Trong các thang thuốc hoạt huyết, cầm máu hay điều trị kinh nguyệt không đều; bạn thường gặp vị bạch chỉ. Thật vậy, đây là một trong những vị thuốc khá phổ biến của y học cổ truyền.
Nói về công hiệu của bạch chỉ (BC), người ta có nhắc đến câu chuyện về một cô gái hay bị đau bụng kinh dữ dội vào đời Bắc Tống. Sau đó, nhờ lời chỉ dẫn của một cụ già mà cô gái ấy biết đến BC và dùng (kết quả là bệnh giảm đi đáng kể). Về sau, những cô gái trong vùng ấy hễ bị đau bụng kinh thì thường dùng bạch chỉ (1).
Thật vậy, bạch chỉ là vị thuốc giúp máu huyết trong cơ thể vận chuyển mau chóng, từ đó điều trị được những bệnh do máu huyết không thông. Ngoài ra, BC còn có hiệu quả nhất định trong các bệnh như đau khớp xương, viêm xoang, đại tiện ra máu…
Vài nét về bạch chỉ Bắc
Bạch chỉ không phải là tên của một vị thuốc duy nhất và ở nước ta, có hai dòng BC là bạch chỉ Bắc (lấy từ Trung Quốc) và bạch chỉ Nam (lấy từ Việt Nam).
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến BC Bắc là phần rễ đã phơi khô của cây hương bạch chỉ, hay còn gọi là cây phong hương, cây Hàng BC, BC Hàng Châu. Hương bạch chỉ có tên khoa học là Angelica dahurica, thuộc họ Hoa tán (loài này thường chỉ cao dưới 1, 5 m và thân rỗng ruột).
Ngoài cây hương BC đã kể trên thì còn một cây khác cũng cho vị thuốc bạch chỉ Bắc, đó là cây Xuyên bạch chỉ (tức BC Tứ Xuyên). Loài này có tên khoa học là Angelica anomala, thuộc họ Hoa tán và so về hình dáng thì gần giống với loài trên (nhưng thân cây ốm hơn).
Tuy nhiên, trên thực tế, loại này ít được dùng hơn vì trong củ của nó có hoạt chất angelicotoxin. Đây là chất gây hưng phấn với liều thấp nhưng nếu dùng liều cao sẽ làm mạch đập chậm, tăng huyết áp, hơi thở kéo dài, nôn mửa, thậm chí là co giật và tê liệt toàn thân.
Công dụng của bạch chỉ
Bạch chỉ có mùi thơm đậm và hơi cay, thông vào các kinh Phế, Vị và Đại tràng. Theo y học cổ truyền, BC là vị thuốc chuyên dùng để:
- Giúp thần kinh hưng phấn và máu huyết lưu thông.
- Giúp ra mồ hôi và làm giảm đau đầu, đau răng, cảm mạo, hoa mắt.
- Giúp cầm máu trong trường hợp bị chảy máu cam và đại tiện ra máu.
- Giúp thông kinh nguyệt và điều trị xích bạch đới.
- Điều trị sốt xuất huyết.
- Điều trị đau khớp xương
- Điều trị viêm xoang và chảy nước mũi (có mùi tanh, hôi thối).
- Điều trị viêm ruột và đại tiện ra máu.
- Điều trị sưng vú, tràng nhạc và ghẻ lở (dùng ngoài da, nghiền và đắp lên).
Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 3 – 6 g bạch chỉ dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột (nếu dùng thuốc bột thì chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống từ 1 – 2 g).
Một số bài thuốc có dùng bạch chỉ
Ngoài cách dùng độc vị như trên, BC còn có mặt trong nhiều thang thuốc kết hợp như:
- Điều trị hôi miệng: Với chứng hôi miệng, hơi thở nặng mùi, bạn có thể lấy rau ngò gai sắc lấy nước thật đặc rồi súc miệng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp dùng ngò gai không hết thì bạn nên dùng thử BC và xuyên khung (mỗi vị 30 g), đem tán mịn rồi dùng mật vo lại thành viên to bằng hạt bắp. Mỗi ngày, bạn ngậm 2 hoặc 3 viên thuốc này và kiên trì trong nhiều ngày thì sẽ thấy hiệu quả.
- Giúp giảm nhức răng: Có nhiều cách làm giảm cơn đau nhức răng như dùng hoa nhức răng, dùng vỏ cây sao, dùng đinh hương và dùng BC. Với BC bạn có thể làm theo cách đơn giản là nghiền củ thành bột rồi lấy bông gòn chấm một ít bột ấy, nhét vào chân răng bị đau, như vậy sẽ giúp giảm đau răng.
- Nóng sốt ở trẻ em: Cách này không dùng bạch chỉ để uống mà là nấu nước tắm (lưu ý tắm cho trẻ thật nhanh và tắm ở nơi kín gió).
- Điều trị nhức đầu ê ẩm, toàn thân nhức mỏi: Dùng một lượng bằng nhau hai vị BC và xuyên khung, đem nghiền thành bột và để dùng dần. Mỗi lần dùng, lấy 2 – 3 g bột này hòa với rượu mà uống (ngày uống ba lần, nếu không uống được rượu thì lấy thuốc hòa với nước nóng mà uống). Với thuốc này, khi bạn uống vào sẽ thấy ra mồ hôi, đó là biểu hiện tốt.
- Điều trị viêm mũi, đau đầu (viêm xoang): Với những người bị viêm mũi có kèm theo nhức đầu thì dùng BC, hoa tân di và ké đầu ngựa (mỗi vị 9 g), cùng với 4, 5 g bạc hà, tất cả đem nghiền thành bột rồi chia ra uống (mỗi ngày uống hai hoặc ba lần, mỗi lần uống 3 g bột). Được biết, tân di trong thang thuốc trên chính là cũng là thảo dược chuyên trị viêm xoang.
Lưu ý
- Về đối tượng: Bạch chỉ có tính ấm nên những người âm hư huyết nhiệt, huyết hư gây đau đầu, khí hư huyết nhiệt, âm hư dương kháng không được dùng (6).
- Trong khi thu hoạch: Sau khi đào lấy củ thì rửa sạch và chỉ nên phơi dưới nắng yếu hoặc sấy ở nhiệt độ thấp (khoảng 40 – 50 độ).
- Lựa chọn: BC loại tốt là củ to mập, có độ dài trên 8 cm, đường kính trên 1 cm, bản chất khô, cứng và bẻ ra thì ngửi thấy mùi thơm (loại rễ nhỏ hơn thì chất lượng không bằng và các rễ con thì cho chất lượng kém).
- Phân biệt: Ngoài các cây đã kể trên thì người ta còn dùng rễ đã phơi khô của cây hàng bạch chỉ Angelica formosana và sơn bạch chỉ Angelica yabeana để làm BC Bắc. Còn ở nước ta, người ta cũng dùng rễ của cây mát rừng Millettia pulchra, thuộc họ Cánh bướm để làm thuốc với tên gọi bạch chỉ Nam (phương Nam). Loài này thường mọc ở các tỉnh phía Bắc nước ta và có rễ to, màu vàng nhạt, thường được kết hợp cùng các vị thuốc khác để điều trị đau bụng, tiêu chảy (3) (4).