Phân biệt công dụng làm thuốc của đậu đen lòng xanh và lòng trắng

Đậu đen lòng xanh

Nói đến đậu đen làm thuốc thì dân gian phân thành hai loại: đậu đen lòng trắng và đậu đen lòng xanh. Ta thấy, khi dùng để nấu chè, nấu xôi đậu hay trộn nếp gói bánh…, các chị em thường chọn loại lòng trắng vì hạt nó to, lên hình đẹp hơn còn khi dùng làm thuốc thì lại chọn loại lòng xanh.

Vì sao như vậy? So với đậu đen lòng trắng, loại lòng xanh có phải có những điểm nổi trội về công dụng hơn? Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé.

Phân biệt đậu đen xanh lòng và đậu đen lòng trắng

Đậu đen hay còn gọi là hắc đậu. Thông thường, ta có thể nhận dạng hai loại đậu đen nói trên bằng cách quan sát hình dáng bên ngoài: đậu đen lòng trắng có màu đen hơi xỉn và to như hạt đậu trắng còn đậu đen lòng xanh thì nhỏ hơn, có màu đen bóng và gợi cảm giác rất chắc (và thường thì cũng không khó để cắn cho hạt đậu vỡ ra làm hai và bằng cách này, bạn có thể biết chắc chắn hơn bên trong của nó là màu gì).

Phân biệt đậu đen xanh lòng và đậu đen trắng lòng
Phân biệt đậu đen xanh lòng và đậu đen trắng lòng

Mặt khác, giá của đậu đen lòng xanh cũng cao hơn đậu đen lòng trắng.

Đậu đen lòng xanh, vị thuốc bổ can thận

Được biết, trong Đông y, đậu đen lòng xanh là vị thuốc nổi tiếng với công dụng bổ can thận âm.

Cụ thể, y học cổ truyền quan niệm màu xanh quy vào kinh Can (gan) mà Can thì khai khiếu ra mắt; màu đen quy vào kinh Thận mà Thận thì chủ cốt tủy, khai khiếu ra tai.

Chính vì vậy, đậu đen lòng xanh vừa bổ gan, vừa bổ thận nên có thể điều trị các chứng liên quan như mắt mờ, tai điếc, ù tai (trong khi đậu đen lòng trắng chỉ dừng lại ở bổ thận, giúp giảm đau lưng, mỏi gối, ù tai…) (1).

Mặt khác, nếu so với đậu xanh thì đậu đen lòng xanh có cùng màu xanh, thông vào kinh Can nhưng đậu xanh chỉ chuyên về thanh nhiệt, giải độc còn đậu đen lòng xanh thì vừa thanh nhiệt, giải độc lại vừa bổ thận (1).

Nước đậu đen
Nước đậu đen

Cụ thể, dùng đậu đen lòng xanh làm thuốc còn có thể cải thiện các chứng do thận âm hư, can âm hư như:

  • Môi miệng khô, tóc khô xơ.
  • Hay khát nước.
  • Răng lung lay không chắc, dễ rụng.
  • Đau nhức lưng, nhức từ trong xương.
  • Hay đi tiểu đêm.
  • Mắt hay bị đổ rèn, mờ mắt.
  • Hay bị táo bón.
  • Hay cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

Cách dùng làm thuốc như sau:

  • Cách 1: Lấy một ít đậu đen lòng xanh ngâm qua đêm rồi sáng hôm sau nấu thành cháo đậu để ăn. Cách làm này vừa bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, vừa phòng ngừa và điều trị các chứng kể trên (ngày nào cũng ăn một ít và nếu không nấu cháo thì làm thành các món khác).
  • Cách 2: Lấy 200 g đậu đen lòng xanh đem rang lên, khi thấy bốc khói thì ngưng rồi lấy đậu đó đem nấu với 10 lít nước cho cả nhà cùng uống (uống trong ngày như trà) (1).

Lưu ý: Người đang bị tiêu chảy không nên dùng.

Các bài thuốc kết hợp

1. Điều trị đau lưng, mỏi gối, táo bón, nước tiểu vàng, nóng bứt rứt trong người và viêm đa khớp sưng nóng đỏ đau

Đối với các bệnh thể nhiệt kể trên, bạn có thể dùng bài thuốc sau đây:

  • Thành phần: đậu đen lòng xanh (100 g), lá lốt phơi khô (20 g) và mắc cỡ phơi khô (tức cây xấu hổ, 20 g).
  • Cách dùng: nấu lấy nước uống trong ngày (1).

2. Điều trị chứng phụ nữ sau sinh mồ hôi tươm ra đầy mình

  • Thành phần: đậu đen lòng xanh (100 g), lá dâu tằm tươi (50 g) và mẫu lệ (tức vỏ hàu, 20 g).
  • Cách dùng: sắc uống trong ngày (1).
Chè đậu đen
Chè đậu đen

Thông tin thêm

  • Mẹo nhỏ giúp nấu chè đậu đen không bị vỡ, chín mềm toàn hạt: Đậu đen là loại hạt nấu chè rất lâu chín và nếu nấu không khéo thì hạt sẽ bể ra, ly chè sẽ kém ngon. Chính vì vậy, bạn có thể áp dụng gợi ý sau đây để rút ngắn thời gian nấu và giúp hạt đậu chín đều, mềm từ trong ra ngoài nhé. Cách nấu cụ thể như sau: Trước khi nấu, bạn lấy đậu đen ngâm trong nước lã trước 2 giờ, sau đó vớt ra, cho vào chảo sao lên. Khi thấy vỏ hạt đậu hơi se se, bạn hãy đổ nước vào nấu từ 15 phút đến nửa tiếng cho hạt đậu căng lên. Lúc này, bạn chắt bớt nước ra, chỉ chừa lại một ít nước rồi thêm đường vào và nấu riu riu thêm 15 phút nữa. Cuối cùng, bạn đổ nước đậu đã chắt ban nãy vào và nêm nếm lại là được (1).
  • Giá trị dinh dưỡng: Đậu đen giàu chất đạm, chất béo, vitamin A, B1, C và đặc biệt là Ma giê – khoáng chất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường (đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi) (2).
Nguồn tham khảo
  1. Lương y Nguyễn Công Đức chia sẻ công dụng đặc biệt của thần dược đậu đen xanh lòng trị bách bệnh, https://www.youtube.com/watch?v=KoUtl7_Zm7s&list=LL&index=22, ngày truy cập: 11/ 11/ 2020.
  2. Hướng dẫn bổ sung magie đúng cách, an toàn, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/huong-dan-bo-sung-magie-dung-cach-toan/, ngày truy cập: 11/ 11/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện