Chườm ngải cứu có hết đau bụng kinh không? Đắp ngải cứu có giảm mụn?

Có nhiều cô nàng bị đau bụng kinh nhưng lại sợ uống thuốc. Uống thuốc Tây thì sợ tác dụng phụ. Uống thuốc Đông y thì sợ đắng, sợ hôi…

Bạn biết đấy, nhiều vị thuốc cổ truyền giúp giảm đau bụng rất hay nhưng lại khó uống: hồng hoa có màu cam đỏ, mùi thơm lạ nên các chị em “hơi sợ”, dây cứt quạ xay nát hòa với nước dừa tươi thì quen nhưng lại vừa đắng vừa hôi, trà gừng thì thơm nhưng cay… Còn như các vị thuốc Bắc thực thụ thì lại bị chê là “hôi thuốc Bắc”!

Vậy, có giải pháp nào cho các cô nàng khó tính này?

Sau khi trải nghiệm tất cả các phương pháp giúp giảm đau bụng kinh vừa kể trên thì mình thấy phương pháp dùng lá ngải cứu chườm lên bụng (không cần uống) là thoải mái nhất. Hiển nhiên, nó chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời cho lần đau bụng đó thôi, bạn nhé! (những kỳ kinh sau vẫn sẽ đau lại đấy, vì vậy, chúng ta lại cần những phương pháp phòng ngừa khác mà mình sẽ nói ở cuối bài).

Bây giờ, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách chườm lá ngải cứu nhé!

Lá ngải cứu
Lá ngải cứu

Cách chườm lá ngải cứu giúp giảm đau bụng kinh

Trước tiên, bạn hái lá ngải cứu (ngắt cả ngọn non, không cần rửa) rồi cho vào nồi, đảo qua đảo lại cho ấm nóng.

Sau đó, bạn lấy một cái khăn to, đổ ngải cứu vào, trùm lại rồi đặt lên bụng (nếu được thì bạn dùng 1 miếng vải may thành cái túi hình vuông để dễ chườm hơn vì bạn sẽ còn dùng nhiều lần nữa).

Khi thấy thuốc bớt ấm, bạn trở bề và khi thấy thuốc nguội hoàn toàn thì bạn đổ vào nồi và tiếp tục sao cho nóng để chườm tiếp lần 2, lần 3 (vì thường thì sau lần chườm đầu tiên, nó chỉ giảm đau một chút).

Đau bụng kinh
Đau bụng kinh và cách Chườm ngải cứu có hết đau bụng kinh

Thật ra, thường thì bạn sẽ phải nhờ một người khác hái và sao ấm giúp bạn (vì bạn biết rồi đấy, khi bị đau bụng kinh dữ dội thì chúng ta ngồi dậy còn không nổi, huống chi là hái rồi xào, phải không?).

Thông tin thêm: Không chỉ với trường hợp đau bụng kinh, với trường hợp đau bụng thông thường (do lạnh bụng…), bạn cũng có thể sử dụng phương pháp này.

Lưu ý: Cây ngải cứu hay bị sâu rệp bám vào đẻ trứng, đóng kén… (nhất là giai đoạn cây ra hoa). Vì vậy, khi hái lá, chúng ta cần lựa kỹ một chút, bạn nhé!

Cụm hoa ngải cứu
Côn trùng trên cụm hoa ngải cứu

Cách ngăn ngừa đau bụng kinh

Vậy là bạn đã giải quyết được cơn đau lúc có kinh. Tuy nhiên, làm sao để ngăn ngừa cơn đau bụng kinh trong những lần tiếp theo mới là ước mong thật sự của các chị em phụ nữ.

Thông thường, các chị em sẽ chọn một số sản phẩm bổ sung nội tiết tố, thực phẩm chức năng giúp giảm đau bụng kinh (như Bảo Xuân…) để dùng dưới dạng thuốc viên. Tuy nhiên, cách này hơi tốn kém nên để tiết kiệm và “một công đôi chuyện”, chị em phụ nữ thường chọn các giải pháp “ăn uống”, chẳng hạn như:

  • Thường xuyên ăn cháo đậu xanh trước những ngày có kinh (để thanh nhiệt, giảm đau bụng kinh và có máu kinh tốt hơn).
  • Uống trà gừng (trà ấm) hoặc uống nước mát, ăn trái cây (lưu ý, nếu uống nước dừa thì không được uống quá 1 trái mỗi ngày và không được uống liên tục quá 5 ngày).

Đắp mặt nạ bằng lá ngải cứu có giúp giảm mụn không?

Ngải cứu còn được biết đến là vị thuốc điều trị mụn và nhiều bệnh ngoài da (viêm da cơ địa). Sau khi đắp mặt nạ ngải cứu, da bạn sẽ được sạch hơn, bớt viêm ngứa và các nốt mụn cũng thu gọn hơn.

Cách làm rất đơn giản: bạn chỉ cần hái lá và ngọn non, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên mặt trong 20 phút là được (sau đó rửa mặt thật sạch nhé).

Ngoài ra, có một cách kết hợp để giúp da bạn trắng, khỏe và mát hơn, đó là: kết hợp 4 lá ngải cứu tươi, 4 lá rau má tươi và 4 lá bạc hà tươi (bạc hà Âu hay bạc hà Doublemint đều được, hoặc cả 2 cũng được). Chỉ bấy nhiêu thôi, bạn rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước, thoa lên da. Hương thơm của các loại thảo mộc này sẽ giúp bạn tỉnh táo, sảng khoái hơn và bạc hà còn giúp bạn cảm thấy mát lạnh khắp vùng da mặt nữa!

Mặt nạ ngải cứu làm sạch da, giảm mụn
Mặt nạ ngải cứu làm sạch da, giảm mụn

Lưu ý: Tùy cơ địa khác nhau mà cách dùng này sẽ cho hiệu quả khác nhau. Mặt khác, trước khi dùng trên toàn mặt, bạn cũng nên thoa thử lên một vùng da nhỏ xem có hợp không, bạn nhé!

Cuối cùng, cũng cần nói rằng cách điều trị mụn ngoài da chỉ có tác dụng đối với các nốt mụn đã nổi (đặc biệt là mụn do viêm nhiễm, khói bụi, vi khuẩn…).

Vì vậy, để các mụn mới không nổi thêm và ngăn ngừa mụn từ bên trong thì bạn cần điều trị mụn từ bên trong. Đây lại là một vấn đề khá rộng vì có người bị mụn do tuổi dậy thì, do da bội nhiễm, dị ứng; có người bị mụn do nội tiết tố bất ổn, do ăn uống, do môi trường sống và có người bị mụn do đang mắc các bệnh khác (như bệnh gan, bệnh táo bón…). Vì vậy, cách điều trị là vô cùng đa dạng tùy theo nguyên nhân.

Tuy nhiên, có những nguyên tắc phổ biến giúp giảm mụn từ bên trong, đó là:

  • Không ăn quá no (chỉ ăn lưng bụng), uống đủ nước.
  • Không ăn đồ ăn cay nóng, đồ ăn chứa nhiều hóa chất.
  • Giữ da sạch sẽ, thông thoáng, không đắp mặt nạ một cách vô tội vạ.
  • Dùng thuốc đúng cách (nên tìm bác sĩ, thầy thuốc để được chẩn đoán đúng bệnh và dùng đúng thuốc).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện