Cây mẫu kinh (ngũ trảo lá có răng) điều trị bệnh gì?

Lá mẫu kinh

Ngũ trảo là loại cây khá quen thuộc, mỗi lá gồm 5 lá chét và thường được trồng để vừa làm cảnh, vừa làm thuốc.

Tuy nhiên, còn có một loại cây nữa cũng khá giống cây ngũ trảo nhưng lá của nó lại có dạng răng cưa, đó là cây mẫu kinh (hay còn gọi là cây ngũ trảo lá có răng).

Ở nước ta, cây được tìm thấy tại một số tỉnh như Bến Tre, Hà Nội, Lạng Sơn, Sài Gòn… (ngoài ra thì ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepan… cũng có loại cây này.

Vài nét về cây mẫu kinh

Cây mẫu kinh (牡荆) có tên khoa học là Vitex negundo L. var. cannabifolia (1).

Ngoài mép lá có dạng răng cưa thì ta còn có thể nhận dạng cây mẫu kinh qua thân cành hơi vuông, có lông mịn vàng nhạt và mặt dưới lá cũng có lông vàng nhạt.

Hoa và lá mẫu kinh
Hoa và lá mẫu kinh

Hoa cây mẫu kinh có màu tím nhạt, mọc thành cụm và quả nhỏ tròn. Nhìn chung, so với cây ngũ trảo thì cây mẫu kinh ít được nhắc đến hơn, tuy nhiên, nó lại là cây thuốc điều trị được nhiều bệnh như viêm đường tiết niệu, suyễn, viêm ruột… (1).

Bộ phận làm thuốc

Thông thường, dân gian hay dùng lá của cây để làm thuốc (Đông y gọi là mẫu kinh diệp). Ngoài ra, thân, rễ và quả của cây cũng được dùng.

Thu hái: Nếu dùng lá thì bạn nên hái vào mùa hè, rửa sạch, xắt nhỏ rồi phơi gió cho khô dần (phơi âm can) vì lá cây chứa khoảng 0,05 % tinh dầu (dễ bay hơi).

Nếu dùng thân hoặc rễ, bạn có thể thu lấy quanh năm, rửa sạch rồi chặt nhỏ, phơi khô (1).

Công dụng làm thuốc của cây mẫu kinh

Lá cây: Theo y học cổ truyền, lá mẫu kinh có vị cay, hơi đắng và có tính bình. Dân gian thường dùng vị thuốc này với các công dụng như:

  • Thanh nhiệt, lợi tiểu.
  • Làm tan đờm, ngưng ho, suyễn.
  • Điều trị sốt rét.
  • Giúp giải cảm cúm.
  • Điều trị lỵ và viêm ruột.
  • Điều trị viêm đường tiết niệu – sinh dục.

Liều dùng: mỗi ngày, lấy từ 10 – 30 g lá cây, nấu lấy nước uống. Riêng với cảm cúm và rối loạn tiêu hóa, nếu không dùng độc vị, bạn có thể kết hợp lá mẫu kinh (30 g) với cò ke (30 g) và thồm lồm (30 g), tất cả cùng xắt nhỏ rồi nấu uống trong ngày (1).

Hạt mẫu kinh
Mẫu kinh tử

Quả: Quả mẫu kinh (mẫu kinh tử) có vị đắng cay, tính ấm và thường được dùng trong các trường hợp như:

  • Điều trị ho, hen suyễn.
  • Điều trị đau vùng thượng vị (giúp giảm đau).
  • Điều trị viêm ruột và lỵ.
  • Điều trị rối loạn tiêu hóa.

Liều lượng: mỗi ngày sắc uống từ 3 – 10 g.

Rễ và thân cây: Thân và rễ cây đều có vị đắng cay, giúp điều trị các chứng như: ho, sốt rét, viêm gan và viêm phế quản (sắc lấy nước uống từ 10 – 30 g mỗi ngày) (1).

Các nghiên cứu về loài cây này

  • Hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí Molecules, nhiều chiết xuất từ thân và lá cây có tác dụng kháng khuẩn (chống lại các vi khuẩn Escherichia coli, Bacillus subtilis, Micrococcus tetragenus và Pseudomonas fluorescens) (2). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tinh dầu từ lá và thân của cây cũng có hoạt tính kháng khuẩn, chống lại các vi khuẩn như Escherichia coli,Micrococcus Tetragenus, Bacillus subtilis (nhờ các hoạt chất kháng khuẩn mạnh mẽ như caryophyllene (43.12%), β-elemene (4.03%) and sabinene (3.82%)) (3).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Journal of Asian Natural Products Research, chiết xuất từ hạt mẫu kinh có tác dụng chống oxy hóa đáng kể (4).

Thông tin thêm

Ở nước ta, ngoài cây mẫu kinh được đề cập trong bài viết này còn có các cây khác có hình dáng tương tự như:

  • Cây mẫu kinh núi (Vitex quinata (Lour.) F.N.Williams), phiến lá không có lông nhưng thỉnh thoảng có lông ở gân, hoa màu vàng nhạt.
  • Cây mẫu kinh núi lông ngắn (Vitex quinata (Lour.) Williams var. puberula Moldenke), lá lớn hơn cây mẫu kinh núi, không có lông ở phiến lá nhưng có lông ở gốc lá (1).
Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 76.
  2. Antiseptic Activity and Phenolic Constituents of the Aerial Parts of Vitex negundo var. cannabifolia, https://www.mdpi.com/1420-3049/15/11/8469, ngày truy cập: 03/ 02/ 2021.
  3. Constituents in the essential oil of Vitex negundo Linn.var.cannabifolia(Sieb.et Zucc.) Hand.-Mazz.and their antibacterial activities, https://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTotal-SPKJ201012008.htm, ngày truy cập: 03/ 02/ 2021.
  4. Antioxidant lignans from the seeds of Vitex negundo var. cannabifolia, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10286020.2014.929574, ngày truy cập: 03/ 02/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện