Những năm gần đây, xà phòng handmade được nhiều người lựa chọn hơn vì sự thân thiện và đa dạng của nó. So với xà phòng công nghiệp thì xà phòng handmade mang lại cảm giác nhẹ dịu, mịn màng và mát mẻ hơn. Vì vậy, nhiều chị em đã tìm cách làm xà phòng từ phôi xà phòng để tự mình trải nghiệm mùi hương mà mình yêu thích.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các chị em cách làm xà phòng đơn giản nhất nhé! Nó dễ hơn chúng ta vẫn nghĩ rất nhiều.
Cách làm xà phòng từ phôi xà phòng
Để làm xà phòng handmade, bạn cần chuẩn bị:
1. Phôi xà phòng
Bạn có thể tự làm phôi xà phòng hoặc mua phôi xà phòng đã làm sẵn. Theo mình thì bạn nên mua vì quá trình làm phôi xà phòng thường phải dùng thêm NaOH để tạo thành phản ứng xà phòng hóa. Vì vậy, nếu bạn dùng sai liều lượng và sai cách thì sẽ không thành công hoặc gây nguy hiểm cho bạn.
Vì vậy, bạn nên mua phôi làm sẵn và chọn chỗ bán uy tín để đảm bảo chất lượng phôi. Có 2 loại phôi thường thấy trên thị trường là phôi trong và phôi đục. Ví dụ như bạn muốn cục xà phòng có màu xanh trong thì bạn dùng phôi trong, và muốn màu xanh đục thì dùng phôi đục. Các màu khác cũng tương tự như vậy. Hiển nhiên, nếu bạn dùng phôi trong và kết hợp các nguyên liệu có màu đục thì sản phẩm làm ra cũng có màu đục nhé!


Hiện tại, giá phôi trong cao hơn phôi đục và nó được xem là tốt hơn phôi đục. Tuy nhiên, theo cảm nhận của mình thì chất lượng của phôi đục vẫn ổn. Vì vậy, tùy bạn cân nhắc và lựa chọn nhé!
Giá phôi xà phòng hiện nay dao động từ 130 – 200 ngàn/ kg (phôi khá nặng nên 1 kg cũng không nhiều lắm).
2. Glycerin
Glycerine là chất giữ ẩm và nó cần thiết khi làm xà phòng (giúp da không bị khô, nhăn). Glycerin có nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng bạn nên chọn loại có nguồn gốc từ thực vật nhé!

Khi làm xà phòng thì bạn chỉ dùng glycerin với tỉ lệ từ 2 – 4 % thôi nhé! Nghĩa là, nếu bạn dùng 1 kg phôi xà phòng thì chỉ dùng 20 – 40 g glycerin thôi. Với các loại phôi xà phòng đã có glycerin sẵn thì bạn nên hỏi nhà sản xuất xem họ đã pha trộn theo tỉ lệ bao nhiêu phần trăm để bạn cân nhắc dùng thêm glycerin cho đủ tỉ lệ nhé!
Giá glycerine hiện nay dao động từ 100 – 140 ngàn/ kg.
3. Các nguyên liệu phụ khác
Phôi xà phòng và glycerin là hai thành phần cơ bản để tạo ra xà phòng.
Tuy nhiên, để có cục xà phòng handmade chất lượng thì bạn cần dùng thêm một số nguyên liệu phụ khác như:
- Dầu nền: Mục đích của việc dùng thêm dầu nền là để dưỡng mịn da, hạn chế khô da. Bạn chọn dầu oliu, dầu dừa, dầu hoa hồng, dầu sachi, dầu jojoba… tùy nhu cầu của bạn (dùng với tỉ lệ 2 – 6 % thôi nhé). Hiển nhiên, nếu bạn thử nghiệm và thấy dùng với tỉ lệ khác mang lại hiệu quả cao hơn thì bạn có thể thay đổi tỉ lệ nhé!
- Tinh dầu: Xà phòng khi nấu xong sẽ có mùi hơi ngấy, vì vậy, bạn có thể dùng thêm tinh dầu với mùi hương yêu thích của mình nhé! (dùng vài giọt vừa đủ thơm thôi, bạn nhé). Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn tinh dầu nguyên chất vì hiện nay, rất nhiều tinh dầu được bán trên thị trường đều là hàng giả. Mặt khác, nếu xà phòng bạn làm xong có mùi hương dễ chịu thì bạn không cần thêm tinh dầu nữa nhé!
- Thảo dược: Bạn chọn loại thảo dược mà bạn muốn dùng để hỗ trợ làn da của bạn, xay nát ra, ép lấy nước. Ví dụ như: có người dùng khổ qua, có người dùng hoa hồng, có người dùng nghệ… hoặc kết hợp nhiều thảo dược khác nhau.
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu khác, bạn trộn chúng lại cùng với glycerin và để riêng. Hỗn hợp này chỉ nên chiếm khoảng 20 % trở lại thôi nhé! Nghĩa là, nếu bạn dùng 1 kg phôi xà phòng thì hỗn hợp các phụ liệu khác không nên quá 200 g (vì nếu nhiều hơn thì cục xà phòng sẽ mềm hơn). Ví dụ như: với xà phòng mướp đắng (khổ qua) thì đa phần nó sẽ mềm hơn (vì nước ép khổ qua rất nhiều, dùng ít thì hiệu quả trị mụn lưng không cao, dùng nhiều thì cục xà phòng bị mềm – chỉ mềm chứ không bị tan ra nên bạn vẫn tắm bình thường nhé, chỉ là nó không cứng chắc thôi).

Các bước làm xà phòng tại nhà
- Bước 1: cắt nhỏ phôi xà phòng ra, cho vào nồi, đun bằng lửa nhỏ cho đến khi tan chảy ra hết (hoặc bạn kỹ hơn thì cho vào một cái tô sành rồi đem hấp – chưng cách thủy cho chảy ra).
- Bước 2: trộn phôi xà phòng với hỗn hợp nguyên liệu phụ (như glycerine, tinh dầu, dầu nền, nước ép thảo dược…), khuấy đều rồi đổ ra khuôn. Nếu bạn không có khuôn sẵn thì bạn đổ vào tô bằng sành cũng được, khi xà phòng đông lại, bạn sẽ dễ lấy ra hơn.
- Bước 3: Mua giấy quỳ tím để kiểm tra độ pH của xà phòng. Nếu độ pH của xà phòng nằm trong khoảng 4,5 – 10 là ổn. Giấy quỳ tím rất rẻ, một sấp khoảng 10 ngàn. Sau khi bạn mua xong thì lấy một ít xà phòng, tạo bọt với nước rồi nhúng giấy quỳ tím vào. Sau đó đối chiếu bảng màu xác định độ pH là được.

Yêu cầu: xà phòng làm xong có mùi hương dễ chịu, tắm xong, da khô thoáng mà vẫn mịn là được. Nhìn chung, trải nghiệm người dùng vẫn là quan trọng nhất. Sau khi dùng, bạn cảm nhận và thấy nó mang lại hiệu quả như ý bạn muốn thì bạn không cần kiểm tra độ pH cũng được (vì đa phần độ pH của xà phòng sau khi làm xong cũng không chênh lệch quá nhiều so với độ pH an toàn).
Xem thêm: Cách làm dầu bơ