Tỏi tây có tác dụng gì và làm món gì ngon?

Tỏi tây

Gần đây, chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp các video với thử thách ăn tỏi tây sống (hay còn gọi là hành boa rô, hành ba rô…).

Được biết, từ 2000 năm trước công nguyên, người Ai Cập cổ đại cũng đã dùng tỏi tây làm thức ăn và ngày nay, tỏi tây đã trở thành một trong những loại rau gia vị phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỏi tây chỉ mới phổ biến trong thời gian gần đây và thường được bán trong siêu thị hay các chợ lớn (ít thấy ở các chợ quê).

Vậy, loại rau gia vị này có những công dụng gì? Cách chế biến tỏi tây như thế nào và làm món gì ngon?

Tỏi tây có tác dụng gì?

Được biết, tỏi tây là loại gia vị mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe như:

  • Tăng cường sức khỏe tim mạch, góp phần phòng ngừa đột quỵ, đau tim… (nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ).
  • Phòng ngừa ung thư (nhờ chứa allyl sulfide và các chất chống oxy hóa khác).
  • Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh (chứa prebiotics giúp tăng cường sự hấp thụ dinh dưỡng).
  • Tốt cho xương (nhờ chứa nhiều Can xi và Ma giê).
  • Góp phần phòng ngừa thiếu máu (nhờ chứa nhiều chất Sắt).
  • Giúp giảm cân (nhờ chứa ít calo và nhiều chất xơ) (1).
Tỏi tây có tác dụng gì
Tỏi tây có tác dụng gì

Đặc biệt, tỏi tây còn được xem như một vị thuốc giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh về tim mạch. Trong đó, hợp chất flavonoid có trong tỏi tây là thành phần quan trọng mang lại nhiều tác dụng tích cực cho huyết áp (cũng như chức năng của mạch máu trong cơ thể).

Không chỉ thế, tỏi tây còn chứa nhiều folate nên tốt cho máu, tim và hệ thần kinh; chứa kaempferol giúp bảo vệ tim mạch, làm dịu cơn đau tim và giảm nguy cơ đột tử (2) (3).

Vì vậy, dùng tỏi tây vừa phải sẽ giúp bạn ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, giúp bạn có một trái tim khỏe. Với những người đã từng mắc bệnh tim mạch, việc bổ sung tỏi tây vào thực đơn cũng giúp giảm nguy cơ tái phát.

Cách dùng tỏi tây khi bị tăng huyết áp đột ngột

Khi bị tăng huyết áp đột ngột, người bệnh chỉ cần lấy khoảng 150 gam tỏi tây tươi (cắt bỏ rễ), rửa bằng nước muối cho thật sạch rồi cắt nhỏ ra, giã nát và lược lấy nước uống là được.

Tuy nhiên, nước ép tỏi tây hơi có mùi hăng và hơi cay nhẹ, vì vậy, nó sẽ hơi khó uống một chút.

Lưu ý

  • Sau khi dùng thuốc, nếu tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị.
  • Mỗi tuần chỉ nên dùng 2 hoặc 3 lần.
  • Không nên dùng quá liều vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
  • Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc (bác sĩ) khi dùng làm thuốc.

Thông tin thêm

Theo tạp chí Food Chemistry, phần lá màu xanh của tỏi tây có đặc tính chống oxy hóa mạnh hơn phần màu trắng ở gốc. Trong đó, phenolic và axit ascorbic là các chất góp phần đáng kể vào hoạt động chống oxy hóa (4).

Bên cạnh đó, trong các cách chế biến thì hấp (chưng cách thủy) là cách giúp giữ lại nhiều chất chống oxy hóa nhất.

Tuy nhiên, khi dùng làm thức ăn, bạn nên cắt bỏ phần lá xanh đậm, chỉ giữ lại phần thân trắng và phần lá xanh non. Sau khi chế biến, bạn nên dùng trong ngày (nếu để qua ngày hôm sau thì sẽ dễ gây độc).

Để bảo quản tỏi tây tươi, bạn không cần rửa mà cho vào túi nilon, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh, khi nào cần dùng thì lấy ra chế biến (có thể bảo quản từ 2 ngày đến 7 ngày).

Thịt heo xào tỏi tây
Thịt heo xào tỏi tây

Các món ngon

  • Tôm, mực xào rau cần và hành boa rô (tỏi tây).
  • Trứng kho hành boa rô.
  • Cháo gà và hành boa rô.
  • Hành boa rô trộn cay.
  • Thịt bò xào hành boa rô.
  • Tàu hủ tẩm hành boa rô.
  • Nghêu nấu với hành boa rô.
  • Thịt heo xào hành boa rô.
Nguồn tham khảo
  1. Tỏi tây và những lợi ích không ngờ cho sức khỏe, https://laodong.vn/suc-khoe/toi-tay-va-nhung-loi-ich-khong-ngo-cho-suc-khoe-943182.ldo, ngày truy cập: 16/ 11/ 2021.
  2. Tỏi tây: Gia vị giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư, https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/thong-tin-dinh-duong/toi-tay/, ngày truy cập: 16/ 11/ 2021.
  3. Tận dụng thành phần của tỏi tây để tăng cường sức khỏe, http://thuocnam.edu.vn/tan-dung-thanh-phan-cua-toi-tay-de-tang-cuong-suc-khoe, ngày truy cập: 16/ 11/ 2021.
  4. Antioxidant capacity, total phenolic and ascorbate content as a function of the genetic diversity of leek (Allium ampeloprasum var. porrum), https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0308814612003743, ngày truy cập: 16/ 11/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện