Khoai môn (khoai sọ) và những món ăn, bài thuốc điều trị bệnh

Công dụng của cây khoai môn

Có một thời đói kém, người ta phải dùng ngô và khoai môn trộn với cơm để ăn nhưng không vì thế mà khoai môn bị rẻ rúng. Ngược lại, cái vị ngọt bùi, thơm dẻo của nó lại hấp dẫn nhiều người, bởi:

Trong đời trăm vật trăm ngon

Cơm no tức bụng, thấy môn cũng thèm” (1)

Không chỉ vậy, bên cạnh giá trị và vị trí trong ẩm thực (nhất là trong các món kiểm, cà ri, chè, canh kèn dừa…), khoai môn còn có công dụng làm thuốc mà dân gian đã khéo ghi nhận nó qua lời khen:

Khoai môn nấu với cá tràu

Húp chưa khỏi cổ, gật đầu khen ngon” (1)

Thật vậy, củ khoai môn nấu canh với cá tràu (tức cá lóc, cá quả) theo y học cổ truyền còn có tác dụng điều hòa nội tạng, bồi bổ hư tổn, hư lao yếu sức (2). Không chỉ thế, củ khoai môn và cả lá khoai môn là những vị thuốc nam được dùng trong nhiều món ăn và bài thuốc điều trị bệnh rất hữu hiệu.

Đặc điểm

Khoai môn (hay củ môn) là tên gọi phổ biến ở Nam Bộ của loài cây thân củ phân nhánh có tên khoa học là Colocasia esculenta, thuộc họ Ráy: Araceae (3). Ở miền Bắc, giống khoai môn cho củ to, ít củ con vẫn được gọi là khoai môn nhưng giống khoai môn cho ra củ nhỏ, nhiều củ con được phân biệt và gọi là khoai sọ.
Lá khoai môn có các cuốn lá dài (bẹ) và phiến lá to, hình tim, mép lá lượn sóng và cả hai mặt đều nhẵn bóng, mặt trên màu đậm hơn mặt dưới. Hoa khoai môn màu lục nhạt hoặc vàng nhạt, cụm hoa (cả hoa đực và cái) mọc ở kẽ lá thành bông mo.

Củ khoai môn có lớp vỏ xù xì, màu nâu đất với những vân sẹo ngang và chứa nhiều tinh bột bên trong (nếu khoai trồng ở vùng ngập nước thì phần củ dễ bị sượng). Cây hầu như được nhân giống bằng thân nhánh (củ con).

Công dụng của củ khoai môn
Công dụng của củ khoai môn

Công dụng của củ khoai môn

Thành phần dinh dưỡng: Khoai môn là loại củ nhiều năng lượng (142 kcal/ 100 g củ nấu chín), chứa nhiều vi chất cần thiết cho cơ thể như: đường, chất xơ, chất đạm, chất béo, vitamin B1, B2, B3, B5, B6. B9, C, D, E, Can xi, Phot pho, Ma giê, Ka li, Man gan, Kẽm… (5).

Theo y học cổ truyền: Khoai môn có vị ngọt, cay, tính bình, được dùng nấu canh với rau rút, cua đồng giúp dễ ngủ và giảm mỏi mệt. Bên cạnh đó, Hải thượng y tông tâm lĩnh còn ghi nhận công dụng của khoai môn như sau:

Vu Tử giống Môn vẫn gọi khoai (Khoai môn)

Tính bình, không độc, hoạt và cay

Khoan trường, khai vị, trừ phiền nhiệt

Giải khát chữa Lâm lâu, động thai.” (6)

Ngoài ra, có thể kể đến một số công dụng điều trị bệnh của khoai môn như:

  • Mẩn ngứa: củ khoai môn tươi gọt vỏ, thái nhỏ, nấu sôi, lấy nước tắm (2).
  • Ghẻ: củ khoai môn tươi giã nát, trộn với dầu dừa và đắp lên (4).
  • Rắn cắn, ong đốt: chọn củ khoai môn tươi, loại to, gọt vỏ, giã nát và đắp lên (2).
  • Mụn nhọt, đầu đinh: lấy thịt củ khoai môn và giấm (liều lượng bằng nhau) luộc chín, nghiền nát và đắp lên (2).

Công dụng của hoa và lá khoai môn

Hoa khoai môn: Hoa khoai môn có vị cay, tính bình, có tác dụng chỉ thống, chỉ huyết, được dùng điều trị chứng nôn ra máu bằng cách nấu hoa khoai môn (khoảng 15 – 20 g) với thịt lợn để ăn (2).
Lá khoai môn: Lá và bẹ lá khoai môn vị cay, tính bình, có tác dụng chỉ tả, tiêu thũng độc. Do đó, lá khoai môn được dùng trong trường hợp rắn cắn, ong đốt và mụn nhọt bằng cách giã nát và đắp (4). Bên cạnh đó, nước sắc từ lá khoai môn (khoảng 20 – 30 g) còn giúp giảm triệu chứng tâm phiền ở phụ nữ có thai và thai động không yên (2).
Lá khoai môn, lá đắng hầm xương hoặc hầm da trâu, da bò khô là một món ăn ngon, mang đậm nét ẩm thực miền Tây Bắc. Món ăn này có vị rất đặc trưng: Vị đăng đắng của lá đắng, vị thơm của da trâu, vị mát của lá môn sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai đã từng nếm thử.

Lưu ý

  • Củ khoai môn không ăn sống được vì có độc và gây ngứa, khi nấu chín thì an toàn. Khi dùng củ khoai môn phải rửa sạch, khoét bỏ những phần bị hỏng và những chỗ mọc mầm. Không nên gọt vỏ khoai quá dày để tránh làm mất các chất dinh dưỡng ở sát lớp vỏ.
  • Một số người có da mẫn cảm sẽ thấy ngứa khi gọt vỏ khoai (cách khắc phục: rửa tay bằng nước giấm, nếu cần xắt nhỏ thì đợi củ khoai ráo nước rồi mới xắt).
Nguồn tham khảo
  1. Khoai môn, https://cadao.me/the/khoai-mon/, ngày truy cập: 28/06/2019.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 80.
  3. Khoai môn, https://vi.wikipedia.org/wiki/Khoai_m%C3%B4n, ngày truy cập: 28/06/2019.
  4. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 308.
  5. Taro, https://en.wikipedia.org/wiki/Taro, ngày truy cập: 28/06/2019.
  6. Lê Hữu Trác, Hải thượng y tông tâm lĩnh, tập 3,4, NXB Y học, Hà Nội, 2014, trang 517.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện