Khi nhắc đến Đông y thì trường liên tưởng gần nhất của mọi người chính là cây cỏ (thảo dược). Tuy nhiên, trên thực tế, các khoáng chất và muối khoáng cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc làm nên kho tàng cây thuốc, vị thuốc phương Đông. Trong số đó, có thể kể đến mang tiêu 芒硝 (Mirabilitum). Đây là vị thuốc nổi tiếng trong điều trị táo bón do nhiệt.
Nhờ có tính hàn và ion sunfat mà khi đi vào ruột, mang tiêu sẽ ở tại ruột và dẫn dụ nước vào ruột, làm cho phân mềm ra nên giúp quá trình đại tiện được dễ dàng hơn (1) (2).
Về mang tiêu
Mang tiêu có tên khoa học là Natrium sulfuricum, là một vị thuốc được tinh chế từ muối Natri sunfat.
Ở trạng thái tự nhiên, mang tiêu có màu hơi đen chứ không trắng tinh như ta thường thấy (vì chứa nhiều tạp chất, cặn bã). Vì vậy, trước khi sử dụng, nó được tinh chế lại cho sạch hơn và có màu trắng đục (bằng cách hòa vào nước rồi lọc và cô đặc cho muối kết tinh lại – làm nhiều lần như thế cho đến khi nước trong mới thôi).
Công dụng làm thuốc của mang tiêu
Mang tiêu có vị mặn đắng, tính hàn và có nhiều công dụng như:
- Tính hàn giúp trừ tà nhiệt và làm mát cơ thể.
- Giúp tẩy xổ (làm lỏng phân và gây tiêu chảy).
- Giúp tẩy máu ứ, từ đó làm thông kinh nguyệt.
- Phá ứ nên gây hư thai (dùng trong phá thai).
- Giúp tiêu trừ tích đọng trong bụng, điều trị đầy bụng.
- Giúp thông tiện, điều trị bí tiểu tiện và táo bón.
- Giúp trục ra hết những chất tích tụ, đình trệ, táo kết trong dạ dày và ruột (lục phủ) (1) (2).
Liều lượng: Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành dùng từ 4 – 12 g hoặc gia giảm tùy theo chỉ định của thầy thuốc (1).
Các bài thuốc thông dụng
1. Điều trị nóng bàng quang gây tiểu tiện không thông
- Chuẩn bị: mang tiêu (nghiền thành bột).
- Thực hiện: mỗi lần dùng thì lấy 4 g bột này hòa với nước (nước có pha tiểu hồi hương) rồi uống ấm, mỗi ngày uống hai hoặc ba lần (2).
2. Điều trị nhức đầu đến mức không thể chịu nổi (nhức như búa bổ)
- Chuẩn bị: mang tiêu (một lượng vừa đủ, nghiền thành bột).
- Thực hiện: người bệnh nhắm mắt, ngậm miệng lại, một người khác thổi bột vào lỗ mũi người bệnh. Thông thường thì thổi bột này vào là hết nhức đầu ngay (2).
3. Điều trị bệnh vẩy nến (do thể phong huyết táo gây ra)
- Chuẩn bị: mang tiêu, hỏa tiêu, khô phàn (phèn phi) và dã cúc hoa (liều lượng bằng nhau).
- Thực hiện: lấy các vị trên (một lượng vừa đủ), nấu lấy nước, đợi nguội rồi xối rửa lên vùng da bị vẩy nến (1).
4. Điều trị viêm loét nướu răng
- Chuẩn bị: 4 g mang tiêu, 4 g bạch phàn (phèn chua), 4 g muối ăn hàng ngày.
- Thực hiện: nghiền các vị trên thành bột, hòa với 200 ml nước rồi dùng nước này bôi lên nướu răng (hoặc ngậm rồi nhổ bỏ) (1).
Lưu ý khi dùng mang tiêu
- Đối tượng cần tránh: Vì thuốc này có tính hàn nên những người vị hư hàn không được dùng. Những người bị bệnh mà không do thực nhiệt gây ra thì cũng không nên dùng. Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng không được dùng vì như đã nói, đây là vị thuốc gây hư thai (2).
- Trong kết hợp: Không dùng chung với tam lăng (hay còn gọi là hắc tam lăng) và lưu huỳnh (1) (5).
- Thời lượng dùng: Dùng thuốc đến khi thấy khỏi bệnh thì ngưng, không nên dùng lâu để tránh các tác dụng phụ.
Thông tin thêm
- Về tên gọi: Ở trạng thái thô, vị thuốc này được gọi là phác tiêu (vì chưa hoàn toàn sạch tạp chất nên chỉ dùng để bôi ngoài da). Ở trạng thái đã tinh chế, vị thuốc được gọi là mang tiêu và có thể dùng để uống. Ở trạng thái được khử hết nước, vị thuốc được gọi là huyền minh phấn. Đây là trạng thái chất lượng tốt nhất nên vừa có thể dùng ngoài da, vừa có thể uống và điều chế thành các dạng thuốc tán, thuốc bột để thổi bên ngoài… (3).
- Về độ lành tính: Mang tiêu được biết đến là một loại muối không độc hại (4).
- Về xuất xứ: Ở các tỉnh phía Bắc nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng… vẫn có thể khai thác mang tiêu nhưng trước đây, nguồn mang tiêu làm thuốc đa phần vẫn là nhập từ Trung Quốc (hiện nay thì đã có thể tự túc được). Ở Trung Quốc, loại được khai thác tại Hà Bắc và Thiên Tân được xem là tốt nhất (1) (2).