Ở nước ta, tỉ lệ người trưởng thành bị cao huyết áp đã đến mức báo động và ước tính cứ khoảng 5 người thì sẽ có một người bị cao huyết áp.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ ba loại rau quả thường ngày có thể giúp ổn định huyết áp ở người bị cao huyết áp. Đó là cà tím, nấm mèo (mộc nhĩ) và rau cần tây.
Cao huyết áp – “kẻ giết người thầm lặng”
Cao huyết áp là tình trạng áp lực từ máu tác động lên thành mạch tăng cao vượt mức cho phép (hơn 140/90 mmHg). Đây là dạng bệnh mãn tính và phải theo dõi suốt đời.
Gọi cao huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng” là vì ở giai đoạn đầu, nó thường không có các triệu chứng rõ ràng. Điều quan trọng hơn là: ở giai đoạn tiến triển, cao huyết áp lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác như bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ… khiến cho bệnh nhân “trở tay không kịp”.
Chính vì vậy, bạn sẽ thấy những người bị cao huyết áp thường bị kèm với bệnh tim (và nếu có thêm đái tháo đường nữa thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao) (1).
Rau quả giúp hạ huyết áp
1. Cà tím – thực phẩm hạ huyết áp
Ở người bị cao huyết áp thì tim phải co bóp mạnh hơn và phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu đi. Mặt khác, áp lực từ máu lên thành mạch cũng cao hơn. Được biết, cà tím là loại thực phẩm giúp bền thành mạch, từ đó giúp quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn.
Cách dùng: mỗi ngày, lấy một trái cà tím (120 g), rửa sạch, cắt thành khoanh mỏng rồi nấu nước uống (không cần gọt vỏ) (2).
2. Nấm mèo (mộc nhĩ)
Nấm mèo (mộc nhĩ) cũng là một trong những thực phẩm giúp hạ huyết áp hiệu quả. Không chỉ thế, nấm mèo còn giúp điều trị thiếu máu.
Cách dùng: mỗi ngày, ta dùng hai cái nấm mèo, đem rửa sạch, lấy kéo cắt mỏng rồi đổ một lít nước vào nấu cho nấm chín nở, nấu đến khi thấy nước rút lại còn khoảng 800 ml thì tắt và để uống cả ngày (2).
3. Rau cần tây – Thực phẩm hạ huyết áp
Rau cần tây được biết đến là loại rau giúp lợi tiểu, lọc máu, làm sạch máu, hạ huyết áp và tốt cho thành mạch.
Chính vì vậy, với những người bị cao huyết áp thì có thể dùng rau cần tây luân phiên với hai loại thực phẩm kể trên để bổ sung dinh dưỡng và giúp huyết áp ổn định trở lại.
Cách dùng như sau: mỗi ngày, ta lấy 200 g rau cần tây tươi, rửa sạch, cắt ngắn ra rồi cho vào máy xay sinh tố, xay nát với nửa lít nước rồi uống cả ngày (để trong ngăn mát tủ lạnh).
Nếu không uống được nước ép, bạn có thể lấy rau rửa sạch, cắt nhỏ, sau đó cho vào ấm đun sôi rồi vặn lửa vừa cho đến khi nước từ 1,2 lít rút còn 1 lít là được (nước này chia ra uống cả ngày) (2).
Các biện pháp bổ sung giúp giảm huyết áp
- Nếu bạn bị béo phì, hãy nghiêm túc giảm cân (và để xem tình trạng béo phì của mình, bạn có thể kiểm tra chỉ số BMI đã được đề cập trong bài viết trước: Hậu quả của béo phì, thừa cân và bao nhiêu kg là thừa cân?).
- Chú ý đến lượng muối tiêu thụ hàng ngày (với người cao huyết áp, tổng lượng muối tiêu thụ hàng ngày không nên vượt quá 5 g – tức khoảng một muỗng cafe muối gạt ngang).
- Hạn chế đứng hoặc ngồi một chỗ (cần thường xuyên vận động, thể dục hợp lý).
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các thực phẩm không lành mạnh.
- Giữ tinh thần thoải mái (tránh căng thẳng, hốt hoảng).
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi huyết áp thường xuyên (nếu có điều kiện thì nên mua một máy đo huyết áp để có thể tự kiểm tra, theo dõi tại nhà) (1) (2).
Thông tin thêm về Thực phẩm hạ huyết áp
Cách chính xác nhất để biết bạn có bị cao huyết áp hay không chính là dùng máy đo huyết áp để kiểm tra. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, cao huyết áp cũng có một số biểu hiện cảnh báo như: đột nhiên đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đổ mồ hôi… (2). Vì vậy, nếu đột nhiên có các dấu hiệu trên thì bạn cũng nên đi đo huyết áp để kiểm tra, bạn nhé!