Thông đỏ loại cây với tinh dầu điều trị ung thư và những điều lưu ý

Công dụng của cây thông đỏ

Trong những loài thực vật được liệt vào Sách Đỏ Việt Nam thì thông đỏ là loại có giá trị dược liệu cao. Cũng chính vì thế mà trong những năm qua, nạn lâm tặc lại càng hoành hành và những cây thông đỏ cổ thụ (chỉ có ở Lâm Đồng) vốn đã ít ỏi lại càng bị đe dọa triệt hạ từng ngày.

Vậy, cây thông đỏ có giá trị dược liệu như thế nào mà lại được săn lùng đến vậy? Bên cạnh đó, tinh dầu thông đỏ được quảng cáo rầm rộ trên thị trường có phải là biệt dược thần thánh đa công dụng?

Vài nét về cây thông đỏ

Cây thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana, thuộc họ Thanh Tùng: Taxaceae.

Ngoài tên gọi này, cây còn có các tên khác như thông đỏ lá dài, thông đỏ nam, thông đỏ Hymalaia, sam đỏ lá dài, sam hạt đỏ lá dài… (1).

So với các loại cây rừng khác thì thông đỏ được xếp vào nhóm những cây chậm lớn trên thế giới và cũng chỉ sống tốt ở một số điều kiện khí hậu nhất định. Ở Việt Nam, cây thông đỏ được tìm thấy ở tỉnh Lâm Đồng nhưng số lượng còn lại cũng rất ít ỏi so với nhu cầu dùng làm thuốc (chỉ còn khoảng 410 cây nhưng số lượng đang giảm dần vì bị khai thác trái phép). Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm và nhân giống thành công loại cây này (thông đỏ Lâm Đồng là loài quý hiếm và có hàm lượng hoạt chất cao) (2).

Hình ảnh cây thông đỏ
Hình ảnh cây thông đỏ

Hoạt chất trong cây thông đỏ có tác dụng gì?

Như đã biết, hầu như các bộ phận của cây thông đỏ đều có độc nhưng trong lá và vỏ cây lại chứa hai hoạt chất đáng chú ý có tác dụng trị liệu là Taxon và 10 – DAB III.

Từ năm 1979, hai hoạt chất này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và khẳng định tác dụng điều trị ung thư (như ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan và ung thư đại tràng…) (3).

Đồng thời, nhiều công ty ở Pháp và Mỹ cũng đã dùng chiết xuất từ cây thông đỏ để điều chế thuốc hóa trị, giúp các bệnh nhân ung thư kéo dài thời gian sống (như công ty Bristol Myers Squibb sản xuất thuốc Taxol). Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập một số lượng lớn các thuốc này (4).

Ngoài hoạt chất Taxol, vỏ và lá cây thông đỏ còn chứa hoạt chất Pine Bark Extract có tác dụng chống oxy hóa mạnh (gấp 20 lần so với vitamin C và 50 lần so với vitamin E). Từ đó, hoạt chất này đã cho thấy tiềm năng chống lão hóa, chống viêm, kháng khuẩn và chống ung thư… (5).

Công dụng của tinh dầu thông đỏ
Tinh dầu thông đỏ

Về sản phẩm tinh dầu thông đỏ

Chất Taxol (được chiết xuất từ lá và vỏ thân cây thông đỏ) đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép lưu hành. Tuy nhiên, hoạt chất này khác với tinh dầu thông đỏ (6).

Theo trang thanhnien.vn, tinh dầu thông đỏ (mà nổi tiếng là tinh dầu thông đỏ Hàn Quốc) có tác dụng thông huyết mạch, làm ổn định huyết áp, giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các bệnh nhân không nên chủ quan (chỉ dùng tinh dầu thông đỏ) mà còn phải kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý (giảm đường bột, chất béo, ăn nhiều rau xanh) và vận động thể dục thể thao thường xuyên (7).

Cũng cần lưu ý, trên thị trường, tinh dầu thông đỏ được rao bán tràn lan với các quảng cáo thổi phồng về công dụng. Vì vậy, các bệnh nhân nên cân nhắc, tránh xem tinh dầu thông đỏ như thần dược, làm “tiền mất, tật mang”, đồng thời phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc của thuốc, tránh mua nhầm thuốc giả.

Lưu ý khi sử dụng

  • Về cách dùng: Cây thông đỏ được dùng làm thuốc ở hai dạng đã qua chiết xuất là thuốc hóa trị và tinh dầu (với các công dụng khác nhau). Vì vậy, các bệnh nhân không nên nghe theo những lời đồn thổi mà tự tiện dùng các bộ phận của cây để làm thuốc, làm trà uống. Theo báo Công an nhân dân điện tử thì khi khảo sát các già làng giàu kinh nghiệm ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; họ đều trả lời rằng bà con ở đây chưa từng lấy lá hay vỏ cây làm thuốc, làm trà (như những lời đồn thổi) (8).
  • Về độc tính: Trong cây thông đỏ (nhất là lá và vỏ cây) có nhiều alkaloid độc có thể gây hại cho hệ tim mạch và hệ thần kinh, dẫn đến tử vong… Hơn nữa, ngay cả khi phơi khô, các hoạt chất này vẫn có thể gây độc chết người. Kết quả thí nghiệm trên ngựa cho thấy chỉ dùng một liều 200 – 400 mg/ kg thể trọng cũng đã dẫn đến tử vong. Với trẻ em, chỉ cần ăn khoảng 5 lá thông đỏ cũng đã bị ngộ độc. Vì vậy, cần hết sức thận trọng trước màu sắc bóng bẩy của áo hạt thông đỏ và những chiếc lá của nó. Bên cạnh đó, không nên dùng các nhành lá thông đỏ (khá đẹp) để trang trí trong nhà (nhất là những nhà có trẻ con) (2).
  • Về đối tượng: Phụ nữ mang thai và những người có ý định mang thai không nên dùng.

Tham khảo: Nấm lim xanh loại nấm có tác dụng điều trị ung thư gan

Nguồn tham khảo
  1. Sam hạt đỏ lá dài, https://vi.wikipedia.org/wiki/Sam_h%E1%BA%A1t_%C4%91%E1%BB%8F_l%C3%A1_d%C3%A0i, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  2. Thông đỏ – dược liệu chữa trị ung thư, https://anninhthudo.vn/doi-song/thong-do-duoc-lieu-chua-tri-ung-thu/478733.antd, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  3. Nhân giống cây thông đỏ, loài dược liệu quý, https://nhandan.com.vn/khoahoc/item/5659402-.html, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  4. Những nghiên cứu mới nhất về cây thông đỏ lâm đồng, http://baolamdong.vn/khoahoc/201512/nhung-nghien-cuu-moi-nhat-ve-cay-thong-do-lam-dong-2648182/, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  5. Thông đỏ – Dược liệu quý trong đẩy lùi ung thư, https://suckhoedoisong.vn/thong-do-duoc-lieu-quy-trong-dieu-tri-ung-thu-n148648.html, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  6. Thần dược ảo, mất tiền oan, đâu là sự thật?, https://nongnghiep.vn/than-duoc-ao-mat-tien-oan-dau-la-su-that-post167650.html, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  7. Công dụng thông huyết mạch của tinh dầu thông đỏ, https://thanhnien.vn/suc-khoe/cong-dung-thong-huyet-mach-cua-tinh-dau-thong-do-1012042.html, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.
  8. Trái đắng… tinh dầu đỏ, http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Trai-dang%E2%80%A6-tinh-dau-do-307632/, ngày truy cập: 11/ 11/ 2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện