Lậu lô điều trị tắc sữa, đau tắc vú và viêm quầng sưng tấy

Trong Đông y, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe nhắc đến vị thuốc “lậu lô” 漏芦 (Stemmacantha uniflora) và nó khác hoàn toàn so với một vị thuốc quen thuộc khác là “lê lô” 藜芦 (Veratrum nigrum) (1) (2) (3).

Lậu lô là phần thân rễ được phơi khô của cây và thường được dùng điều trị các bệnh về nhiệt như viêm quầng sưng tấy và ung nhọt (4).

Vậy, cách dùng lậu lô cụ thể như thế nào và ngoài các công dụng trên, vị thuốc này còn có công dụng nào khác?

Vài nét về lậu lô

Cây lậu lô có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc dạng thân cỏ nhưng sống lâu năm. Hoa của cây có màu tím nhạt và bộ phận được dùng làm thuốc là thân rễ (thường được thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu, sau đó rửa sạch, cắt bỏ rễ con và phơi khô) (4).

Cây lậu lô
Cây tươi

Lậu lô nhìn từ y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, lậu lô có tác dụng chủ đạo là thanh nhiệt, giải độc và trừ hỏa (vì có tính hàn). Do đó, nói đến lậu lô là nói đến các công dụng đáng chú ý như:

  • Điều trị lở loét do nhiệt: Lậu lô có tính hàn, vị mặn đắng nên thông vào tim. Theo quan điểm Đông y, đau và ngứa ngáy, lở loét nói chung đều thuộc về tim (theo Thần nông bản thảo kinh) và sách Bản thảo cương mục còn nhấn mạnh: “Vị thuốc dùng để tắm, tiêu trừ các bệnh lở loét, mụn nhọt như bệnh thủy đậu“.
  • Điều trị một số bệnh u, viêm và áp xe: Do có vị mặn đắng, trong đó, vị mặn thông vào thận giúp tiêu sưng (do máu ứ trệ gây ra). Vì vậy, vị thuốc này còn được dùng điều trị được u vú, áp xe tuyến sữa và viêm tuyến sữa cấp tính.
  • Là vị thuốc lành tính: Theo Thần nông bản thảo kinh, uống lậu lô trong thời gian đủ lâu sẽ giúp cơ thể và tai mắt linh hoạt, đồng thời tăng cường sinh lực (4).
Lậu lô
Vị thuốc ở dạng khô

Lưu ý, khi dùng các bài thuốc từ lậu lô, cần tham khảo trước ý kiến của thầy thuốc để được tư vấn đầy đủ dựa trên tình trạng bệnh.

Các bài thuốc có dùng lậu lô

1. Giúp giảm đau, điều trị gân cốt co rút do chứng phong

  • Chuẩn bị: lậu lô (lấy 15,6 g, sao vàng), địa long (tức giun đất làm sạch, phơi khô; lấy 15,6 g, rửa sạch rồi sao lên), 62 g củ gừng tươi và 93 g mật ong.
  • Thực hiện: Trước tiên, lấy gừng tươi giã nát, ép lấy nước, sau đó trộn thêm mật ong và đem sắc vài lần, cuối cùng cho thêm nửa lít rượu để làm canh thuốc. Với lậu lô và địa long thì ta đem nghiền nát hai loại thành bột.
  • Cách dùng: lấy bột thuốc hòa với canh thuốc (còn ấm) và uống (4).

2. Điều trị viêm quầng sưng tấy

  • Chuẩn bị: lậu lô (6 g), mang tiêu (6 g), hoàng cầm (9 g), thăng ma (6 g), bông dành dành (20 bông) và sóc hoắc (15 g).
  • Thực hiện: lấy các vị trên thái nhỏ ra, cho vào nồi, sắc với 2 lít nước cho đến khi nước rút lại còn khoảng một lít rưỡi thì chắt ra, để nguội và dùng thoa ngoài da (thoa thường xuyên) (4).

3. Điều trị đau tức vú và tắc sữa (về lâu dần tích tụ thành ung nhọt)

  • Chuẩn bị: lậu lô (78 g), 10 cái da rắn lột xác (nướng khô) và 10 quả qua lâu (sao lên cho nóng).
  • Thực hiện: lấy các thành phần trên xay nát thành bột và để dùng dần.
  • Liều lượng: mỗi lần dùng, lấy 6 g bột hòa với rượu ấm rồi uống (4).

4. Giúp tẩy giun đũa

  • Chuẩn bị: lậu lô (liều lượng tùy vào số lần dùng).
  • Thực hiện: lấy thuốc nghiền nát và để dùng dần, mỗi lần uống thì múc 1 muỗng bột thuốc rồi uống với canh thịt nấu bánh bột ngô (4).

Thông tin thêm

  • Ở Trung Quốc, cây còn được gọi bằng các tên khác như: lang thủ hoa (狼头花), dã lan (野兰), quỷ du ma (鬼油麻)… (2).
  • Để điều trị chứng hói đầu do mụn nhọt lở loét thì vào tháng 5, dân gian Trung Quốc hái cây này, đốt ra tro rồi hòa với mỡ lợn và thoa lên vết loét (2).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện