Cỏ tai hùm (cỏ bồng) điều trị Gút, sỏi niệu, viêm bàng quang

Cỏ tai hùm

Tiểu bồng thảo (小蓬草), đó là cái tên rất dễ thương mà người Trung Hoa đặt cho cỏ tai hùm – một loại cỏ mà quả của nó có mào lông trắng bay phiêu bồng trong gió, giống như cỏ bồ công anh vậy! (1).

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở cỏ tai hùm không chỉ là hoa quả đẹp mà còn là giá trị làm thuốc của nó. Vâng, đây là một vị thuốc thực thụ, được dùng điều trị nhiều bệnh thường gặp như viêm gan, thấp khớp, sỏi niệu, thống phong, … (2).

Vài nét về cỏ tai hùm

Cỏ tai hùm còn được gọi là cúc voi, cúc hôi, tiểu bồng thảo, cỏ lưỡi hùm… và có tên khoa học là Conyza canadensis (2) (3). Lá cây ở phía gốc mọc xếp thành hình hoa thị và thường có răng. Các lá ở trên thường không có cuống, có hình dải rộng và có lông nhung ở mặt dưới.

Cỏ tai hùm
Cỏ tai hùm
Hoa cây cỏ tai hùm
Hoa cây cỏ tai hùm

Công dụng làm thuốc của cỏ tai hùm

Với cỏ tai hùm thì dân gian lấy phần thân trên mặt đất làm thuốc (thân, cành, lá, hoa, quả), thời điểm thu hái là lúc cây bắt đầu ra hoa, sau đó dùng tươi hoặc phơi khô.

Theo y học cổ truyền, cỏ tai hùm có chứa tinh dầu nên có mùi thơm, vị cay, tính ấm và được dùng làm thuốc với rất nhiều công dụng như:

  • Giảm đau, khư phong thấp.
  • Sát trùng, cầm máu, tiêu thũng.
  • Làm mạnh ống tiêu hóa, điều trị lỵ và tiêu chảy.
  • Giúp lợi tiểu (ứng dụng trong bệnh sỏi niệu và phù).
  • Điều trị băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều.
  • Điều trị khí hư.
  • Điều trị chảy máu phổi, chảy máu dạ dày.
  • Điều trị chảy máu cam, tiểu ra máu.
  • Điều trị viêm gan, viêm phế quản.
  • Điều trị viêm túi mật, viêm bàng quang.
  • Điều trị viêm tuyến tiền liệt.
  • Điều trị sỏi niệu, albumin niệu.
  • Điều trị Gout (thống phong), thấp khớp.
  • Điều trị viêm đa khớp cấp tính.

Cách dùng: Cỏ tai hùm thường được dùng tươi bằng cách lấy 2 g cành lá tươi, xắt nhỏ rồi hãm trong 1 ly nước sôi, sau đó đợi  24 tiếng thì chắt lấy nước uống (hoặc sắc uống, nhai ngậm theo hướng dẫn của thầy thuốc).

Dùng ngoài da: Lá cây cỏ tai hùm còn được dùng điều trị sưng nướu (bằng cách nhai ngậm rồi nhổ bỏ); nấm da và mụn nhọt sưng tấy (bằng cách nhai nát lá tươi rồi đắp lên).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.

Tác dụng phụ: Cây thuốc này có tác dụng làm giảm tạm thời áp suất động mạch và làm kích thích các cơ trơn (2).

Hoa cây cỏ tai hùm
Hoa cây cỏ tai hùm

Các nghiên cứu về cỏ tai hùm

  • Hoạt tính chống viêm: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất petroleum ether và chiết xuất ethanolic từ cành lá cây cỏ tai hùm có tác dụng chống viêm đáng kể trên mô hình chuột bị viêm phù (do carrageenin và formalin gây ra) (4).
  • Hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm: Theo tạp chí Journal of Enzyme Inhibition and Medicinal Chemistry, kết quả nghiên cứu cho thấy trong cây cỏ tai hùm có hoạt chất giúp kháng khuẩn và kháng nấm đáng kể (5).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Platelets, chiết xuất polysaccharide từ cây cỏ tai hùm có tác dụng chống oxy hóa và có lợi trong việc ngăn ngừa các bệnh về viêm nhiễm, tim mạch (6).
  • Hoạt tính chống khối u: Theo tạp chí Medicinal Chemistry Research, chiết xuất ethyl acetate and petroleum ether từ cây cỏ tai hùm có tác dụng chống lại các tế bào Hep-2 (tế bào ung thư thanh quản ở người) (7).
  • Hoạt tính chống virus: Theo tạp chí African Journal of Biotechnology, chiết xuất butanol và methanol từ các bộ phận trên không của cây cỏ tai hùm có tác dụng chống lại virus cytomegalovirus (HCMV) AD-169 và Cox-B3 (8).
  • Hoạt tính chống trầm cảm và chống lo âu: Theo tạp chí Plants, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước từ cỏ tai hùm chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa, chống lo âu và chống trầm cảm (9).
Nguồn tham khảo
  1. 小蓬草https://baike.baidu.com/item/%E5%B0%8F%E8%93%AC%E8%8D%89?fromtitle=Conyza+canadensis&fromid=11279118, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 549.
  3. Conyza canadensis (L.) Cronq.-Cỏ tai hùmhttp://faunaandfloraofvietnam.blogspot.com/2020/02/conyza-canadensis-l-cronq-co-tai-hum.html, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.
  4. Anti-inflammatory activity of extracts from Conyza canadensis, https://europepmc.org/article/med/3725873, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.
  5. Antimicrobial activities of Conyzolide and Conyzoflavone from Conyza canadensis, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.3109/14756366.2010.528413, ngày truy cập:
  6. Antioxidant and antiaggregatory effects of an extract from Conyza canadensis on blood platelets in vitro, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09537100600746805, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.
  7. Antibacterial, antioxidant and cytotoxic activities of extracts of Conyza canadensis (L.) Cronquist growing in Tunisia, https://link.springer.com/article/10.1007/s00044-008-9141-0, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.
  8. Antiviral activity of Conyza canadensis (L.) Cronquist extracts grown in Tunisia, https://www.ajol.info/index.php/ajb/article/view/95636, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.
  9. Anxiolytic and Antidepressant-Like Effects of Conyza canadensis Aqueous Extract in the Scopolamine Rat Model, https://www.mdpi.com/2223-7747/10/4/645, ngày truy cập: 07/ 06/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện