Công dụng làm thuốc của vỏ thân, hoa và lá ngọc lan hoa vàng

Hoàng lan hoa vàng

Nói về hoa ngọc lan thì nhiều người thường nghĩ ngay đến loại hoa màu trắng, từng cánh thuôn dài bung ra mỹ lệ, tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều loài ngọc lan với các màu khác nhau, trong đó có ngọc lan hoa vàng.

Ngọc lan hoa vàng còn có tên khác là hoàng lan, hoàng ngọc lan. Vì vậy, nó hay bị nhầm với hoa hoàng lan (tức ngọc lan tây, ylang y lang). Tuy nhiên, đây lại là hai loại hoàn toàn khác nhau.

Phân biệt hoàng lan và ngọc lan hoa vàng

Cả hai loại kể trên giống nhau ở chỗ thân của chúng đều là cây gỗ và các cánh hoa đều thuôn dài, có màu vàng.

Tuy nhiên, hoa hoàng lan mọc xõa xuống, cánh hoa xoắn nhiều hơn còn hoa ngọc lan hoa vàng thì hướng lên, cánh cong nhẹ chứ không xoắn. Ngoài ra, mùi hương của hoa hoàng lan cũng gắt hơn – giống mùi lá mãng cầu (hoàng lan thuộc họ Na còn ngọc lan hoa vàng thuộc họ Ngọc lan).

Hoa hoàng lan
Hoa hoàng lan
Hoa ngọc lan hoa vàng
Hoa ngọc lan hoa vàng

Vài nét về loại hoa vàng

Ngọc lan hoa vàng có tên khoa học là Magnolia champaca (đồng nghĩa Michelia champaca) và là cây gỗ nhỡ lâu năm, cành non có lông mềm bao phủ (1). Loại hoa vàng về hình dáng cũng giống như ngọc lan hoa trắng nhưng có màu vàng và đặc biệt rất thơm. Thông thường, người ta thường dùng hoa của nó để trang trí và chưng cất tinh dầu.

Ở nước ta, giống hoa vàng được biết đến là loại cây cảnh của chùa chiền, đền miếu, đường phố, công viên… Ngoài ra, ở nhiều nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Myanma, Indonexia… đều có loại cây này (Trung Quốc cũng có) (2).

Công dụng làm thuốc của cây ngọc lan hoa vàng

Được biết, nhiều bộ phận của cây hoa vàng đều có thể dùng làm thuốc như rễ, quả, vỏ thân, lá và hoa.

Quả hoàng lan
Quả cây hoa vàng

1. Quả: Quả loại hoa vàng có vị đắng, tính mát và có tác dụng lợi niệu, giúp giảm đầy hơi, buồn nôn, hạ sốt và làm phấn chấn tinh thần. Ngoài ra, quả của cây cũng được dùng trong bệnh lậu và đau thận (giúp lợi tiểu) (2).

2. Rễ: Có vị đắng, tính mát và có thể thu hái quanh năm rồi thái nhỏ. Theo y học cổ truyền, rễ loài hoa vàng có tác dụng khư phong thấp, làm mạnh dạ dày, giảm đau và điều kinh (bằng cách dùng rễ tươi hãm lấy nước uống). Ngoài ra, ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ cây còn được dùng điều trị đau dạ dày (2).

3. Lá: Lá ngọc lan hoa vàng cũng có chứa tinh dầu, có tác dụng giải độc, điều trị rối loạn thần kinh và thường được dùng tươi. Ngoài ra, với chứng đau yết hầu, ta cũng có thể lấy lá tươi nấu nước rồi súc miệng nhiều lần (2).

4. Hoa: Hoa cây hoa vàng chứa 0, 11 % tinh dầu. Tinh dầu này có giá trị không thua kém tinh dầu hoa hồng và được dùng để sản xuất nước hoa cao cấp (2).

Tinh dầu ngọc lan
Tinh dầu ngọc lan

5. Vỏ thân: Vỏ thân loài hoa vàng là bộ phận được dùng nhiều hơn cả. Trong đó, có thể kể đến các công dụng như giải nhiệt, thu liễm, làm hưng phấn, giúp hạ sốt, giảm ho và điều kinh. Đặc biệt, dân gian còn ghi lại bài thuốc điều trị sốt rét cách nhật như sau:

  • Chuẩn bị: vỏ thân (30 g).
  • Thực hiện: Cho vỏ cây vào ấm rồi đổ 1,2 lít nước vào, sau đó nấu cho nước rút còn một nửa thì tắt bếp, chắt ra để uống trong ngày (uống lần thứ nhất trước khi làm cữ 1 giờ và lần thứ hai sau khi làm cữ 1 giờ, mỗi lần như vậy uống 1 ly lớn) (2).

Các nghiên cứu

  • Hoạt tính chống sốt rét: Theo tạp chí Journal Natural Product Research, kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy hai hợp chất parthenolide và costunolide diepoxide được phân lập từ cây ngọc lan hoa vàng đều có khả năng chống sốt rét (thông qua khả năng ức chế ký sinh trùng) (3).
  • Hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn: Theo tạp chí Bangladesh Pharmaceutival Journal, chiết xuất methanolic của vỏ thân cây ngọc lan hoa vàng có hai đặc tính đáng kể là kháng khuẩn và chống oxy hóa (4).
Nguồn tham khảo
  1. Hoàng ngọc lan, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_ng%E1%BB%8Dc_lan, ngày truy cập: 7/ 11/ 2020.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 308.
  3. Schizonticidal antimalarial sesquiterpene lactones from Magnolia champaca (L.) Baill. ex Pierre: microwave-assisted extraction, HPTLC fingerprinting and computational studies, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14786419.2017.1396595, ngày truy cập: 7/ 11/ 2020.
  4. Evaluation of Antioxidant and Antibacterial Properties of Magnolia champaca L (Magnoliaceae) Stem Bark Extract, https://www.banglajol.info/index.php/BPJ/article/view/48328, ngày truy cập: 7/ 11/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện