Hoa lăng tiêu điều trị bế kinh, ngứa toàn thân và đại tiện ra máu

Lăng tiêu hoa

Lăng tiêu hoa, nghe từ cái tên đã thấy sắc màu Trung Quốc. Thế nhưng, loài hoa này cũng không hề xa lạ với người Việt Nam.

Ở nước ta, lăng tiêu hoa thường được trồng làm cảnh, làm hàng rào trước nhà vì cây của nó tạo tán rất đẹp. Đặc biệt, vào mùa hoa nở, tán hoa tạo nên một nền cảnh đài các, diễm lệ, đầy sức sống! Và cái màu đỏ điều của hoa trông như hoa lựu, không chỉ làm mãn nhãn người nhìn mà còn mang lại niềm tin về sự may mắn!

Vài nét về lăng tiêu hoa

Cây lăng tiêu còn được gọi là cây lan tiêu, cây đăng tiêu…, có tên khoa học là Campsis grandiflora, thuộc họ Núc nác (1). Hoa lăng tiêu được dùng làm thuốc trong rất nhiều bài thuốc cổ truyền, với vị hơi chua và đắng.

Lăng tiêu hoa
Lăng tiêu hoa được trồng làm cảnh

Cách thu hái hoa: Vào ngày nắng, ta chọn những đóa hoa mới nở, hái về rồi đem phơi khô. Tuy nhiên, cũng có cách khác là ta hái những bông to đã nở hết cỡ, không lấy cuống hoa, sau đó đem phơi âm can hoặc sao bằng lửa nhỏ cho khô rồi để dùng dần (2).

Công dụng làm thuốc của lăng tiêu hoa

Lăng tiêu hoa có tính hàn, thông vào tim và gan nên giúp bổ âm, mát máu. Được biết, đây là vị thuốc nổi tiếng với các công dụng như:

  • Điều trị bế kinh.
  • Điều trị chứng máu tắc lại vì nóng lạnh đột ngột.
  • Điều trị băng lậu ở phụ nữ sau sinh.
  • Dùng trong trường hợp máu nóng gây mẩn ngứa và chứng đỏ mũi.
  • Giúp lưu thông các mạch máu ở gan.
  • Giúp giảm buồn phiền và những bệnh vặt thường thấy ở phụ nữ mãn kinh.
  • Điều trị tụ máu bầm và chứng kết báng trong bụng (2).

Cách dùng: Tùy theo sự chỉ định của thầy thuốc, thông thường là sắc uống từ 4,5 – 9 g hoa khô.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được uống (vì có thể bị sảy thai). Bên cạnh đó, những người suy nhược và khí huyết yếu cũng không được uống (3).

Canh lăng tiêu hoa dùng cho phụ nữ tắc kinh

Món ăn này giúp làm tan máu tụ và máu bầm, đồng thời cũng giúp cải thiện chứng tắc kinh của phụ nữ.

Cách làm như sau:

  • Chuẩn bị: 0,2 lạng Hoa khô, 1 muỗng muối và 1 cái đùi gà.
  • Thực hiện: Với hoa, ta rửa sạch rồi để ráo nước. Với đùi gà, ta chặt nhỏ ra rồi rửa sạch và đem hầm cùng với hoa (hầm với 4 chén nước và nấu bằng lửa to cho đến khi nước sôi thì chuyển sang lửa nhỏ, sau đó nấu thêm 20 phút nữa thì vớt hoa ra), cuối cùng thêm muối vào và thưởng thức (2).
Lăng tiêu hoa
Bông hoa

Các bài thuốc có dùng lăng tiêu hoa

1. Điều trị chảy máu cam

  • Chuẩn bị: hoa lăng tiêu (dùng hoa tươi, liều lượng vừa đủ).
  • Thực hiện: lấy hoa rửa sạch, giã nát rồi ép lấy nước, sau đó nhỏ giọt vào lỗ mũi bị chảy máu cam (2).

2. Điều trị chứng mũi đỏ

  • Chuẩn bị: hoa lăng tiêu (20 g) và hoa dành dành (20 g).
  • Thực hiện: lấy hai loại hoa trên nấu uống như trà (nếu không thì xay thành bột rồi hòa với nước uống cũng được) (2).

3. Điều trị nổi mề đay

  • Chuẩn bị: hoa lăng tiêu (chia thành 2 phần, một phần 9 g và một phần 30 g).
  • Thực hiện: lấy 9 g hoa nấu nước uống và lấy 30 g hoa nấu nước riêng để tắm rửa ngoài da (2).

4. Điều trị nấm ngoài da

  • Chuẩn bị: hoa lăng tiêu (dùng hoa tươi, 60 g), rễ lăng tiêu (dùng rễ tươi, 30 g) và lá lăng tiêu (cũng dùng lá tươi, 15 g).
  • Thực hiện: cả ba thành phần trên đem rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng da bị nấm (kiên trì dùng và theo dõi thường xuyên) (2).

5. Điều trị bế kinh

  • Chuẩn bị: hoa lăng tiêu (hoa khô, lượng vừa đủ tùy theo số lần muốn dùng).
  • Thực hiện: lấy hoa xay nát thành bột và để dùng dần, mỗi lần dùng thì lấy 6 g bột uống với nước cơm còn ấm, ngày uống hai lần.

6. Điều trị ngứa toàn thân và đại tiện ra máu

  • Chuẩn bị: Hoa tươi (50 g) và rượu gạo (lượng vừa đủ sao cho vừa ngập hoa).
  • Thực hiện: lấy hoa ngâm với rượu, sau ba ngày thì ta có thể bắt đầu dùng (mỗi lần dùng thì múc một muỗng rượu để uống và lưu ý uống sau bữa ăn) (2).
Nguồn tham khảo
  1. Đăng tiêu hoa to, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C4%83ng_ti%C3%AAu_hoa_to, ngày truy cập: 12/ 11/ 2020.
  2. Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 131.
  3. Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh, NXB Y học, 2005, trang 172.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện