Quả nhót, cây nhót – nghe từ cái tên đã thấy “nhót” ruột! Vâng, không biết có phải người đầu tiên đặt tên cho nó đã nếm phải trái nhót chua đến độ nổi da gà, trong người dợn dợn? Hay tại cái lớp lông vảy bên ngoài chùi vào ống quần, tay áo cho sạch trước khi ăn khiến người ta thấy “nhót”?
Dẫu sao thì, trái nhót đã đi vào đời sống hàng ngày của chúng ta, trở thành hình ảnh quen thuộc – từ cái “công tắc quả nhót” cho đến những sề nhót được bán ngoài chợ mỗi độ mùa về!
Vài nét về cây nhót
Cây nhót (hay còn gọi là cây lót), có tên khoa học là Elaeagnus latifolia, thuộc họ Nhót (1).
Đây là loại cây gỗ nhỡ có tán rậm rạp thành bụi lớn, trên thân và cành thỉnh thoảng có gai. Mặt trên của lá nhót có màu xanh bóng, mặt dưới có lông mịn màu trắng bạc.
Quả nhót có hình bầu dục dài và có nhiều lông vảy bên ngoài, khi chín đỏ thì lớp lông này ít lại. Khi ăn nhót, ta cần chùi sạch lớp lông này để tránh “nhót” – viêm cổ họng.

Khi lựa nhót để ăn chơi, bạn nên chọn những quả chín đỏ cho nó bớt chua mặc dù quả nhót xanh và vàng cam thì vẫn ăn được (những quả màu vàng cam, nhìn tưởng đã chín nhưng thực ra vẫn còn khá chua còn quả nhót xanh thì rất chua, thường phải ăn cùng bắp cải và các loại rau, gia vị khác).

Ngày nay, ta có thêm giống nhót ngọt là loại biến dị từ cây nhót chua (quả nó to hơn và khi chín thì cũng ngọt hơn nhót chua – nhưng nhìn chung vẫn pha chút vị chua đặc hữu của loài nhót).
Và bạn biết không, thực ra, cái lớp thịt đỏ mọng của quả nhót mà ta ăn – nó lại không phải là thịt quả mà là phần mọng nước của đế hoa phát triển thành. Còn quả nhót thực sự, nó chính là một quả khô ở trong cái hạch cứng (2).
Công dụng cây nhót, quả nhót và cách dùng làm thuốc
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây nhót như hoa, lá, rễ và quả đều có thể dùng làm thuốc. Công dụng cây nhót dùng làm thuốc cụ thể như sau:
Quả nhót chín
Với quả nhót chín, ngoài việc dùng để ăn chơi, dân gian còn dùng quả chín để làm thuốc điều trị tiêu chảy và lỵ mạn tính.
Cách dùng như sau: lấy từ 5 đến 7 quả nhót, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (2).

Lưu ý khi ăn quả nhót:
- Trẻ em và những người bị viêm loét dạ dày, bị hội chứng ruột kích thích… cần hạn chế ăn quả nhót (vì loại quả này có chứa nhiều acid hữu cơ) (3). Với trẻ em, cần chú ý lúc bé ăn để tránh bị hóc hạt nhót (mắc cổ).
- Không ăn quả nhót vào buổi sáng sớm, lúc đói bụng (nên ăn sau bữa ăn từ nửa tiếng trở lên) và cũng không nên ăn quá nhiều.
- Khi ăn, cần chùi sạch lớp lông vảy ngoài vỏ để tránh đau họng (4).
Lá nhót
Bạn có thể thu hái lá nhót quanh năm, đem cắt ra làm hai, làm ba rồi dùng tươi hay phơi khô đều được. Được biết, lá nhót có chứa tanin, saponozit… và dân gian hay dùng nó để điều trị hen suyễn và khạc ra máu.
Cách dùng như sau: lấy 30 g lá nhót (đã phơi khô) và 5 lá bồng bồng (lau sạch lông), cả hai xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống trong ngày, dùng đều đặn mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh (2).
Công dụng của rễ nhót
Với rễ nhót, ta có thể lấy quanh năm, rửa sạch, cắt nhỏ rồi phơi khô. Được biết, rễ cây nhót có thể dùng điều trị các chứng như:
- Tiêu chảy và lỵ mạn tính: dùng 40 g rễ nhót và 20 g rễ cây mơ, thái nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.
- Nôn ra máu và đau bụng khó nuốt được thức ăn: lấy 30 g rễ cây nhót, sắc lấy nước uống trong ngày.
- Mụn nhọt ngoài da: Cách dùng rất đơn giản: bạn chỉ cần lấy một ít rễ nhót, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước và để nguội, tắm rửa thường xuyên là được (2).
Công dụng hoa nhót
Hoa của cây nhót cũng được dân gian dùng làm thuốc. Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì ở Ấn Độ, dân gian đã dùng hoa cây nhót như vị thuốc giúp bổ tim và làm săn da (2).
- Nhót, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%B3t, ngày truy cập: 1/11/2020.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 360.
- Những ai không nên ăn quả nhót?, https://suckhoecongdongonline.vn/nhung-ai-khong-nen-an-qua-nhot-d54626.html, ngày truy cập: 1/ 11/ 2020.
- Quả nhót – món quà quê kích thích vị giác, vị thuốc dân gian nhiều công dụng, https://voh.com.vn/suc-khoe/giai-dap-qua-nhot-co-tac-dung-gi-hay-chi-la-mon-qua-que-gian-di-361132.html, ngày truy cập: 1/ 11/ 2020.