Rau dền gai giúp lợi tiểu, điều kinh và giảm mụn nhọt do nóng nhiệt

Rau dền gai

Nhất canh rau dền, nhì nền Mỹ Khánh“. Đó là cái câu mà người Cần Thơ xưa hay nói. Thật ra, rau dền chưa hẳn là loại rau ngon nhất nhưng với người ở quê, rau dền là nhất.

Nó nhất ở cái chỗ không tốn tiền mà lại dễ tìm. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy rau dền trên sân, trên ruộng, trong vườn và thường là rau dền gai – loại rau dền có lá màu xanh, trên thân có gai và cụm hoa rất cộm (khi ăn thường chỉ hái lá và đọt non chưa ra hoa).

Dai dền còn nhất ở cái thanh mát và nấu canh thì rất ngon: lá nó mềm vừa phải, không trơ như rau diệu cũng không nhớt như mồng tơi, hơn nữa, lá của nó lại có mùi đặc trưng dễ ăn như rau trai vậy. Ở quê dễ kiếm cua tép cá tôm, đem lên nấu với canh rau dền thì vừa bổ vừa thanh và có thể nói là ngon số một!

Chú ý: Ngoài rau dền gai thì còn có rau dền đỏ và rau dền cơm. Hai loại này chỉ khác nhau về màu lá (rau dền cơm lá màu xanh còn rau dền đỏ thì lá đỏ tía như màu củ dền). Đây cũng là hai loại được trồng và bán thường xuyên ở các chợ. So với rau dền gai thì hai loại này dễ ăn hơn vì lá nó mềm hơn.

Công dụng làm thuốc của rau dền gai

Rau dền gai có tên khoa học là Amaranthus spinosus. Loài này ở gốc có gai dài dưới 1, 5 cm và phân nhánh rất nhiều nên thường thì bạn sẽ thấy nó ở dạng bụi (với các cành lá bè bè).

Mấu gai trên thân cây rau dền gai
Mấu gai trên thân cây rau dền gai

Theo y học cổ truyền, rau dền gai có vị ngọt nhạt và tính hơi lạnh. Vì vậy, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giảm mụn do nóng nhiệt, điều kinh, lợi tiểu và tốt cho người bị phù thũng thì loại rau này còn được dùng trong các trường hợp như:

  • Giúp giảm viêm, giảm mụn nhọt và làm dịu vết bỏng: lấy thân và lá rửa sạch, giã nát, đắp lên.
  • Giúp hỗ trợ băng bó khi bị gãy xương, tụ máu bầm, trật đả: dùng hạt (công dụng tương tự như hạt mào gà). Ngoài ra, cũng có thể lấy toàn cây rau dền gai nấu lấy nước uống từ 10 – 15 g mỗi ngày để giảm máu bầm và điều trị ứ huyết.
  • Điều trị lậu: mỗi ngày lấy 5 đến 6 rễ non ăn như ăn trầu và dùng liên tục 1 tuần như thế thì sẽ thấy bệnh giảm dần.
  • Điều trị viêm ruột, lỵ vi khuẩn và tiêu chảy do nóng nhiệt: với các trường hợp này, bạn có thể hái 160 g lá rau dền gai tươi hay 80 g lá dền gai phơi khô, đem rửa sạch rồi nấu lấy nước uống (nếu có mã đề thì lấy 80 g mã đề tươi hoặc 40 g mã đề khô sắc uống cùng với rau dền gai cũng được) (1).

Lưu ý: Toàn cây này đều có chứa một lượng cao nitrat kali, đặc biệt là ở rễ cây. Vì vậy, bạn không nên lạm dụng liên tục với liều lượng lớn (còn thỉnh thoảng hái làm rau ăn để thanh nhiệt như ông bà ta hay dùng thì vẫn tốt cho sức khỏe).

Bên cạnh đó, những người bị Gút, suy thận, sỏi thận và những người bị lạnh bụng, đường ruột kém, tì vị hư hàn… thì không nên ăn rau dền vì sẽ gây tác dụng phụ hoặc làm bệnh nặng thêm (1) (2).

Cây dền gai
Rau dền gai

Các nghiên cứu

Qua các công trình nghiên cứu, rau dền gai còn được biết đến là loài cây có nhiều tiềm năng làm thuốc nhờ có các hoạt tính như:

  • Chống oxy hóa và bảo vệ gan: Theo tạp chí Food and Chemical Toxicology, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất etanolic 50 % từ cây dền gai có tác dụng chống oxy hóa và chống lại tổn thương gan do carbon tetrachloride (CCl 4) gây ra (ở liều 100, 200 và 400 mg / kg thể trọng) (3).
  • Kháng viêm, giảm đau: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất ethanol 50 % của toàn cây rau dền gai đều có hoạt tính giảm đau trung ương ngoại vi và trung ương, đồng thời còn giúp chống viêm đáng kể (4).
  • Hạ sốt: Theo tạp chí Asian Journal of Tropical Medicine, chiết xuất methanolic từ lá rau dền gai cho thấy hoạt động chống oxy hóa mạnh và tác dụng hạ sốt đáng kể (5).
  • Chống tiểu đường và chống tăng mỡ máu: Kết quả nghiên cứu trên chuột bị mắc bệnh tiểu đường còn cho thấy chiết xuất methanolic từ thân cây rau dền gai có tác dụng chống tiểu đường, chống tăng lipid máu và sinh tinh (thông qua cơ chế làm tăng số lượng tinh trùng và trọng lượng cơ quan sinh dục phụ (6).

Tham khảo: Cây dền gai điều trị thoát vị đĩa đệm, xương khớp

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 217.
  2. Thật không ngờ rau dền đỏ lại có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe đến vậy, https://caythuoc.org/tac-dung-cua-rau-den-do.html, ngày truy cập: 08/ 10/ 2020.
  3. Hepatoprotective activity of Amaranthus spinosus in experimental animals, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0278691508004481, ngày truy cập: 08/ 10/ 2020.
  4. Antinociceptive activity of Amaranthus spinosus in experimental animals, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874109000488, ngày truy cập: 08/ 10/ 2020.
  5. Antioxidant and antipyretic properties of methanolic extract of Amaranthus spinosus leaves, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1995764510601691, ngày truy cập: 08/ 10/ 2020.
  6. Anti-diabetic, anti-hyperlipidemic and spermatogenic effects of Amaranthus spinosus Linn. on streptozotocin-induced diabetic rats, https://link.springer.com/article/10.1007/s11418-007-0189-9, ngày truy cập: 08/ 10/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện