Đậu mắt tôm điều trị viêm gan cấp tính và đau mắt đỏ sưng đau

Có những loài cây mà chỉ cần nghe tên thôi thì bạn đã hình dung ra đặc điểm nổi trội của nó rồi, chẳng hạn như: cỏ đuôi chó, dây tai chuột, đậu mắt tôm…

Nói về đậu mắt tôm thì lá của nó trông như mắt tôm vậy, rất dễ thương. Có người còn gọi nó là đậu mắt gà – có lẽ cũng vì liên tưởng đến mí mắt của con gà.

Vài nét về đậu mắt tôm

Đậu mắt tôm có tên khoa học là Kummerowia striata, là loài cỏ có thân cứng, thấp và mọc bò lan, hơi có lông nhung. Lá của cây có 3 lá chét nhỏ, 1 cái gai nhọn ở đầu lá và có lá kèm màu vàng. Hoa của cây có màu tím pha trắng.

Cây đậu mắt tôm
Cây đậu mắt tôm

Ở nước ta, đậu mắt tôm mọc nhiều ở các savan cỏ tại Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, … (1).

Công dụng làm thuốc của đậu mắt tôm

Theo y học cổ truyền, đậu mắt tôm có vị ngọt nhạt và có tính mát. Dân gian hay dùng cả cây làm thuốc với nhiều công dụng như:

  • Thanh nhiệt, giải độc.
  • Điều trị cảm mạo phát nhiệt.
  • Điều trị sốt rét.
  • Điều trị đau mắt đỏ sưng đau.
  • Điều trị viêm gan cấp tính, viêm gan truyền nhiễm.
  • Lợi niệu, điều trị bạch trọc, nhiệt lâm.
  • Làm tiêu tích trệ.
  • Điều trị rối loạn tiêu hóa.
  • Điều trị lỵ (1).

Cách dùng: mỗi ngày, sắc lấy nước uống từ 20 – 40 g.

Cây đậu mắt tôm
Cây tươi

Các nghiên cứu về cây đậu mắt tôm

  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Toxicology Reports, chiết xuất ethanol từ cây đậu mắt tôm có tác dụng chống oxy hóa và chống tạo hắc tố. Vì thế, nó được xem là có tiềm năng ứng dụng làm chất bổ sung cho các mỹ phẩm dưỡng trắng da và giảm nếp nhăn (2).
  • Hoạt tính chống viêm: Theo tạp chí Inflammation, chiết xuất ethanol từ cây đậu mắt tôm có các hoạt chất giúp chống viêm (3).
  • Tác dụng đối với hệ tiêu hóa: Kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy trong cây đậu mắt tôm có các chất giúp tăng cường và cải thiện chức năng miễn dịch cũng như chức năng tiêu hóa (4).
  • Tác dụng đối với thận: Theo tạp chí Traditional Chinese Drug Research & Clinical Pharmacology, nước sắc từ cây đậu mắt tôm có chứa các hoạt chất giúp giảm protein niệu và giảm tình trạng tiểu ra máu, đồng thời cũng làm giảm các thay đổi bệnh lý của bệnh thận IgA  (5).

Thông tin thêm

  • Ở Trung Quốc, cây đậu mắt tôm được gọi là kê nhãn thảo (鸡眼草, tức đậu mắt gà) và được xem là loài cây lý tưởng để làm thức ăn cho các loài gia súc vì lá của cây rất nhiều (6).
  • Ngoài cây đậu mắt tôm thì ở nước ta còn có cây đậu mắt tôm hạt đen (tên khoa học: Kummerowia stipulacea, hạt màu đen, nhẵn bóng). Cây này có vị đắng, tính mát và được người Trung Quốc dùng toàn cây làm thuốc điều trị bạch trọc, nhiệt lâm, cảm mạo phát nhiệt… (1).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện