Thục quỳ vàng điều trị thủy thũng, lợi đại tiểu tiện

Hoa thuc quy vang

“Hoa thục quỳ” chính là hoa mãn đình hồng nhưng hoa “thục quỳ vàng” thì lại không phải là hoa mãn đình hồng màu vàng, bạn nhé!

Thục quỳ vàng là một loại khác hẳn, là loài hoa mà ta hay gọi là “hoa bụp mì” còn Trung Quốc thì gọi là “hoàng thục quỳ” (黄蜀葵), “thu quỳ” (秋葵), “bá thiên tản” (霸天伞), “miên hoa hao” (棉花蒿), “miên hoa quỳ” (棉花葵)… (1)

Thục quỳ vàng có tên khoa học là Abelmoschus manihot, thuộc họ Bông và là cây thuốc quen thuộc ở Trung Quốc. Ở nước ta, cây được trồng hoặc mọc hoang tại nhiều tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn… (2).

Đặc điểm thục quỳ vàng

Cây thục quỳ vàng có hoa như hoa vông vang, thân cây cao chưa tới 2 m và phiến lá xẻ thùy (từ 5 – 9 thùy). Hoa của cây khá to (rộng khoảng 12 cm), màu vàng. Quả của cây thuộc dạng quả nang và chứa hạt có lông (3).

Hoa và lá thục quỳ vàng
Hoa và lá thục quỳ vàng

Công dụng của cây thục quỳ vàng

Ở Trung Quốc, cây thục quỳ vàng được dùng trong nhiều bài thuốc ngoài da (có khi dùng rễ tươi giã nát rồi thoa đắp lên các mụn mủ, có khi dùng toàn cây để hút mủ độc và giúp tiêu sưng) (1).

Ở nước ta, cây thục quỳ vàng được dùng trong các trường hợp như:

Hoa: Hoa của cây thường được dùng để làm dịu vết bỏng (bằng cách ngâm chung với dầu hạt cải rồi thoa lên) (3).

Hoa và quả thục quỳ vàng
Hoa, quả và hạt cây thuốc

Hạt:

  • Hạt của cây có vị ngọt, giúp mạnh dạ dày và được dùng điều trị nhiều trường hợp như: chán ăn, tiểu tiện khó, đại tiện bí kết, phù thũng, sỏi đường tiết niệu, đòn ngã tổn thương và phụ nữ sữa không thông.
  • Cách dùng: Lựa những quả già, hái về, đập cho văng hạt ra rồi lấy phơi khô. Mỗi ngày, lấy từ 8 – 12 g hạt thục quỳ vàng và nấu lấy nước uống trong ngày (3).

Rễ:

  • Rễ cây thục quỳ vàng có vị ngọt, giúp nhuận tràng, dễ đi đại tiện, lợi tiểu và điều trị thủy thũng, tiểu dắt.
  • Cách dùng: Với rễ cây, ta nên nhổ vào mùa thu, rửa sạch rồi xắt ngắn, phơi khô. Mỗi ngày, lấy từ 16 – 20 g rễ nấu lấy nước uống (3).

: Lá cây thường được dân gian dùng ngoài da khi bị đinh sang bằng cách hái lá tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên da (3).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không nên dùng.

Các nghiên cứu về loài cây này

  • Tác dụng ngừa loãng xương: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy trong lá cây có các hoạt chất giúp phòng ngừa loãng xương do thiếu hụt estrogen (4).
  • Tác dụng bảo vệ gan: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, nước sắc từ hoa loài cây này là phương thuốc truyền thống của Trung Quốc giúp điều trị vàng da và các loại viêm gan (cả mãn tính lẫn cấp tính). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm và trên thực nghiệm cũng cho thấy chiết xuất từ hoa có tác dụng bảo vệ gan, giúp chống lại tổn thương gan do Carbon Tetrachloride (CCl4) gây ra (thông qua cơ chế chống oxy hóa và chống viêm) (5).
  • Tác dụng chống trầm cảm: Theo tạp chí Phytomedicine, trong hoa có các hoạt chất giúp bảo vệ thần kinh và chiết xuất ethanol từ hoa của nó cũng có tác dụng chống co giật, chống trầm cảm (6).
  • Tác dụng đối với thận: Theo tạp chí Clinical and Experimental Pharmacology and Physiology, hoa thục quỳ vàng đã được dùng ở Trung Quốc như một loại thuốc điều trị bệnh thận mãn tính. Không chỉ thế, chiết xuất từ hoa phơi khô còn được dùng điều chế thuốc tân dược. Được biết, thuốc này cũng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt để điều trị viêm cầu thận mãn tính (7).
Nguồn tham khảo
  1. 黄蜀葵https://baike.baidu.com/item/%E9%BB%84%E8%9C%80%E8%91%B5/4976013, ngày truy cập: 09/ 12/ 2020.
  2. Bụp mì, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%A5p_m%C3%AC, ngày truy cập: 09/ 12/ 2020.
  3. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 934.
  4. Preventive effect of Abelmoschus manihot (L.) Medik. on bone loss in the ovariectomised rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874105001248, ngày truy cập: 09/ 12/ 2020.
  5. Hepatoprotective evaluation of the total flavonoids extracted from flowers of Abelmoschus manihot (L.) Medic: In vitro and in vivo studies, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874113000974, ngày truy cập: 09/ 12/ 2020.
  6. Anticonvulsant, antidepressant-like activity of Abelmoschus manihot ethanol extract and its potential active components in vivo, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711311001978, ngày truy cập: 09/ 12/ 2020.
  7. Treatment of chronic kidney disease using a traditional Chinese medicine, Flos Abelmoschus manihot (Linnaeus) Medicus (Malvaceae), https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/1440-1681.12528, ngày truy cập: 09/ 12/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện