Cây vàng anh lá bé, công dụng và tiềm năng làm thuốc

Vàng anh lá bé

Vàng anh lá bé là loài cây cảnh đẹp ở nước ta và hay bị nhầm với cây vô ưu hay cây sa la – những loài cây gắn liền với sự tích về đức Phật.

Trên thực tế, vàng anh lá bé có tên khoa học là Saraca indica Linnaeus (1), khác với cây vô ưu Ấn Độ (có tên khoa học là Saraca asoca) (2) và cũng khác với cây sa la (có tên khoa học là Shorea robusta) (3).

Chú ý phân biệt: Theo nguồn tin hiện tại thì loài Saraca indica do nhà thực vật học Linnaeus đặt tên mới là cây vàng anh lá bé (vì trên thực tế, có người cũng lấy tên Saraca indica để đặt cho cây vô ưu Ấn Độ đã nói ở trên) (2).

Đặc điểm cây vàng anh lá bé

Vàng anh lá bé là cây thân gỗ, cao từ 5 – 20 m, thân nhẵn và không có gai. Lá vàng anh lá bé thuôn và sẫm màu ở mặt trên.

Vào mùa hoa, những ngù hoa màu vàng cam mọc chen chúc lấp lánh trên cây trông rất đẹp và tạo cảm giác về sự may mắn, tốt lành!

Vàng anh lá bé
Vàng anh lá bé

Ở nước ta, cây vàng anh lá bé mọc nhiều ở những nơi ẩm ướt tại các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… Ngoài ra, ở Ấn Độ và nhiều nước khác như Lào, Thái Lan, Indonexia… cũng có loại cây này (4).

Công dụng làm thuốc của cây vàng anh lá bé

Theo y học cổ truyền, ta có thể dùng vỏ cây vàng anh lá bé để làm thuốc. Được biết, vỏ cây có tác dụng thu liễm và điều trị rong kinh là nhờ có chứa Ketosterol và muối calcium. Ngoài ra, ở Ấn Độ – nơi có nhiều cây này, dân gian cũng dùng vỏ cây làm thuốc điều trị đau tử cung.

Cách dùng: lấy vỏ cây vàng anh lá bé (6 phần), sữa (8 phần) và nước (32 phần), tất cả đem nấu nước uống (lưu ý chia thành ba lần uống trong ngày) (4).

Hoa vàng anh lá bé
Hoa vàng anh lá bé

Các nghiên cứu

Công dụng làm thuốc của cây vàng anh lá bé chưa được nói đến nhiều trong y học cổ truyền nhưng các kết quả nghiên cứu thì lại cho thấy tiềm năng làm thuốc của nó, với nhiều hoạt tính đáng chú ý như:

  • Hoạt tính chống trầm cảm: Theo tạp chí Asian Journal of Chemistry, chiết xuất etanolic từ vỏ cây này có tác dụng chống trầm cảm đáng kể (ở các liều 100, 200 và 400 mg/ kg thể trọng) (5).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí International Journal of Chemical and Pharmaceutical Sciences, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước, ethanol, ethyl acetate, hexan và chloroform từ vỏ cây đều có tác dụng chống oxy hóa, trong đó, chiết xuất etanol và chiết xuất hexan là có tác dụng chống oxy hóa cao nhất (6).
  • Hoạt tính bảo vệ thận: Theo tạp chí Environmental toxicology, chiết xuất từ lá cây có tác dụng bảo vệ thận trước các tổn thương do bức xạ gamma gây ra (7).
  • Hoạt tính hạ đường huyết: Theo tạp chí Journal of Pharmacy Research, kết quả thí nghiệm trên chuột tiểu đường cho thấy chiết xuất từ vỏ cây có tác dụng hạ đường huyết rất tốt (8).
  • Tác dụng tẩy giun: Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nồng độ 40 mg/ ml, chiết xuất metanol từ lá cây có tác dụng tẩy giun sán tốt hơn thuốc tẩy giun tiêu chuẩn là Albendazole (9).
  • Tác dụng bảo vệ tim mạch: Theo tạp chí Indian Journal of Pharmacology, kết quả nghiên cứu trên chuột Wista cho thấy chiết xuất cồn từ vỏ cây có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ tim mạch trước các tổn thương do thuốc Cyclophosphamide gây ra (10).

Hiển nhiên, các kết quả trên chỉ là những nghiên cứu bước đầu về tiềm năng y học của cây vàng anh lá bé. Và để được ứng dụng vào thực tiễn điều trị, chúng ta còn cần thêm nhiều nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả trên thực nghiệm lâm sàng.

Nguồn tham khảo
  1. Vàng anh lá béhttps://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%A0ng_anh_l%C3%A1_b%C3%A9, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  2. Cây vô ưu, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2y_v%C3%B4_%C6%B0u, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  3. Sa lahttps://vi.wikipedia.org/wiki/Sala, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  4. Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 1149.
  5. Antidepressant activity of bark of Saraca indica Linnhttps://manipal.pure.elsevier.com/en/publications/antidepressant-activity-of-bark-of-saraca-indica-linn, ngày truy cập: 23/ 11/2020.
  6. Radical scavenging activity of Saraca indica bark extracts and its inhibitory effect on the enzymes of carbohydrate metabolism, http://www.ijcps.com/files/vol4issue3/15.pdf, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  7. Protective effects of Saraca indica L. leaves extract (family Fabaceae) against gamma irradiation induced injury in the kidney of female albino rats, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/tox.23056, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  8. Hypoglycemic activity of Saraca indica Linn barks, https://www.cabdirect.org/cabdirect/abstract/20103155516, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  9. Anthelmintic activity of the leaf of Saraca indica Linn., https://www.semanticscholar.org/paper/Anthelmintic-activity-of-the-leaf-of-Saraca-indica-Sharma-Gupta/fd70089bd68e1e0723b428375b1e4e341e98b94a?p2df, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.
  10. Cardioprotective effect of Saraca indica against cyclophosphamide induced cardiotoxicity in rats: A biochemical, electrocardiographic and histopathological studyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3608294/, ngày truy cập: 23/ 11/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện