“Ôn cố tri tân” nghĩa là ôn lại cái cũ để biết cái mới. Thật vậy, có những kiến thức nền tảng mà người xưa đã đúc kết qua nhiều thế hệ và đến nay; những kiến thức đó vẫn còn đúng đắn, nhất là về triết học, y học và giáo dục.
Bên cạnh “ngũ lao” là 5 trường hợp làm tổn hại cơ thể, người phương Đông còn nói đến “thất thương” là 7 điều tổn hại sức khỏe (được đề cập trong công trình “Chư bệnh nguyên hậu luận”).
Vậy, 7 điều làm tổn hại sức khỏe đó là gì?
1. Đại bão thương tỳ
“Đại bão thương tỳ” có nghĩa là ăn quá no thì sẽ làm hại lá lách, tức hệ tiêu hóa nói chung.
Trong Luận ngữ có nói” “Quân tử thực vô cầu bão” nghĩa là người quân tử ăn không cần no. Ngày nay, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên chúng ta chỉ nên ăn no 80 % vì ở trạng thái này dạ dày sẽ làm việc tốt nhất, quá trình tiêu hóa cũng hiệu quả nhất (1).

Vì vậy, điểm cần tránh đầu tiên theo quan niệm của người xưa chính là không ăn quá no bởi ăn no (“đại bão”) thì sẽ tạo sức ép đến dạ dày (Vị) và lá lách (Tỳ), buộc chúng phải làm việc nhiều để tiêu hóa một lượng lớn ăn. Về lâu dài, hệ tiêu hóa sẽ bị tổn thương mà sức khỏe con người thì chịu ảnh hưởng rất lớn từ quá trình tiêu hóa (y học cổ truyền quan niệm nguyên khí của con người do khí tiên thiên và khí hậu thiên tạo thành, trong đó, khí hậu thiên là do hiệu quả từ ăn uống dinh dưỡng) (2).
2. Đại nộ khí nghịch thương can
“Đại nộ khí nghịch thương can” có nghĩa là nóng giận quá mức khiến cho khí nghịch làm tổn thương gan.

Trong khi đó, gan là bộ phận thanh thải chất độc cho cơ thể, nếu gan bị ảnh hưởng thì tuổi thọ của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng (1).
3. Cường lực cử trọng, cửu tọa thấp địa thương thận
“Cường lực cử trọng” có nghĩa là dùng hết sức mạnh nâng một vật nặng nào đó lên, còn “cửu tọa thấp địa” có nghĩa là ngồi lâu ở chỗ đất ẩm thấp. Hai thói quen này sẽ làm tổn hại đến thận, cơ quan tàng chứa khí tiên thiên (làm nên nguyên khí – nguồn lực của sinh mệnh con người).
Chính vì vậy, nếu thường xuyên nâng vác nặng nhọc thì thận sẽ yếu, lưng sẽ đau nhức (vì lưng là phủ của thận) (1).
4. Hình hàn ẩm lãnh thương phế
“Hình hàn ẩm lãnh thương phế” có nghĩa là thân thể đang lạnh hoặc thuộc thể hư hàn mà uống nước lạnh thì hại phổi.
Chính vì vậy, người bệnh cần uống nước ấm và người phương Đông cổ xưa, nhất là người Trung Hoa rất thích uống trà nóng (1).
5. Hình lao ý tổn thương thần
“Hình lao ý tổn thương thần” nghĩa là làm việc vất vả, khổ nhọc nhiều thì dần dần sẽ làm tổn hại Thần của con người. Điều này rất dễ hiểu vì khi kiệt sức thì hệ thần kinh và ý chí của chúng ta cũng sẽ suy kiệt theo (1).

6. Phong vũ hàn thử thương hình
Lúc nhỏ, tôi thường hỏi mẹ tôi lại sao bà cồ lại bị lưng còng vậy? Mẹ tôi bảo rằng lưng bà bị còng là vì thời bà còn trẻ, ban ngày thì bà ra đồng khai hoang mở đất, ban đêm ngồi chầm nón lá, ngày qua ngày cực nhọc như vậy nên cái lưng mới bị còng.
Theo bạn, ngoại hình của chúng ta thay đổi vì nguyên nhân gì?
Ngoại trừ những yếu tố “bất thường không mong muốn” như tai nạn thì có 2 nhóm nguyên nhân làm thay đổi hình dáng, hình thể của chúng ta, đó là:
- Nội tâm: Một người nội tâm bất an, chứa nhiều cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, thù ghét, buồn bã… thì những nét ấy dần dần sẽ hiện lên khuôn mặt, qua ánh mắt… Đó là lý do chúng ta đều thấy trẻ con đáng yêu, đơn thuần (vì nội tâm của chúng rất đơn giản, an nhiên).
- Ngoại cảnh: Hoàn cảnh sống cũng tác động tới ngoại hình. Những người phải làm việc nặng nhọc vất vả thì cơ bắp, hình dáng cũng khác rất nhiều so với người sống thanh nhàn, ít làm việc nặng.
Ở đây, “phong vũ hàn thử thương hình” chính là các yếu tố bên ngoài như gió, mưa, lạnh, nóng… làm tổn hại hình thể con người.
7. Đại khủng cụ bất tiết thương chí
“Đại khủng cụ bất tiết thương chí” nghĩa là quá sợ hãi làm cho người ta suy nhược ý chí. Những người hay bị rơi vào cảm giác sợ hãi, bị dọa nạt hay bị “khủng bố tinh thần”, “sang chấn tâm lí”… thì sau đó, ý chí của người đó cũng bị ảnh hưởng (1).
Bảy điều trên, tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là kinh nghiệm quý báu của người xưa. Điều quan trọng hơn, trong cuộc sống vội vã này, liệu bạn đã bao giờ dừng lại một vài phút để tự hỏi mình: Ta đã biết thương bản thân chưa? Đã làm gì để giữ gìn sức khỏe, sinh mệnh này chưa?
- 中医说,人有“五劳七伤”,你了解多少?, http://wsjk.tj.gov.cn/JKJY5233/JKZS7782/202011/t20201110_4047429.html, ngày truy cập: 22/ 04/ 2021.
- Trong Đông Y: Nguyên khí là gì, nguyên khí có thể bồi bổ không?, https://camnang.paltal.vn/trong-dong-y-nguyen-khi-la-gi-nguyen-khi-co-the-boi-bo-khong, ngày truy cập: 22/ 04/ 2021.