Công dụng làm đẹp và tiềm năng làm thuốc của củ đậu (củ sắn)

công dụng của củ đậu

Có lẽ ít ai biết rằng “nhân sâm quả” có hình dạng như đứa trẻ con trong bộ phim Tây Du Ký 1986 vốn được điêu khắc từ củ đậu Tứ Xuyên rồi phủ lên một lớp bột màu.

Ở Việt Nam, nói về củ đậu (củ sắn, sắn nước) thì không thể không kể đến “sắn Phường Lụa” ở Phú Yên với độ giòn, ngọt và dễ bóc vỏ của nó. Tuy nhiên, là loại dây leo dễ trồng nên cây củ đậu hầu như có mặt trên khắp nước ta với công dụng của củ đậu vừa là cây thực phẩm lại vừa có tiềm năng làm thuốc.

Đặc điểm

Cây củ đậu, miền Nam gọi là củ sắn dây, sắn nước, củ sắn (tên khoa học: Pachyrhizus erosus, thuộc họ Đậu: Fabaceae) (2)

Là loài dây leo dài, mọc tự nhiên hoặc được trồng để lấy rễ củ. Lá củ đậu thuộc dạng lá kép gồm ba lá chét hình tam giác. Hoa củ đậu màu tím nhạt, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả củ đậu thuôn dài, dẹp, hơi có lông, gồm nhiều ngăn chứa khoảng 8 – 10 hạt cứng bên trong.

Củ đậu mập tròn, thịt chắc và khá nặng, có hình như con quay (do rễ phình to thành) và có lớp vỏ xơ dai màu vàng bao bọc, dễ bóc xuôi bằng tay, bên trong chứa thịt củ màu trắng kem, ngọt, nhiều nước và rất giòn, có thể ăn sống hoặc chín (phía hai đầu của củ hơi có xơ).

"nhân sâm quả" có hình dạng như đứa trẻ con trong bộ phim Tây Du Ký
“Nhân sâm quả” có hình dạng như đứa trẻ con trong bộ phim Tây Du Ký

Tính vị, công dụng của củ đậu

Củ đậu có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, ăn sống thì giải khát, nấu chín giúp bổ tràng, vị (2). Thông thường, củ đậu được chế biến thành các món ăn như hầm, xào, canh, nấu súp, nấu cù lao, …

Tác dụng giảm cân: Củ đậu chứa nhiều nước và ít năng lượng, do đó có thể bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ giảm cân (100 g củ đậu tươi chỉ tương đương với 38 kcal).

Bổ sung vitamin, khoáng chất: Mặt khác, lượng vitamin C trong củ đậu khá cao, 100 g củ đậu có thể đáp ứng được 24 % nhu cầu vitamin C mỗi ngày ở người lớn. Không chỉ thế, củ đậu còn chứa đường, chất xơ, chất béo, chất đạm cùng nhiều vitamin và khoáng chất như: B1, B2, B3, B5, B6, B9, Can xi, Ma giê, Man gan, Phot pho, Ka li, Na tri, Kẽm… (6).

Đáng chú ý, trong củ đậu còn chứa Choline (13, 6 mg/ 100 g) là chất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ (6).

Củ đậu giúp da tươi tắn

Củ đậu có vai trò không thể phủ nhận trong làm đẹp, giúp mịn da và phòng chống nứt nẻ da. Trong đó, hai cách phổ biến nhất là lấy nước ép củ đậu tươi thoa lên mặt và lấy thịt củ đậu phơi khô, tán bột rồi dùng như phấn để bôi lên mặt (bột củ đậu còn giúp giảm rôm sảy) (2).

Cây củ đậu
Hình ảnh cây củ đậu

Độc tính của hạt và lá củ đậu

Lưu ý: Hạt và lá củ đậu có chứa chất độc là rotenon nên không dùng dưới dạng uống mà chỉ dùng ngoài da, mặc dù vậy cũng rất ít được sử dụng. Để trị ghẻ, có thể lấy hạt củ đậu giã nhỏ rồi nấu với dầu vừng (mè), sau đó để nguội và bôi lên da (2), tuy nhiên cần thận trọng với phương thuốc này để tránh nhiễm độc.

Một số nghiên cứu về củ đậu

  • Tiềm năng điều trị loãng xương: Theo Tạp chí quốc tế về tế bào thực vật (International Journal of Phytomedicine), kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất etyl acetate của rễ cây củ đậu giúp tăng mật độ xương, làm mạnh xương và giảm nguy cơ gãy xương, trong đó, hợp chất phytoestrogen được xem là liệu pháp thay thế tiềm năng trong điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh (4).
  • Tiềm năng giảm đường huyết: Theo Tạp chí khoa học thực phẩm và dinh dưỡng dự phòng (Preventive nutrition and food science), chiết xuất từ củ đậu có khả năng giúp giảm mức đường huyết sau khi ăn ở chuột thí nghiệm thông qua cơ chế ức chế α – glucosidase (5).

Lưu ý

  • Không nên ăn quá nhiều củ đậu để thay thế thực phẩm nhằm giảm cân mà nên kết hợp nhiều loại thực phẩm để đầy đủ dinh dưỡng.
  • Lá và hạt củ đậu rất độc, được dùng để đầu độc côn trùng và cá nên cần hết sức thận trọng.
Nguồn tham khảo
  1. Cây củ đậu, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2y_c%E1%BB%A7_%C4%91%E1%BA%ADu, ngày truy cập: 28/06/2019.
  2. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 164.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 548.
  4. Phytoestrogens of Pachyrhizus erosus prevent Bone Loss in an Ovariectomized Rat Model of Osteoporosis, http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.717.8592&rep=rep1&type=pdf, ngày truy cập: 28/06/2019.
  5. Hypoglycemic Effect of Jicama (Pachyrhizus erosus) Extract on Streptozotocin-Induced Diabetic Mice, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4500521/, ngày truy cập: 28/06/2019.
  6. Pachyrhizus erosus, https://en.wikipedia.org/wiki/Pachyrhizus_erosus, ngày truy cập: 28/06/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện