Dâu rượu (quả thanh mai) cách dùng làm thuốc và ngâm rượu

Trái thanh mai hay quả dâu rượu

Gần đây ở một số khu chợ thấy có bán một loại quả khá mới lạ và bắt mắt có tên gọi là quả thanh mai hay dâu rượu, vậy công dụng của loại quả này là gì, sử dụng có an toàn hay không – chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

Theo wikipedia cây thanh mai – tên khoa học Myrica esculenta, thuộc họ dâu rượu (1).

Cây còn có tên gọi khác là cây dâu rượu, loại cây thường mọc nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ ngoài ra còn có ở miền Trung nước ta.

Cũng theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – Đỗ Tất Lợi ở nước ta không có nơi nào gọi cây này là thanh mai, mà chỉ gọi cây này là dâu rượu hay cây dâu tiên. Tên gọi thanh mai là dựa theo tên gọi của người Trung Quốc (2).

Vài nét về cây dâu rượu

Dâu rượu là loại cây thân gỗ, sống lâu năm, với chiều cao cây khá khiêm tốn – thường chỉ cao khoảng 1 mét. Lá cây tương tự như lá xoài nhưng có kích thước lá nhỏ hơn.

Hoa thanh mai cũng vậy, rất giống hoa xoài. Trái thanh mai có dạng hình cầu đường kính khoảng 2cm ~ 3cm, khi còn non trái màu xanh, khi chín trái có màu đỏ thẫm – với vỏ ngoài sần sùi bởi nhiều múi nhỏ bện lại mà thành, nhìn giống quả dâu tằm nhưng tròn và to hơn, người dân thường dùng để ngâm rượu nên mới gọi tên cây này là cây dâu rượu. (Mời bạn xem thêm hình ảnh).

Cây ra hoa vàng khoảng tháng 6, mùa quả chín vào tháng 10 hàng năm.

Nơi phân bố:

Được biết cây thanh mai mọc nhiều ở các tỉnh miền Trung nước ta, ít thấy có ở các vùng miền khác. Quả thanh mai một vài thời điểm trong năm có bán ở một số khu chợ miền Bắc nhưng đa phần là quả nhập từ Trung Quốc, loại quả này có hình dáng tương tự quả thanh mai tại miền Trung – chỉ khác kích thước quả lớn hơn.

Trái dâu rượu
Trái dâu rượu
Hoa thanh mai hay hoa dâu rượu
Hoa thanh mai hay hoa dâu rượu

Thành phần hóa học

Nghiên cứu tại Trường Khoa học và Công nghệ Hóa học, Đại học Vân Nam, Trung Quốc đã xác định thành phần hóa học trong quả thanh mai gồm: myricitrin (1), myricanol (2), myricanone (3), axit gallic (4), etyl β-D-glucopyranoside (5), 3-hydroxybenzaldehyde (6), isovanillin (7), axit 4-metoxybenzoic (8), 4 – (hydroxymetyl) phenol (9), β-rosasterol, (10), β- sitosterol (11), daucosterol (12) (3).

Bộ phận dùng: Quả, vỏ thân cây. Chế biến làm thuốc bằng cách thái mỏng phơi khô.

Tính vị

Trái dâu rượu có vị chua và ngọt, tính bình.

Công dụng của trái thanh mai

Ở nước ta kinh nghiệm dân gian có sử dụng cây này làm thuốc nhưng dùng không nhiều, chủ yếu dùng quả làm rượu bởi vậy cây này mới có tên cây dâu rượu. Dân gian thường dùng để điều trị một số bệnh như:

  • Kiết lỵ
  • Đau bụng đi ngoài
  • Tăng cường tiêu hóa
  • Lở ngứa ngoài da

Tại Ấn Độ vỏ cây dâu rượu được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để điều trị một số bệnh như: hen suyễn, ho, viêm phế quản mãn tính, loét, viêm nhiễm, thiếu máu, sốt, tiêu chảy và các rối loạn về tai, mũi và họng (6).

Cách dùng cây dâu rượu làm thuốc

Có hai cách dùng phổ biến nhất là sắc uống và ngâm rượu.

