Đã bao giờ bạn cảm thấy mắt mình cay, nóng, mệt mỏi và dần yếu đi không? Hiện nay, tình trạng này khá phổ biến bởi hằng ngày, chúng ta phải tiếp xúc với màn hình máy tính hoặc điện thoại trong nhiều giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, chúng ta lại có xu hướng ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn nhanh, các món chiên xào… vì sự hấp dẫn của chúng. Vì vậy, nhiều người bị nóng trong người và nóng cả con mắt.
Để bớt nóng trong người, bạn cần uống đủ nước và ăn thêm các loại thực phẩm thanh mát, giàu dinh dưỡng như rau xanh, nước trà tắc, trà chanh, cà chua… Cách này giúp hạ nhiệt và làm mát cơ thể.
Riêng với đôi mắt, bạn cần cho mắt thư giãn, nghỉ ngơi và thỉnh thoảng nên massage nhẹ nhàng vài cái. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng các loại dược liệu có tính mát để làm mát cho mắt, chẳng hạn như nha đam.
Cách dùng nha đam giải quyết nóng mắt, xốn mắt, đau mắt mỏi mắt do hàn điện
Ngày trước, cha tôi mỗi lần sửa máy thì hay dùng đến hàn điện. Khi hàn, mắt ông thường bị đỏ, nóng xốn, chảy nước mắt… do tiếp xúc với các bụi kim loại, khói và các tia tử ngoại trong lửa hàn. Vì thế, mỗi lần thấy cha tôi dùng hàn điện là tôi chạy ra ngoài bụi nha đam trước nhà, cắt lấy 2 bẹ lá to, đem vào để sẵn trong nhà (để cha tôi đắp mắt sau khi hàn xong).
Cách thực hiện: bạn chuẩn bị 2 bẹ nha đam, gọt vỏ cho thật sạch và rửa sạch (lưu ý gọt bỏ phần gốc bẹ có màu trắng và mủ vàng vì chúng rất độc).
Sau khi gọt xong, bạn để nguyên miếng như vậy, không cần cắt nhỏ ra. Tiếp theo, bạn ngâm với nước muối loãng rồi rửa lại qua 2 lần nước sạch nữa cho sạch hết muối (vì mắt đang bị tổn thương, nếu gặp muối sẽ đau rát). Rửa sạch xong, bạn cho vào 1 cái tô nhỏ, dùng màn thực phẩm bao lại (nếu không có thì bạn dùng 1 cái dĩa úp lên cũng được, mục đích là để nha đam không bị mất nước), sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Nếu bạn cần dùng ngay và không có thời gian chuẩn bị trước thì bạn có thể cho một vài viên đá vào để làm mát miếng nha đam. Khi nha đam đã mát, bạn đắp trực tiếp miếng nha đam lên mắt. Lúc này, bạn cần chuẩn bị sẵn một cái khăn (vì nha đam sẽ chảy nước xuống cổ khi bạn đắp).
Lưu ý: Trong quá trình đắp nha đam điều trị đau mắt mỏi mắt do hàn điện, bạn nên thường xuyên chớp mắt để tinh chất nha đam giúp mắt bạn dịu mát nhanh chóng cũng như cung cấp độ ẩm cho mắt nhé. Khi miếng nha đam đắp trên mắt hết mát, bạn thay miếng nha đam còn lại đắp tiếp. Miếng nha đam thứ 2 này, bạn có thể nhắm mắt nằm thư giãn để giúp vùng da quanh mắt giảm nếp, tăng độ đàn hồi.
Số lần đắp: Nếu mắt bạn đang đau, bạn có thể đắp ngày 2 lần vào buổi trưa và buổi tối. Còn nếu bạn chỉ muốn thư giãn cho mắt thì bạn có thể đắp mỗi tuần 2 hoặc 3 lần.
Cách làm sữa chua nha đam sánh mịn tại nhà
Sữa chua nha đam có lẽ cũng đã rất quen thuộc với mọi người và lợi ích của loại sản phẩm này thì không có gì bàn cãi. Nó giúp chúng ta bổ sung lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, làm đẹp da và đẹp dáng.
Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua được những hũ sữa chua thanh mát với thạch nha đam tại các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị. Tuy nhiên, nếu nhà bạn có sẵn hay bạn mua được những bẹ nha đam tươi ngon căng mọng và muốn trổ tài cho gia đình mình cùng thưởng thức thì bạn có thể cùng mình thực hiện theo cách sau nhé, rất đơn giản ạ.
Cách thực hiện: bạn chuẩn bị 1 hộp sữa đặc loại lon 380 g, 1 hoặc 2 hũ sữa chua không đường, 2 bịch sữa tươi loại 220 ml, 1 lon nước sôi (tương ứng 330 ml nước), 1 lon nước lọc và nha đam (số lượng tùy thích).
- Bước 1: Bạn cho hết một lon sữa đặc vào 1 cái ca rồi cho vào 1 lon nước sôi, khuấy đều cho tan hết.
- Bước 2: Khi sữa đặc đã tan hết, bạn đổ 1 lon nước lọc còn lại vào, khuấy lên cho đều rồi đổ hết phần sữa chua đã chuẩn bị vô, khuấy một lần nữa cho sữa chua hòa tan đều vào hỗn hợp.
- Bước 3: Bạn dùng rây lược hoặc vải mỏng, lược qua một lần để cho sữa chua sánh mịn và không bị tách nước khi ủ xong nhé.
- Bước 4: Sau khi rây xong bạn cho sữa chua vào bình giữ nhiệt để giữ ấm, giúp sữa chua lên men tốt. Nếu bạn không có bình giữ nhiệt, bạn có thể chuẩn bị một cái nồi, đổ vào nồi một ít nước ấm khoảng 50 – 70 độ C, mực nước trong nồi lên tầm 3 cm. Sau đó, với sữa chua đã rây, bạn cho vào hũ nhỏ rồi chất vào nồi, dùng một miếng vải phủ lên mặt nồi rồi đậy nắp lại để ủ. Bạn ủ 8 đến 10 tiếng nhé.
- Bước 5: Sau khi sữa chua ủ sắp xong thì bạn lấy nha đam, gọt vỏ thật sạch, cắt nhỏ ra rồi rửa lại một lần nữa cho hết nhớt. Tiếp theo, bạn chuẩn bị một cái nồi, đun nước sôi lên rồi cho nha đam vào, luộc đến khi nha đam nổi lên mặt và nước sôi bùng trở lại thì bạn tắt bếp, vớt ra, để nguội.
- Bước 6: Với sữa chua, sau khi đã hết thời gian ủ, bạn khuấy đều lên rồi nếm thử một chút, nếu vị chua chưa được như mong muốn bạn có thể cho vào 1 muỗng cà phê nước cốt chanh hoặc tắc để tăng vị chua và hương vị cho món sữa chua của mình. Nếu bạn ủ sữa chua trong bình giữ nhiệt thì bạn đổ hết phần nha đam vào bình rồi khuấy đều lên, rót ra hủ nhỏ, đậy nắp và cho vào tủ lạnh. Nếu bạn ủ sữa chua trong nồi thì bạn chịu khó múc nha đam cho vào từng hủ rồi dùng muỗng nhỏ khuấy đều, sau đó đậy nắp và cho vào tủ lạnh.
Ghi chú: Nếu bạn thích ăn đông đá thì có thể để lên ngăn đá (nhưng để ngăn mát sẽ giữ được nhiều lợi khuẩn trong sữa chua hơn).
Hi vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về cây nha đam, bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
Nguồn tham khảo: