Từ lâu, tắc kè được chú ý không chỉ vì dân gian quan niệm “tắc kè đến ở nhà ai thì nhà đó sắp giàu” mà còn bởi nó là một loại thuốc quý, cực bổ dưỡng, có thể sánh ngang hàng với nhân sâm.
Tắc kè còn có các tên gọi khác như cáp giới, cáp giải, giới sà, cắc kè, đại bích hổ, tiên thiềm…
Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn bị đánh thức vào lúc nửa đêm bởi những tiếng kêu “tắc kè… tắc kè…” để gọi bạn tình vang dội trong đêm. Và có lẽ, tên của loài động vật này đã được đặt dựa trên hình thức mô phỏng âm thanh từ tiếng kêu của nó. Nhiều người còn cho rằng: “Nhà ai có tắc kè thì sẽ không có thằn lằn (hay thạch sùng), hoặc nếu đã có thằn lằn thì từ từ thằn lằn cũng bỏ đi.”. Vì chúng sợ tắc kè.
Tôi đã đến những ngôi nhà có tắc kè, tò mò để ý và thấy đúng như thế thật. Về hình dáng, tắc kè na ná thằn lằn (thạch sùng) nhưng kích thước thì lớn hơn rất nhiều. Về màu sắc, nếu như da thằn lằn chỉ có một màu (gần giống màu da người) thì màu sắc trên da tắc kè lại rất sặc sỡ với những đốm màu tròn, thường là màu vàng. Da chúng trông có vẻ mốc thếch và thô ráp. Đây là loài hoạt động về đêm, ăn côn trùng nên ban ngày rất khó bắt gặp. Chúng thường nấp ở những chỗ yên tĩnh, hơi tối, khuất gió như trên các hốc đá, góc cây, góc tường, sau lưng tủ, kệ…
Tắc kè đã được biết đến với nhiều cách sử dụng làm thuốc như nấu cháo, tán bột, ngâm rượu… để bổ dương, lợi tiểu, điều trị các bệnh như thận hư, đau nhức, mệt mỏi, kém ăn, tê thấp, hen suyễn…
Tuy nhiên, nhiều người ở quê tôi đã chọn cách ngâm rượu đơn giản, dễ sử dụng nhất. Và phải thừa nhận một điều rằng, với chức năng làm ấm cơ thể, làm thông kinh mạch và hỗ trợ dẫn thuốc từ trong tắc kè, rượu tắc kè đã có mặt trong đời sống hàng ngày: sau bữa cơm, trong các tiệc nhậu, bạn bè gặp nhau…
CÁCH NGÂM RƯỢU TẮC KÈ ĐƠN GIẢN NHẤT
Bên cạnh việc ngâm rượu tắc kè chung với các loài động vật khác như bìm bịp hay các loài thảo dược khác (Đại hồi, trần bì, nhân sâm, kỷ tử, dâm dương… ) nhằm tăng cường hoạt chất và hiệu quả điều trị bệnh, tắc kè thường được sử dụng làm thuốc qua cách rất đơn giản sau đây:
Chọn những con tắc kè lớn, một đôi (1 đực, 1 cái thì càng tốt), sau đó chặt bỏ phần miệng, các chân, bỏ nội tạng, móc bỏ mắt rồi rửa sạch bằng rượu. Sau đó, sao hoặc nướng cho thịt tắc kè vừa chín, vừa vàng (để giảm vị tanh) rồi tiến hành ngâm rượu theo liều lượng 3 đến 5 con/ lít rượu. Các bạn tham khảo cách ngân rượu tắc kè tại đây.
LƯU Ý: Ngâm tắc kè bằng rượu gạo khoảng 40 độ và rượu ngâm tốt nhất nên được chôn dưới đất, sử dụng sau 100 ngày, uống mỗi ngày 1 – 3 lần tùy theo thể trạng mỗi người, mỗi lần khoảng một ly uống rượu và uống trước bữa ăn.
CÔNG DỤNG CỦA RƯỢU TẮC KÈ: Bổ phế, bổ thận tráng dương, điều trị tiểu đêm, nhức mỏi mình mẩy, đau nhức xương khớp.
Xin chia sẻ thêm, theo quan niệm của những người hay sử dụng rượu tắc kè thì nếu có điều kiện, các bạn nên mua tắc kè miền núi vì nó có giá trị y học hơn tắc kè ở miền Nam hay tắc kè được nuôi nhằm mục đích kinh doanh.
(Tuyết Nhi)
Bình –
Tắc kè ngâm chung với sâm bố chính được không, nếu được thì chỉ tôi cách ngâm với
Caythuoc.org (Dược sĩ) –
Bạn ngâm chung được nhé, 1kg sâm bố chính tươi 2 cặp tắc kè, bạn ngâm với 5 lít rượu nhé.