1. Dùng quả sắc uống điều trị kiết lỵ, đau bụng đi ngoài

  • Chuẩn bị: Quả khô 15g, nước 600ml
  • Thực hiện: Quả đem rửa lại cho sạch, đun sôi với 600ml nước sau đó chắt lấy nước uống sau ăn khoảng 10 phút.
  • Công dụng: Điều trị bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, đau bụng đi ngoài do tiêu hóa kém, tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa. Được biết điều trị tiêu chảy theo cách này khá hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến hệ men tiêu hóa đường ruột.

2. Dùng ngâm rượu

  • Chuẩn bị: Quả tươi 3kg (hay quả khô 1kg), rượu gạo 4 lít, bình thủy tinh loại 8 lít 01 bình.
  • Thực hiện
    • Quả tươi: Ngâm với nước muối loãng khoảng 30 phút cho sạch và để sâu bọ chui ra hết, nhặt bỏ cuống, quả sâu và cành lá. Để ráo nước rồi tiến hành ngâm, bỏ quả vào bình rồi đổ ngập hết rượu và đậy nắp bình, ngâm trong thời gian 1 tháng trở lên là dùng được.
    • Quả khô: Sao vàng hạ thổ sau đó bỏ vào bình, và đổ ngập hết rượu, ngâm trong thời gian 1 tháng.
  • Công dụng: Rượu thanh mai có công dụng tăng cường và kích thích tiêu hóa, hạn chế tình trạng tiêu hóa kém, giảm đau bụng đi ngoài rất tốt cho những người có chức năng tiêu hóa kém.

3. Dùng tắm ngoài điều trị lở ngứa

  • Chuẩn bị: Vỏ thân cây, cành lá khô 200g hoặc tươi 500g
  • Thực hiện: Đun lấy nước đặc bôi là tắm, chú ý nhất là ở những vùng da bị lở ngứa. Áp dụng hàng ngày, sau khoảng vài ngày sẽ có hiệu quả.

Một số câu hỏi thường gặp về cây dâu rượu

  • Phụ nữ mang thai có dùng quả thanh mai được không? Loại quả này an toàn, có thể dùng được cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
  • Người bị viêm đau dạ dày có dùng được không: Do quả thanh mai có vị chua, nhiều axit nên người đang bị viêm dạ dày thì không nên sử dụng.

Những nghiên cứu đáng chú ý

Hoạt động chống oxy hóa gốc tự do: Một nghiên cứu tại Viện Môi trường và Phát triển Himalaya, Ấn Độ đã xác định được rằng chiết xuất thô từ quả cây dây rượu có công dụng chống oxy hóa rất đáng kể. Nghiên cứu này cũng cho thấy, việc sử dụng trái thanh mai không chỉ ngon miệng mà còn đem lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là giảm gốc tự do từ đó giúp hạn chế quá trình lão hóa (4).

Hoạt động chống dị ứng, hen suyễn: Tại Ấn Độ vỏ cây thanh mai là một vị thuốc dân gian được sử dụng rộng rãi làm thuốc để điều trị bệnh hen suyễn. Một nghiên cứu trên chuột tại Khoa Hóa dược, Cao đẳng Dược Anand, Gujarat, Ấn Độ đã xác định chiết xuất thô từ vỏ thân của thanh mai có hoạt tính chống dị ứng (5).

Nguồn tham khảo
  1. Thanh mai, https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_mai, ngày truy cập 11 tháng 11 năm 2020.
  2. Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – Đỗ Tất Lợi – Nhà xuất bản y học năm 2004 – Bản in trang 906, 907, ngày tham khảo 11 tháng 11 năm 2020.
  3. Study on the chemical constituents of Myrica esculenta, http://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTotal-YNDZ201104017.htm, ngày tham khảo 15 tháng 11 năm 2020.
  4. Assessment of Antioxidant Properties in Fruits of Myrica esculenta: A Popular Wild Edible Species in Indian Himalayan Region, https://www.hindawi.com/journals/ecam/2011/512787/, ngày truy cập 14 tháng 11 năm 2020.
  5. Anti-allergic Activity of Stem Bark of Myrica esculenta Buch.-Ham. (Myricaceae), https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0975148310210154, ngày truy cập 15 tháng 11 năm 2020.
  6. Myrica esculenta Buch.-Ham. ex D. Don: A Natural Source for Health Promotion and Disease Prevention, https://www.mdpi.com/2223-7747/8/6/149, ngày truy cập 15 tháng 11 năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện