Thủ Thiêm, Thủ Đức, Bến Lức, Thủ Đoàn
Anh phải lòng nàng tại Thủ Chiến Sai.
(Ca dao)
Rất nhiều người, kể cả những người sống tại Long An đều tưởng rằng Bến Lức là nơi xưa kia có nhiều gạo lức. Tuy nhiên, không phải như vậy!
“Chợ Sài Gòn chà gạo lức
Chợ Bến Lức chà gạo vàng
Chợ Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng
Anh thương em là thương lời ăn tiếng nói dịu dàng
Chớ không phải thấy em bịt răng vàng mà thương“.
(Ca dao)
Vâng, huyện Bến Lức, sông Bến Lức, thị trấn Bến Lức, chợ Bến Lức… vốn không có liên quan gì đến gạo lức cả. Lần theo các ghi chép về vùng đất Nam Bộ, chúng ta được biết rằng “lức” ở đây là để chỉ cây “lứt” (do phát âm không phân biệt phụ âm cuối của người Nam Bộ).
Hơn nữa, chính cái tên “lứt” này lại được ghi âm từ tiếng Khmer “Rolưk”, dùng để chỉ một loại cỏ hay mọc theo bờ nước, rễ của nó dùng làm thuốc.
Nói như thế để thấy ngay cả tên cỏ cây cũng mang đậm dấu ấn của sự giao thoa văn hóa Việt – Khmer.
Đặc điểm cây lức (lứt, sài hồ nam)
Cây lức có tên khoa học là Pluchea pteropoda, thuộc họ Cúc. Ngoài tên gọi này, cây còn được gọi là “lức cây” (để phân biệt với lức dây), “sài hồ nam” (vì thỉnh thoảng được dùng thay cho vị thuốc sài hồ)… (1) (2).
Thật ra, cây lứt giống nhiều loại cỏ mọc hoang với phiến lá hình muỗng dài và mép lá có dạng răng cưa. Tuy nhiên, lá lức không có lông và có mùi hơi hắc. Hoa lức có màu đỏ hơi tím, có dạng hình đầu và mọc thành cụm rất nhiều.
Bộ phận được dùng làm thuốc của cây lức là rễ và lá (1).
Rễ lức điều trị bệnh gì?
Trong rễ cây sài hồ nam có tinh dầu và theo y học cổ truyền thì lức có tính mát, có thể điều trị các chứng như:
- Điều trị chứng sốt có kèm theo rét do cảm mạo từ bên ngoài (giúp tản phong nhiệt).
- Điều trị đau tức ngực (giúp giải uất).
- Điều trị đau đầu, miệng khô khát.
Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 8 – 12 g rễ cây lức, rửa sạch, cắt ngắn rồi nấu lấy nước uống. Riêng đối với bệnh ôn nhiệt (sốt nóng vào mùa hạ) hoặc trường hợp cảm sốt có kèm theo khô khát cổ, miệng đắng, trong người lúc thấy nóng lúc thấy lạnh, hay buồn nôn, đau đầu và có khi kèm theo ho… thì ta dùng rễ lức (10 g) kết hợp với hương nhu trắng (10 g), vỏ quả quýt xanh phơi khô (8 g) và sắn dây (12 g), tất cả nấu lấy nước uống trong ngày (1).
Lá lức điều trị bệnh gì?
Lá cây lức có mùi thơm hơi hắc nên thường được dùng để xông hơi. Trong công thức viên uống giải cảm, bột lá lức cũng được dùng kết hợp với các vị thuốc khác theo công thức: 6,25 g bột lá lức; 6,25 g bột bạc hà và 0,3 g bột cam thảo Bắc (ngoài ra còn có phụ liệu sao cho vo viên vừa đủ 100 viên).
Liều dùng: mỗi lần uống 5 viên, ngày dùng hai lần (nếu là trẻ nhỏ thì chỉ dùng 2 viên).
Ngoài ra, cành lá cây lức còn được dùng làm trà giải cảm bằng cách phơi khô, chặt ngắn ra rồi để uống dần (hãm uống như trà) (1).
Dùng ngoài da: Riêng với chứng đau mỏi lưng, ta có thể lấy lá lức và các nhánh lức non (dùng tươi), giã nát, cho thêm chút rượu cho xem xép rồi xào ấm và đắp lên vị trí hai bên thận (1).
Các nghiên cứu về cây lức
- Về rễ cây: Kết quả nghiên cứu cây lức tại Nghệ An cho thấy rễ cây có chứa nhiều hoạt chất, trong đó có hợp chất 2- (pent-1,3-diynyl)-5-(3, 4-dihidroxybut-1-ynyl)-thiophene (3).
- Về lá lức: Không chỉ rễ mà thân lá cây (được lấy mẫu tại Nghệ An) cũng có hàm lượng tinh dầu đáng kể (0,08 %). Trong đó, thân lá cây lức có ít nhất 13 thành phần hoạt chất (với tỉ lệ nhiều nhất là longifolen (61,0 %) và alloaromadendren oxit (10,1%)) (4).
Thông tin thêm
Cây lức trong bài viết này là cây thân thảo, mọc đứng, khác với lức dây là cây dạng cỏ, mọc bò lan (lức dây có tên khoa học là Phyta nodiflora và còn được gọi bằng các tên khác như sài đất giả, lức lan…). Vì vậy, cần lưu ý tên gọi để tránh nhầm lẫn (1).