Cà dại hoa tím vị thuốc điều trị viêm họng, hen suyễn

Cà dại hoa tím

Có rất nhiều chủng loại cây thuộc họ cà, có những loại cà gây ngộ độc nhưng cũng có nhiều loại cà dùng làm thuốc tốt. Cà dại hoa tím là một loại cây không có độc, được dùng làm thuốc điều trị nhiều chứng bệnh rất hay.

  • Tên khoa học: Solanum indicum L (1).
  • Họ: Cà

Đặc điểm nhận biết 

Cà dại hoa tím có hình dáng gần tương tự như cây cà dại hoa trắng đã được giới thiệu trước đó, chỉ khác hoa có màu tím. Và quả cà dại hoa tím khi còn xanh thường có màu vân trắng lẫn xanh, khi chín quả có màu đỏ.

Một đặc điểm khác nữa là chiều cao của cây chỉ khoảng 1 mét, thấp hơn so với chiều cao cà dại hoa trắng có những cây cao tới 2 mét.

Các nghiên cứu khoa học

1. Hoạt động gây độc với 7 dòng tế bào ung thư:

Trường dược, Đại học Quốc gia Đài Loan thông qua nghiên cứu thực nghiệm, xác định thành phần hóa học đã xác định hoạt động gây độc tế bào ung thư của chiết xuất etanolic từ toàn cây cà dại hoa tím. Cho thấy độc tính tế bào trên bảy dòng tế bào ung thư : Colo-205 (ung thư ruột kết), KB (ung thư vòm họng), HeLa (ung thư cổ tử cung), HA22T (ung thư gan), Hep-2 (epidermoid thanh quản), GBM8401 / TSGH (u thần kinh đệm) và H1477 (u ác tính) (2) .

2. Lạm dụng quá liều cà dại hoa tím có thể gây ra bệnh tiểu đường: 

Tại Đài Loan người ta đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân sử dụng quá nhiều chiết suất đậm đặc từ cây Solanum indicum L. trong khoảng 2 tuần. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu nước và nồng độ hormone chống bài niệu trong huyết thanh thấp – từ đó xác định chẩn đoán đái tháo đường. Nghiên cứu này đã xác định dùng quá liều lượng Solanum indicum L. có thể gây ra bệnh đái tháo đường (3).

Bộ phận dùng làm thuốc

Toàn cây bao gồm cả thân lá, quả, đặc biệt là phần rễ cây rất quý.

Trái cà dại hoa tím
Trái cà dại

Công dụng của cây cà dại hoa tím

Tại Ấn Độ, Đài Loan cà dại hoa tím là một vị thuốc được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau, nhất là bệnh đường tiết niệu và bệnh về đường hô hấp.

Ở nước ta dân gian thường dùng cà dại hoa tím để làm thuốc chống viêm và điều trị một số bệnh về đường hô hấp. Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây có một số công dụng chính như sau:

  • Viêm họng
  • Hen
  • Viêm amidan
  • Bí tiểu
  • Viêm đường tiểu
  • Sỏi tiết niệu
  • Đau nhức răng, viêm lợi

Liều dùng: 10g ~ 15g rễ khô sắc uống.

Cách dùng làm thuốc

  • Điều trị viêm họng, viêm amidan, hen suyễn: Dùng rễ cây sắc đặc lấy nước ngậm rồi uống, liều dùng khoảng 10g rễ khô/ngày.
  • Đau răng, sưng răng, viêm chân răng: Dùng rễ cây khoảng 5g, sắc thật đặc để ngậm, ngậm trong khoảng 15 phút thì nhổ nước ngậm đi, ngày làm khoảng 3 lần.
  • Thuốc lợi tiểu tiện, giảm phù: Dùng rễ cây khô 10g, rửa sạch, sắc với khoảng 1 lít nước, đun cạn lấy 600ml nước chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Điều trị sỏi tiết niệu: Kết hợp các vị rễ cà khô 8g, cây thóc lép khô 10g, bòng bong 10g, cây lưỡi hổ 10g, thạch vĩ 10g. Các vị rửa sạch, kết hợp sắc với khoảng 2 lít nước, đun cạn lấy 1,3 lít nước chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Nguồn tham khảo
  1. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 284, 285, 286.
  2. Experimental antitumor agents from Solanum indicum L, https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1768063/, ngày truy cập 16 tháng 10 năm 2020.
  3. Central diabetes insipidus following digestion Solanum indicum L. concentrated solution, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/15563650701385881, ngày truy cập 16 tháng 10 năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện