tiếng với tác dụng dưỡng tâm, an thần, ích can và chủ trị “âm huyết bất túc”. Vị thuốc này được ghi chép trong Thần nông bản thảo kinh – một trong những công trình y học kinh điển của Trung Hoa (2).
Về quá trình sơ chế TTN, sau khi tách hạt, người ta lấy hạt táo ngâm nước rồi chà sạch lớp thịt còn bám lại, sau đó phơi khô, xay cho vỡ ra rồi tách lấy nhân bên trong, sau đó tiếp tục phơi hoặc sấy khô.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là TTN được dùng với liều lượng rất thấp (dưới 1,8 g mỗi ngày ở người trưởng thành). Hơn nữa, nếu phải dùng với liều lượng cao thì cần sao đen để giảm độc tính.
Công dụng làm thuốc của toan táo nhân
Trong Đông y, toan táo nhân thường được dùng cho chứng mất ngủ và các bệnh liên quan đến tim mạch và chức năng của thận. Ngoài ra, những người bị các chứng hư phiền cũng có thể dùng TTN tán thành bột uống, liều lượng từ 0, 8 – 1, 2 g hạt mỗi ngày. Các chứng hư phiền bao gồm:
- Phiền khát, miệng khô.
- Khó ngủ, tâm trạng hồi hộp, tim đập như đánh trống ngực.
- Đổ mồ hôi trộm.
- Hay cảm thấy yếu mệt.
- Khi nhớ khi quên, tâm trạng dễ bị kích thích.
- Bổ thận
- Hỗ trợ điều trị suy thận, phục hồi chức năng thận
Không chỉ trong Đông y mà trong Tây y, toan táo nhân cũng được biết đến với tác dụng an thần, hạ huyết áp và thúc sinh đẻ (liều dùng tùy theo chỉ định của bác sĩ, thường là từ 6 – 12 g, sao cháy tồn tính rồi sắc uống bằng lửa nhẹ).
Mặt khác, trên lâm sàng, TTN cũng cho thấy tác dụng trấn tĩnh và gây ngủ rõ rệt (3) (4) (5).
Một số bài thuốc có dùng toan táo nhân
Trong Đông y, các vị thuốc thường được kết hợp để tạo sự tương hỗ lẫn nhau và TTN cũng vậy. Bên cạnh cách dùng độc vị, các bạn cũng có thể dùng kết hợp TTN qua các bài thuốc như:
- Điều trị suy nhược thần kinh, hay quên, chán ăn, mất ngủ hoặc ngủ mê nhiều, tinh thần mệt mỏi: dùng 12 g toan táo nhân (lưu ý sao cháy tồn tính), 9 g đẳng sâm, 6 g viễn chí, 6 g thạch xương bồ, 3 g cam thảo, và 9 g phục linh, tất cả cùng sắc uống.
- Điều trị âm hư, lao phổi, sốt hâm hấp hoặc đổ mồ hôi trộm: dùng 15 g nhân táo chua (sao cháy tồn tính), 15 g sinh địa và 30 g gạo tẻ ngon, tất cả cùng sắc uống, mỗi ngày một lần.
- Điều trị chứng dễ hồi hộp, hoảng hốt và lúc ngủ hay bị mê sảng, nói sảng: dùng toan táo nhân (6 g, sao đen), long nhãn, hạt sen, sinh địa, mạch môn và thảo quyết minh (mỗi thứ 12 g), sắc uống trong ngày (3) (4) (5).
Lưu ý
- Trong lựa chọn: Toan táo nhân loại tốt là loại nhân còn nguyên, chắc, mẩy, khô, có nhiều dầu, lớp da bóng và có vị bùi.
- Phân biệt: Cần phân biệt toan táo nhân trong bài viết này (là nhân hạt của quả táo chua) với một vị thuốc khác cũng được gọi là TTN, đó là nhân hạt của cây keo giậu.
- Trong bảo quản: Toan táo nhân là vị thuốc dễ bị mốc và sâu mọt nên cần chú ý khi bảo quản (thường xuyên phơi khô nếu lưu trữ dài ngày).
- Liều lượng: Cần cẩn trọng về liều lượng khi dùng toan táo nhân vì dùng quá liều có thể gây ngộ độc, mất tri giác và hôn mê. Nếu cần dùng với liều cao (trên 1, 8 g), cần sao đen hoặc sao tồn tính tùy theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Đối tượng: Những người có thực tà, uất hỏa không được dùng. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng cần thận trọng khi dùng (5).