Cà tím là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng ít ai biết rằng cà tím có độc. Vâng, trong cà tím có chứa solanine, chất này có tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư nhưng cũng có thể gây hại với hệ hô hấp và gây mê. Ngoài ra, trong cà tím còn chứa nicotine cũng là một loại chất độc.
Vì vậy, nếu ăn quá nhiều cà tím, bạn có thể sẽ bị ngộ độc. Đặc biệt, cà tím sống chứa nhiều chất độc hơn, vì vậy, bạn không nên ăn tươi hoặc xay nước ép nhé! Trên thực tế, nhiều người hay thái mỏng cà tím để chấm mắm nhưng đây là cách ăn thiếu an toàn, rất có hại cho sức khỏe.
Gợi ý: Khi chế biến cà tím, bạn nên cho thêm chút giấm, như vậy sẽ giúp phân hủy solanine nhanh hơn. Mỗi tuần, bạn không nên ăn cà tím quá 2 lần.

Cà tím kỵ gì?
Theo quyển “Kỵ và hợp trong ăn uống” thì cà tím kỵ với cua và mực. Cụ thể như sau:
- Cà tím kỵ cua: Cà tím có tính âm, hàn và cua cũng có tính hàn. Vì vậy, nếu ăn 2 món này cùng một lúc sẽ gây mất cân bằng âm dương, dẫn đến khó tiêu, dễ rối loạn tiêu hóa và trướng bụng.
- Cà tím kỵ mực: Bình thường, các loại mực vốn đã tính hàn nên ăn quá nhiều cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Riêng với mực nang, nếu ăn 2 con liên tục cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu ăn mực cùng cà tím thì tình trạng lại càng trầm trọng hơn (1).
Tác hại của cà tím – Ai không nên ăn cà tím?
- Một số người sau khi ăn cà tím sống (hoặc chưa chín tới) có thể bị ngứa ngoài da, tê môi, tê lưỡi, ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ và ngứa miệng. Thậm chí, nếu ăn nhiều cà tím sống thì có thể bị ngộ độc. Vì vậy, bạn nên nấu chín kỹ cà tím rồi mới ăn và cũng không nên ăn nhiều.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều cà tím vì có thể gây sảy thai hoặc sinh non.
- Người bị bệnh dạ dày không nên ăn cà tím vì sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn (cà tím có tính hàn, ăn nhiều dễ dây tiêu chảy).
- Người bị thấp khớp, đau mỏi cơ thể hoặc đang bị bệnh… không nên ăn cà tím.
- Người bị bệnh thận (đặc biệt là sỏi thận) và người bị hen suyễn… cũng không nên ăn cà tím (2).
- Người bị tiêu chảy, viêm loét da và bị bệnh về mắt không nên ăn cà tím.
- Người dễ bệnh khi thời tiết thay đổi cũng không nên ăn cà tím (1).

Cà tím hợp với gì?
Cà tím hợp với người thiếu máu, táo bón, máu huyết kém lưu thông, cao huyết áp, ho ra máu, xuất huyết dưới da, xơ vữa động mạch… và thiếu vitamin C. Với các trường hợp này, ăn cà tím 1 lần mỗi tuần (chiên, xào, luộc…) sẽ giúp hỗ trợ rất tốt. Tuy nhiên, mỗi người chỉ ăn 1 trái là được và phải nấu chín.
Bên cạnh đó, trong chế biến, cà tím cũng hợp với các nguyên liệu sau đây:
- Cà tím hợp với thịt heo: Thịt heo chứa nhiều chất đạm, vì vậy, nếu ăn cùng cà tím thì sẽ giúp bồi bổ cơ thể rất tốt.
- Cà tím hợp với thịt bò: Được biết, cà tím có chứa một lượng đáng kể vitamin P nên rất tốt cho tim mạch. Trong khi đó, thịt bò lại dồi dào dinh dưỡng. Vì vậy, nếu bạn kết hợp chúng cùng nhau thì cơ thể sẽ dẻo dai, khỏe mạnh hơn rõ rệt.
- Cà tím hợp với thịt dê: Thịt dê là loại thực phẩm có tính nóng, giúp bồi bổ thận và làm ấm dạ dày. Cà tím thì chứa nhiều vitamin P và E. Vì vậy, nếu bạn ăn 2 món này trong cùng bữa ăn thì sẽ giúp bảo vệ tim mạch.
Thông tin thêm
- Khi chế biến cà tím, bạn nên vặn lửa nhỏ để giảm sự thất thoát dinh dưỡng vì nhiệt.
- Cà tím sau khi chế biến nên ăn càng sớm càng tốt, không nên để lâu (1).
Tham khảo thêm bài viết: Có nên ăn sống cà tím không ?
- Thôi Hiểu Lệ, Kỵ và hợp trong ăn uống, NXB Phụ nữ, trang 39[↩][↩][↩]
- Cà tím kỵ gì?, https://suckhoedoisong.vn/bi-quyet-che-bien-ca-tim-thanh-nhieu-mon-ngon-ma-khong-gay-ngo-doc-169220612071557151.htm, ngày truy cập: 21/ 04/ 2023[↩]