Cách điều trị giời leo (giời ăn) bằng cây thuốc nam

Hình ảnh cây sung

Trước đây và cả bây giờ, nhiều người vẫn rất kiêng dè khi nói đến hai chữ “giời ăn, giời leo”. Tôi còn nhớ rất nhiều lần thấy bạn bè và người thân có những đốm như bị bỏng trên mặt, cổ, lưng… và khi hỏi họ bị bệnh gì, câu trả lời mà tôi nhận được luôn là “bệnh khó nói”, “bệnh không nói được”, “nói là không hết”.

Dân gian là vậy. Thường khi họ sợ cái gì, họ sẽ tránh nhắc đến tên của nó (họ tránh gọi “Cọp” bằng cách gọi là “Ông Kẹ”, tránh nhắc đến từ “ngứa” khi đang gọt khoai môn, khoai ngọt…).

Tôi không tin lắm về việc khi nhắc tên của những điều đáng sợ đó thì nó sẽ xảy ra nhưng “có kiêng có lành”, chính tôi cũng nói tránh đi. Và đến khi tôi bị “giời ăn”, tôi cũng như mọi người, vẫn trả lời bạn bè là “bệnh không nói được”. Thật vậy, chúng tôi đều hiểu là không nên nói thêm về cái thứ bệnh đáng sợ đó mà tự mình (hoặc do người khác mách bảo) âm thầm đi tìm thuốc điều trị.

Khi bị “giời ăn”, da sẽ có những mảng đỏ nhỏ như bị bỏng, có mụn nước nên trong. Khi mụn nước vỡ thì thứ nước hơi nhày, trơn bóng sẽ lan ra những vùng da xung quanh và làm bệnh càng ngày càng nặng thêm, da bị lở càng rộng và càng nặng. Hơn nữa, chỗ bị giời leo còn gây cảm giác bỏng rát, đau, châm chít rất khó chịu.

Thường thì để trị “giời ăn”, dân gian dùng nhiều biện pháp khác nhau. Có người thì đi “phán bùa” (thầy phán dùng một cây nhang vẽ bùa, đọc chú) nhưng biện pháp này thường không đảm bảo hiệu quả. Do vậy, họ kết hợp thêm các cách bôi đắp bên ngoài như nhai gạo nếp, đậu xanh hay giã nát lá mướp… rồi đắp lên. Tuy nhiên, hai biện pháp hiệu quả và phổ biến nhất ở quê tôi là dùng nhựa cây sung và nhựa cây điên điển (hay còn gọi là cây điền thanh).

Hình ảnh cây sung
Hình ảnh cây sung
Nhựa sung
Nhựa sung

Dùng nhựa sung điều trị giời ăn

Bạn nên chọn buổi sáng sớm hoặc chiều tối để lấy được nhiều nhựa sung. Nhựa được lấy từ cuống quả, cành, thân nhưng thường là từ thân thì nhựa sẽ tốt hơn, dễ lấy hơn. Chỉ cần dùng dao vạch một đường nhỏ lên thân cây sung, lớp nhựa màu trắng đục, sệt và có keo nhựa sẽ chảy ra. Sau đó, dùng một lượng nhựa vừa đủ thoa lên chỗ bị giời ăn

Lưu ý: (chỉ thoa vừa giáp vùng da bị giời ăn, không nên để nhựa vây ra nhiều).

Khi nhựa khô lại, chuyển dần sang màu thâm đen thì thoa tiếp nhựa mới. Nếu bệnh trong tình trạng nhẹ thì thường sẽ hết trong lần đầu sử dụng (vết “giời ăn” khô ráo, không còn mụn nước) và nếu bệnh nặng hơn thì số lần sẽ phải nhiều hơn.

Để giữ thẩm mĩ và tránh bụi, nước; người ta sẽ dùng một mảnh giấy nhỏ, tra lên đó một lượng nhựa vừa đủ rồi dán lên vùng da bị “giời ăn”. Chất keo trong nhựa sung sẽ giữ mảnh giấy không bị rơi và khi nhựa khô, mảnh giấy tự động rời ra. Cũng cần lưu ý rằng, khi thoa nhựa sung lên chỗ “giời ăn” sẽ có cảm giác đau, rát.

Điều trị giời leo bằng cây điên điển (cây điền thanh)

Cách dùng nhựa điên điển (điền thanh) điều trị “giời ăn” cũng tương tự như nhựa sung. Tuy nhiên, vị trí lấy nhựa điên điển là phần ngọn.

Cây điền điển (điền thanh)
Cây điền điển (điền thanh)
Cây điền điển (điền thanh)
Cây điền điển (điền thanh)
Cây điền điển (điền thanh)

Thêm vào đó, bạn nên chọn những ngọn điên điển mập, mềm và ngắt ở phần non nhất để nhựa chảy ra nhanh và nhiều. Nhựa điên điển có màu trắng và không đục bằng nhựa sung, sau khi tra lên vết thương rồi khô lại sẽ có màu nâu nhẹ. Cảm giác đau rát khi tra nhựa điên điển cũng nhẹ hơn nhựa sung. Vì vậy, mặc dù hiệu quả của nhựa điên điển chậm hơn nhựa sung nhưng nhiều người vẫn chọn nó.

Ngày nay, cây sung được trồng nhiều để làm cảnh, lấy quả nên rất dễ tìm thấy. Cây điên điển gắn liền với mùa nước nổi ở Nam Bộ, với món ăn đặc sản là bông điên điển – cá linh, bông điên điển – bánh xèo nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy chúng vào các thời điểm khác trong năm. Thêm vào đó, cây điên điển ưa nước nên thường thì chúng mọc hoang trên các cánh đồng hay dọc theo các ao, đầm. Vào thời gian này, dù mùa nước nổi đã qua nhưng khi đi sưu tầm hình ảnh về cây điên điển, tôi đã bắt gặp những cụm hoa điên điển nở vàng tươi. Xin chia sẻ cùng bạn đọc.

(Hình 3, 4, 5: ngọn, thân và hoa điên điển hay cây điền thanh.
Hình 1, 2: cành lá và nhựa từ thân cây sung)

(Tuyết Nhi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện