Cách dùng quả và rễ qua lâu (thiên hoa phấn) làm đẹp da, tóc

Vị thuốc hoa thiên phấn, thiên hoa phấn

Từ xa xưa, dân gian đã biết khám phá và sử dụng các loại cỏ cây thảo mộc xung quanh để tăng cường sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật và làm đẹp cho mình.

Làm đẹp – nhu cầu muôn đời của phụ nữ và chiêm ngưỡng cái đẹp cũng là cách để tận hưởng cuộc sống. Và câu nói nổi tiếng của Dostoevsky “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”, nó không chỉ đúng ở ý nghĩa hàm ý mà còn đúng ở nghĩa hiển hiện. Vâng, trước giai nhân, có thi sĩ nào không thấy hồn thơ lai láng?

Phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ thế giới nói chung, từ xưa đã có những bí quyết làm đẹp cho mình. Bạn biết cây hoa phấn chứ – loại cây có hoa màu hồng phấn hay được trồng làm cảnh ấy! Quả của nó có chất phấn mịn và chị em phụ nữ trước đây từng dùng nó để bôi lên da như một loại phấn nền đấy!

Và bạn biết dây qua lâu chứ? Tức dây quát lâu – một loại dây leo làm thuốc có quả sọc sọc như quả dưa hấu non ấy! Rễ và quả của nó đều là những vị thuốc quen thuộc có thể dùng làm đẹp.

Rễ qua lâu (thiên hoa phấn) làm đẹp da, tóc

Giúp giảm đen sạm: Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi thì rễ củ của dây qua lâu (tức vị thuốc thiên hoa phấn) có thể giúp giảm đen sạm da từ bên trong bằng cách lấy 16 g rễ khô, giã nát rồi thêm nước sôi vào, khuấy đều và để nguội. Khi thấy nước lắng đọng lại, ta hớt lớp nước trong ở trên và uống (chỉ cần uống vài hôm liên tiếp là được) (1).

Thiên hoa phấn (Rễ dây qua lâu)
Thiên hoa phấn (Rễ dây qua lâu)

So với các loại thảo dược khác thì rễ qua lâu có ưu điểm là dễ giã nát, hầu như không có mùi hoặc có mùi bột rất nhẹ, rất dễ uống. Đặc biệt, rễ qua lâu có rất nhiều tinh bột (như ruột củ khoai mì – củ sắn vậy). Vì thế, nó rất dễ tan trong nước.

Làm đẹp tóc: Theo quyển Làm đẹp bằng các phương thuốc Đông y cổ truyền thì dân gian còn dùng rễ qua lâu để dưỡng tóc. Đó là vì rễ của nó phình to và dài như củ khoai, chứa rất nhiều tinh bột và các loại anbumin. Chính vì vậy, nếu lấy rễ qua lâu giã nát ra rồi đem nấu lấy nước, dùng nước này gội đầu thì sẽ giúp tóc chắc khỏe, ít bị xơ yếu, chẻ ngọn. Nếu dùng thường xuyên, tóc sẽ được cung cấp đủ dưỡng chất và ngày càng bóng mượt (2).

Ghi chú: Rễ qua lâu (thiên hoa phấn) trắng như củ khoai mì và cũng có nhiều xơ tương tự như vậy. Vì thế, sau khi nấu để làm nước gội đầu, bạn nhớ dùng rổ lược dừa hoặc vải để lược lại cho dễ gội nhé!

Quả qua lâu (quát lâu) dưỡng trắng da

Trong Đông y có vị qua lâu bì là vỏ của quả qua lâu và qua lâu quả là cả quả qua lâu phơi khô. Hai loại này đều có thể dùng làm thuốc uống.

Quả qua lâu
Quả qua lâu

Không chỉ thế, với phần ruột quả, dân gian còn tận dụng để làm đẹp. Theo tư liệu y học cổ truyền, có thể dùng bài thuốc sau để làm trắng da, giúp da tươi sáng và ngăn ngừa nếp nhăn.

  • Thành phần bài thuốc bao gồm: ruột quả qua lâu (90 g), hạnh nhân đã tách vỏ (60 g) và một cái tủy lợn.
  • Cách thực hiện: Nghiền nát các thành phần trên rồi trộn đều lại với nhau cho thành dạng cao mềm. Mỗi buổi tối, ta dùng cao này bôi lên da thì sẽ giúp da dần mịn màng, bóng sáng, hồng hào và đặc biệt là không bị nứt nẻ vào mùa đông.
  • Ghi chú: Loại cao này cũng có thể dùng để bôi lên tay chân, tại vùng cùi chỏ, đầu gối hay những chỗ da nhăn nheo, tối màu (2).

Thông tin thêm

Theo báo Tuổi trẻ online, rễ qua lâu còn có thể làm thành thuốc bôi thoa ngoài da để điều trị mụn nhọt, ghẻ lở (bằng cách tán mịn cùng với bạch chỉ, bo bo, rễ sắn dây (cát căn) và bột hoạt thạch) (3). Tuy nhiên, với những người có làn da nhạy cảm thì cần giảm lượng hoạt thạch và bạch chỉ xuống.

Lê Nhi – Tuyết Nhi

Nguồn tham khảo
  1. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 629.
  2. Văn Thiên Đường – Văn Lượng – Lâm Hợi, Làm đẹp bằng các phương thuốc đông y cổ truyền, NXB Văn hóa thông tin, trang 18 – 59.
  3. Tắm trắng bằng đông dược, trắng tới đâu?, https://tuoitre.vn/tam-trang-bang-dong-duoc-trang-toi-dau-334628.htm, ngày truy cập: 22/ 10/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện