Mật đà tăng xóa mờ tàn nhang, điều trị hôi miệng và hôi nách

Mật đà tăng

Có một loại hợp chất giúp làm đẹp nhưng lại là chất cặn rỉ ở dưới lò đúc bạc, bạn có biết đó là gì không? Vâng, đó là mật đà tăng (Lithargyrum) – cái tên thật lạ phải không nhỉ!. Ngoài tên này, nó còn được gọi là kim đà tăng hay lô đề… và được tạo thành từ quá trình đúc bạc.

Không chỉ có tác dụng điều trị tàn nhang, mật đà tăng còn giúp giảm hôi miệng, hôi nách và điều trị nhiều chứng bệnh khác.

Vậy, cách dùng mật đà tăng như thế nào và cần lưu ý gì khi dùng để tránh bị ngộ độc?

Mật đà tăng, đặc điểm và tính chất

Mật đà tăng thường được lấy từ những lò đúc bạc lâu năm. Sau khi lấy, người ta nấu lại và đổ thành những miếng có màu đen óng (ánh xám). Trong một số trường hợp, nó được lưu trữ dưới hình dạng tự nhiên (thành những cục vuông màu vàng sậm hoặc đỏ vàng và thường chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay).

Mật đà tăng
Hình ảnh vị thuốc

Đây là vị thuốc có vị cay mặn, có độc nên đa phần được dùng ngoài da (để bôi thoa giúp tẩy các vết sạm ngoài da hoặc làm cao bôi ngoài). Với những trường hợp dùng làm thuốc uống thì thường dùng với liều rất thấp và có sự theo dõi của bác sĩ).

Mật đà tăng điều trị tàn nhang

Vì sao vị thuốc này lại điều trị được tàn nhang?

Theo sách của Mậu Hy Ung thì điều này được giải thích như sau: Mật đà tăng có vị mặn, giúp mát huyết nên có thể điều trị được kim sang và các vết đen sạm trên da mặt.

Cách sử dụng vị thuốc này như sau:

  • Cách 1: Lấy mật đà tăng (một lượng vừa đủ), xay nát như bột rồi trộn với sữa người, sau đó chấm vào các nốt tàn nhang. Thời gian dùng tốt nhất là vào buổi tối, thoa hoặc chấm xong thì để qua đêm, đến sáng hôm sau thì rửa mặt lại (tránh để rơi vào mắt, miệng) (3).
  • Cách 2: Lấy mật đà tăng xay nát rồi trộn với bột lưu huỳnh, tủy dê (xay nát) và nhân quả thầu dầu (cũng xay nát), liều lượng các vị bằng nhau. Mỗi buổi tối thì lấy bột này thoa lên vùng da bị tàn nhang (3).
Mật đà tăng dạng miếng
Mật đà tăng dạng miếng

Mật đà tăng qua các ghi chép

Theo y học cổ truyền, đây là vị thuốc có độc tính và thường được dùng điều trị đờm do thực tà (1).

Bên cạnh đó, vị thuốc này còn được ghi chép trong các sách y như Bản thảo bị yếu, Bản thảo cương mục… với nhiều công dụng khác như:

  • Giúp long đờm, trừ giun lãi.
  • Giúp chấn kinh, tiêu thũng.
  • Giúp trừ ô uế trong cơ thể.
  • Giúp sát trùng và điều trị nhọt lở (1).

Ngoài ra, y học cổ truyền cũng quan niệm rằng mật đà tăng là chất do cảm khí từ đồng và bạc mà sinh ra. Vì vậy, vị cay của nó có thể làm tan ứ kết, vị mặn của nó giúp nhuận nên điều trị được chứng đi lỵ lâu ngày (1).

Liều lượng: Vì là vị thuốc có độc nên chỉ dùng uống với liều rất thấp, từ 0, 5 – 1 g mỗi ngày. Nếu thoa ngoài da thì liều lượng linh hoạt tùy theo độ rộng của vùng da cần thoa (thường trong khoảng 100 g) (1) (2).

Các bài thuốc thông dụng

1. Điều trị kết đờm ở ngực (kết mãi không tan)

  • Chuẩn bị: 80 g mật đà tăng.
  • Thực hiện: đem thuốc ngâm tẩm với giấm rồi vớt ra, phơi cho thật khô, sau đó xay thành bột. Mỗi ngày lấy 8 g sắc với một chén rượu và một chén nước rồi uống (uống lúc còn ấm) (1). Lưu ý, khi dùng bài thuốc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng.

2. Điều trị xích bạch lỵ

  • Chuẩn bị: 120 g mật đà tăng.
  • Thực hiện: lấy thuốc đem nun cho vàng rồi xay thành bột để dùng dần. Mỗi lần dùng thì lấy 4 g bột này hòa với nước trà và một ít giấm rồi uống.
  • Ghi chú: Trong từng trường hợp cụ thể, liều lượng bột này cần được gia giảm theo sự hướng dẫn của thầy thuốc (1).

3. Điều trị hôi miệng (có mùi thối)

  • Chuẩn bị: 4 g mật đà tăng (tán bột).
  • Thực hiện: cho vào ly, đổ thêm chút giấm vào, hòa cho đều rồi súc miệng và nhổ bỏ (1).

4. Điều trị hôi nách

  • Chuẩn bị: 100 g mật đà tăng (tán bột) và 60 g bột bạch chỉ.
  • Thực hiện: trộn đều hai loại bột trên rồi thoa vào nách (lưu ý, nếu nách có vết loét thì phải trộn thêm dầu mè rồi mới thoa) (2).

Lưu ý khi dùng mật đà tăng

  • Những người bị trúng hàn mà không phải do thực tà thì không được dùng (1).
  • Dùng thuốc này đến khi khỏi bệnh thì ngưng và không nên dùng quá 1 tuần để tránh nhiễm độc chì (vì thành phần chủ yếu của mật đà tăng là chì oxit (PbO) và các tạp chất) (1) (2) (4).
  • Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người yếu mệt cũng không được dùng vị thuốc này.
Nguồn tham khảo
  1.  Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 1044.
  3. Văn Thiên Đường – Văn Lượng – Lâm Hợi, Làm đẹp bằng các phương thuốc đông y cổ truyền, NXB Văn hóa thông tin, trang 31.
  4. 密陀僧https://baike.baidu.com/item/%E5%AF%86%E9%99%80%E5%83%A7/20584886, ngày truy cập: 27/ 06/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện