Huyết kiệt, nhựa cây máu rồng cầm máu, điều trị nhọt không liền miệng

Cây máu rồng

Khi nói đến thuốc Bắc, nhiều người nghĩ rằng nó có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên thực tế, có những vị thuốc ta nhập từ Trung Quốc còn Trung Quốc thì lại phải nhập từ nước khác, chẳng hạn như vị thuốc huyết kiệt (nhập từ Indonesia).

Mặc dù cái tên này có vẻ lạ lẫm với nhiều người nhưng công dụng của nó thì lại rất gần gũi. Ví dụ nhé, khi bị bạn bị đứt tay, bạn chỉ cần lấy một ít huyết kiệt, nghiền thành bột rồi rắc vào là vết thương cầm máu ngay, sau đó rất mau lên da non và liền miệng lại (với trường hợp mụn nhọt chảy máu, không chịu liền miệng thì cũng dùng tương tự như vậy – đó là vì huyết kiệt giúp cầm máu rất tốt).

Vậy, huyết kiệt là gì? Nó có công dụng gì và khi dùng làm thuốc thì có điểm nào cần lưu ý?

Vài nét về vị thuốc huyết kiệt

Vị thuốc huyết kiệt được lấy từ nhựa của nhiều loại cây khác nhau, trong đó có 2 loại phổ biến là:

1. Cây huyết kiệt (Calamus draco, thuộc họ Dừa)

Loài này sống lâu năm thành dạng dây như dây mây, dây song và có thể dài đến 20 m, đường kính thân dây vào khoảng 4 cm. Lá của cây có hình lông chim và các gân lá song song. Đặc biệt, trên thân và lá cây này đều có nhiều gai nhọn, quả tròn và có vảy bên ngoài (1) (2).

Cây huyết kiệt (hình vẽ minh họa)
Cây huyết kiệt (hình vẽ minh họa)

Thu hái làm thuốc: Với loại này thì ta thu nhựa từ thân cây và quả. Với thân cây, ta lấy dao chặt vào cho nhựa chảy ra rồi hứng lấy. Với quả, trong quả của nó có chứa chất nhựa nước màu đỏ sẫm, vì vậy ta chỉ cần giã nát quả rồi ép lấy nước nhựa đó, đem cô đặc thành từng cục là được.

2. Cây huyết rồng (long huyết, Dracaena cinnabari)

Ngoài cây huyết kiệt kể trên thì người ta còn dùng nhựa cây Máu rồng (hay còn gọi là cây long huyết, tên khoa học là Dracaena cinnabari.

Đây là loại cây to cao, có lá mọc thành cụm to tròn trên đầu nên nhìn như cây nấm khổng lồ, hoa của cây có màu xanh lục nhạt (3). Ngoài ra còn dùng nhựa một số loại cây khác nhưng khi đốt thì không có mùi acid benzoic (như cây huyết kiệt).

Cây máu rồng (nhựa làm huyết kiệt)
Cây máu rồng (nhựa làm huyết kiệt)

Thu hái làm thuốc: dùng nhựa của thân cây.

Vị thuốc huyết kiệt có công dụng gì?

Trước đây, Tây y dùng huyết kiệt làm thuốc bổ và thuốc săn da nhưng hiện nay thì ít dùng mà chỉ còn dùng trong Đông y (nhưng số lượng cũng hạn chế vì có nhiều vị thuốc thay khế khác tiện lợi hơn). Ngoài ra, vị thuốc này còn được dùng làm cao dán hoặc làm thuốc đánh răng (1) (2).

Đặc điểm: Huyết kiệt không có mùi và dễ tán thành bột, dễ tan chảy do nhiệt và khi tan chảy thì có mùi thơm dễ chịu (đặc biệt tan mạnh trong cồn).

Huyết kiệt
Huyết kiệt

Theo y học cổ truyền, huyết kiệt có vị ngọt mặn, tính bình và là vị thuốc lành tính, không có độc. Công dụng chủ đạo của huyết kiệt là:

  • Tán ứ, hoạt huyết, giúp máu huyết lưu thông và tạo máu mới.
  • Dùng cho người bị đánh tổn thương, đau ngực bụng.
  • Trừ tà khí trong ngũ tạng.
  • Giúp làm tan phần huyết tích tụ trong bụng thành cục.
  • Giúp giảm đau.

Cách dùng: Mỗi ngày uống từ 1 – 2 g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu (có tư liệu ghi là tán bột uống mỗi ngày từ 2 – 4 g) (1) (2).

Các bài thuốc thường dùng

1. Điều trị chảy máu cam

  • Chuẩn bị: huyết kiệt và bồ hoàng (tức phấn hoa bồn bồn, cỏ nến), liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: lấy hai vị trên nghiền thành bột rồi dùng ống hút thổi vào lỗ mũi (người bệnh nhắm mắt để tránh bay vào mắt) (1).

2. Điều trị phụ nữ sinh con xong bị tức thở, thấy nghẹn ở tim

  • Chuẩn bị: 4 g huyết kiệt và 4 g một dược.
  • Thực hiện: Lấy hai vị trên nghiền thành bột, trộn đều rồi hòa với nước tiểu trẻ nhỏ để uống (chọn nước tiểu của những đứa trẻ khỏe mạnh) (1).

Thông tin thêm

  • Lưu ý về đối tượng: Người bệnh không phải do ứ tích thì không nên uống (vì thuốc chuyên dùng để tán ứ).
  • Lưu ý khi lựa chọn: Huyết kiệt loại tốt thì có màu nâu đỏ bên ngoài, bên trong đỏ tươi lấp lánh, không lẫn tạp chất, giòn nên dễ vỡ và bề mặt vẫn còn dấu của gân lá cọ dùng để gói. Khi vỡ ra, lấy những mảnh vụn của nó rạch lên giấy thì sẽ để lại một đường màu nâu (1) (2).
  • Cây máu rồng tại Indonesia khác với cây huyết rồng (kê huyết đằng) ở Việt Nam, một loài cây thân dây lớn, mềm, nhiều nước, mọc ở dưới các tán cây rừng. Cây máu rồng tại indonesia là loại cây thân gỗ lớn, mọc độc lập và có thân chắc khỏe.
Cây huyết rồng dạng cây thân dây
Cây huyết rồng dạng cây thân dây
Nguồn tham khảo
  1. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 132.
  2. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 138.
  3. Dracaena Cinnabari, https://vi.wikipedia.org/wiki/Dracaena_cinnabarim, ngày truy cập: 22/ 08/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện