Gia vị nhà bếp đã được dùng làm thuốc như thế nào?

Thịt vịt kho gừng

Thường thì trong gian bếp của mỗi gia đình đều có một ít tiêu, một ít tỏi, gừng và tất nhiên là cũng không thể thiếu hành lá. Thậm chí, mức độ sử dụng các gia vị này thường xuyên đến nỗi các chị em cũng phải dự phòng – trồng luôn một chậu hành để vừa làm cây trang trí, vừa để tiện dùng mỗi khi cần đến.

Nói về dược thiện thì người phương Đông có rất nhiều điểm thú vị. Ngay từ những gian bếp dân dã của người nông dân chân lấm tay bùn, bạn vẫn có thể tìm ra những dấu ấn trong tư duy triết học – ẩm thực phương Đông, từ sự quân bình Âm Dương cho tới vận dụng Ngũ hành…

Đặc biệt, có rất nhiều món ăn hàng ngày hóa ra lại là bài thuốc và các loại rau gia vị lại trở thành vị chủ đạo. Trong bài viết này, mời các bạn cùng tham khảo công dụng của các loại rau củ gia vị quen thuộc trong nhà bếp nhé!

Củ gừng – giải trừ độc trong thức ăn cũ

Củ gừng là một loại gia vị thường thấy trong nhà bếp, ngoài ra đây còn là một loại gia vị nhà bếp làm thuốc. Trong Đông y, củ gừng được biết đến với nhiều công dụng như thúc ra mồ hôi, làm ấm bao tử, kích thích năng lượng và kích thích tiêu hóa (ví dụ như khi kho thịt vịt, ông bà ta hay để thêm gừng là vì họ quan niệm thịt vịt tính lạnh, củ gừng tính ấm; kết hợp chúng lại sẽ giúp chống đầy bụng, khó tiêu).

Ngoài ra, củ gừng còn làm thông cổ họng, giúp giảm ho đờm và mứt gừng được xem là một trong số những món mứt hiếm hoi có thể bảo vệ sức khỏe cho ngày Tết (1) (2).

Mứt gừng Gia vị nhà bếp làm thuốc
Mứt gừng ngày Tết – Gia vị nhà bếp làm thuốc

Đặc biệt, có những món ăn đã để hơi lâu, hơi ôi thiu nhưng vì bản tính tiết kiệm, dân gian ta không nỡ vứt bỏ mà ăn luôn (hoặc hâm lại) thì khi có thêm gừng, các hoạt chất trong củ gừng sẽ giải các chất độc có trong thức ăn ôi thiu (1) (2).

Hạt tiêu kích thích tiết dịch vị, điều trị đau bụng thể hàn

Bản chất của tiêu là vị cay nồng, tính ấm nên xưa nay, với những món ăn dễ gây lạnh bụng, khó tiêu thì ông bà ta hay cho thêm vài hạt tiêu vào. Bạn thấy đấy, trong miếng nem, lát chả… thường sẽ có tiêu và các món thịt kho, cá rô kho, cá lóc kho… phải có chút tiêu xay rắc lên thì mới đúng điệu của nó!

Đặc biệt, nếu trong nhà bạn có rượu thì ta có thể chiết rượu ra keo nhỏ, giã nát vài hạt tiêu rồi thái thêm vài lát gừng tươi bỏ vào; như vậy thì ta sẽ có keo rượu phòng khi trúng thực, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, ợ hơi… (ở thể hàn, lạnh bụng).

  • Tỉ lệ thành phần như sau: gừng tươi (100 g), tiêu sọ (hoặc tiêu đen, 20 g), rượu trắng thông thường (nửa lít rượu).
  • Cách dùng: Rót một ít (chừng nửa cốc nhỏ hoặc ít hơn, tùy khả năng) rồi hòa với một ít nước cho loãng ra và uống.

Lưu ý khi dùng tiêu:

  • Những người bị bệnh ở thể nhiệt không nên dùng tiêu.
  • Người bị viêm loét dạ dày không nên dùng vì vị cay của tiêu sẽ gây kích ứng, khiến cho bệnh nặng hơn (1) (2).

Tỏi – gia vị nhà bếp làm thuốc phòng cảm lúc chuyển mùa

Điều này không quá xa lạ với người miền quê và dân gian còn bảo nhau củ tỏi có thể trừ tà. Trước đây, ở quê tôi, hễ đi đâu xa là phụ huynh lại dặn mấy đứa nhỏ lấy mấy tép tỏi bỏ vào túi áo để tránh gió nhập, ma dắt và bùa chú!.

Tỏi gia vị hạ đường huyết
Củ tỏi

Nói như thế để thấy rằng, từ góc độ tâm tinh, dân gian rất tin vào công dụng của tỏi. Riêng từ góc nhìn y học, ta cũng không thể phủ nhận rằng củ tỏi chính là thứ gia vị phòng ngừa cảm cúm rất tốt (không nên xắt nhỏ mà nên giã cho dập nát).

Và có thể thấy, trong chăn nuôi gia cầm ngày nay, mặc dù đã có những chế phẩm phòng cúm cho gia cầm nhưng nhiều nhà nông vẫn làm theo kinh nghiệm dân gian: dùng tỏi giã nát rồi trộn cùng thức ăn cho vịt, gà ăn… khi trời trở gió.

Lưu ý khi dùng tỏi:

  • Khi dùng tỏi, ta cần lưu ý rằng tỏi có tính nóng. Vì vậy, những người bị nóng nhiệt, mắt hay đổ rèn, mặt nổi nhiều mụn sưng… thì không nên ăn tỏi.
  • Ngoài ra, nếu dùng tỏi nhiều (nhất là tỏi sống) thì sẽ dễ bị hôi miệng. Lúc này, ta lấy vài hạt cà phê đen đem rang lên rồi nhâm nhi thì từ từ sẽ bớt hôi (1) (2).

Hành – Gia vị nhà bếp làm thuốc giải cảm quen thuộc

Nói về văn chương, có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ “bát cháo hành” của Thị Nở. Nó không chỉ giúp Chí Phèo khỏi bệnh mà còn giúp hắn thức tỉnh, muốn trở lại làm người lương thiện.

Ngày nay, thuốc giải cảm có nhiều loại nhưng hành chính là vị rẻ nhất mà cũng dễ tìm nhất để giải cảm lạnh. Với người bệnh không ra mồ hôi được, ăn chén cháo hành còn ấm nóng vào thì một lát sau sẽ đổ mồ hôi, hết cảm và tỉnh táo ngay (1) (2).

Cháo thịt hành Gia vị nhà bếp làm thuốc
Cháo thịt

Ngày nay, y học hiện đại còn chứng minh được hành (cùng với tỏi) là hai vị thuốc quen thuộc có thể khống chế các tế bào ung thư. Điều này đã được thừa nhận rộng rãi trong Tây y cũng như trong Đông y (3).

Lưu ý khi dùng hành: Thông thường, sau khi ăn hành, hơi thở của chúng ta sẽ nặng mùi hơn (nhất là hành sống). Nhìn chung, các gia vị như hành, tiêu, tỏi, gừng… được nói đến trong bài viết này đều có tính ấm. Vì vậy, chúng được dùng để kích thích tiêu hóa và khắc phục các bệnh chứng ở thể hàn.

Nguồn tham khảo
  1. Phòng gia dược liệu, https://www.youtube.com/watch?v=9BfJWIa75CQ&list=LL&index=4&t=64s, ngày truy cập: 06/ 11/ 2020.
  2. Cây thuốc và ngày Tết, https://www.youtube.com/watch?v=kTIFqdFfzcQ&list=LL&index=5, ngày truy cập: 06/ 11/ 2020.
  3. 6 tác dụng phòng ngừa ung thư tuyệt diệu của hành tỏihttps://suckhoedoisong.vn/6-tac-dung-phong-ngua-ung-thu-tuyet-dieu-cua-hanh-toi-n132149.html, ngày truy cập: 06/ 11/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện