Mướp rắn (mướp hỗ) điều trị nhiều bệnh thường gặp hàng ngày

Muop ho bi con ran

Bạn đã nghe qua một loại mướp có thể ăn sống như dưa leo chưa? Vâng, đó là mướp rắn. Mướp này không được dùng phổ biến như mướp hương nhưng lại là loại đa công dụng, nhiều cách dùng: ăn sống cũng được mà xào hay làm thuốc cũng được.

Nhìn chung, dây và lá mướp rắn (hay mướp hỗ) cũng không khác nhiều so với các loại mướp thông thường nhưng quả mướp thì lại khác rõ rệt, có chiều dài từ 1 – 2 m và có hình dạng loằn ngoằn, vỏ ngoài có sọc sọc nhìn như con rắn (chính vì vậy, nó còn được gọi là bí con rắn).

Mướp rắn làm thức ăn

Quả mướp rắn non có màu xanh nhạt và có vị ngọt dịu dễ ăn. Chính vì vậy, ở nước ta, mướp này được trồng chủ yếu để lấy quả non: sau khi ra quả khoảng 15 – 20 ngày thì hái, lúc này quả non vừa độ, ăn sẽ rất ngon.

Với loại mướp này, bạn gọt vỏ hoặc cạo vỏ rồi cắt ra thành các lát mỏng để trong tủ lạnh, dùng ăn sống sẽ rất giòn và ngọt. Nếu không ăn sống, bạn cắt khúc luộc rồi chấm nước tương cũng được (hoặc xào cùng thịt bò, nấu canh đều được).

Mướp hỗ xào
Mướp hỗ xào

Và tương tự như các loại mướp thông thường, khi quả mướp già thì sẽ có rất nhiều xơ, hạt cũng cứng nên rất khó ăn và cũng không nên ăn (lúc này quả có màu da cam sáng và vị đắng) (1).

Công dụng làm thuốc của mướp rắn

Quả mướp: Theo y học cổ truyền, quả mướp hỗ có tính mát nên giúp thanh nhiệt, làm mát cơ thể, nhuận phổi, giảm ho, giảm đau cổ họng và đồng thời cũng giúp tan đờm. Đặc biệt, quả này còn có tác dụng nhuận tràng khá tốt nên những người bị táo bón có thể thêm vào khẩu phần ăn của mình mỗi tuần 2 lần.

Lưu ý: Nếu ăn nhiều quá thì sẽ buồn nôn (1).

Hoa và quả mướp hỗ
Hoa và quả mướp hỗ

Rễ mướp rắn: Theo y học cổ truyền, rễ mướp cũng có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể như quả mướp. Bên cạnh đó, rễ cây còn có một số công dụng riêng như giúp cầm tiêu chảy, làm tan uất kết, tiêu thũng và tan đờm. Ngoài ra, dân gian còn dùng rễ mướp hỗ làm thuốc hạ nhiệt (1).

Hạt mướp: Được biết, hạt mướp rắn non có chứa dầu hạt nên có tác dụng nhuận tràng rất tốt. Vì vậy, khi ăn mướp, bạn nhớ ăn luôn các hạt của nó nhé (khi nấu canh hay xào, hạt mướp thường sẽ bị rơi ra và nằm ở phần đáy nồi). Đặc biệt, với những người ăn quen, họ thường nhận xét rằng hạt mướp ngon hơn quả mướp (dù là hạt mướp hỗ hay hạt mướp hương thì cũng vậy) (1).

Không chỉ thế, ăn hạt mướp hỗ (hạt non) còn giúp thông đường tiêu hóa, đồng thời ngăn ngừa và giảm nguy cơ bị ghẻ lở, táo bón, trĩ, vàng da,… (1). Hiển nhiên, chúng ta chỉ nên ăn một lượng vừa đủ, không ăn quá 2 tuần mỗi lần. Nếu muốn dùng lâu dài để điều trị bệnh, các bạn nên hỏi thêm ý kiến thầy thuốc nhé!

Kết quả nghiên cứu về quả mướp hỗ

Cây mướp rắn có tên khoa học là Trichosanthes anguina, thuộc họ Bầu bí (1). Theo tạp chí Advances in Natural and Applied Sciences, kết quả thí nghiệm trên chuột bạch tạng Thụy Sĩ cho thấy chiết xuất methanolic từ trái mướp hỗ có tác dụng chống tăng đường huyết và giúp giảm đau (2).

Như vậy, chúng ta có thể dùng thêm quả mướp hỗ non để làm nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng và phòng ngừa một số bệnh (với quả già, chuyển sang màu cam thì không nên dùng).

Thông tin thêm

Ở Trung Quốc, mướp rắn được gọi là “xà qua” 蛇瓜 (có nghĩa là dưa con rắn). Quả của nó cũng được dùng ăn sống hoặc nấu canh và được biết đến với các công dụng chính như thanh nhiệt, giải đờm, nhuận tràng, lợi tiểu…, là loại quả được đánh giá khá cao về tác dụng đối với sức khỏe con người.

Ngoài Việt Nam và Trung Quốc thì nhiều nước khác cũng có trồng loại mướp này như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines… (3).

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 186.
  2. Antihyperglycemic and Antinociceptive Activity Evaluation of Methanolic Extract of
    Trichosanthes Anguina Fruits in Swiss Albino Mice, https://www.researchgate.net/publication/284716811_Antihyperglycemic_and_antinociceptive_activity_evaluation_of_methanolic_extract_of_Trichosanthes_anguina_fruits_in_Swiss_Albino_mice, ngày truy cập: 19/ 10/ 2020.
  3. 蛇瓜https://www.baike.com/wiki/%E8%9B%87%E7%93%9C/1080314?prd=result_list&view_id=2d6gv09awtwk00, ngày truy cập: 19/ 10/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện