Khổ qua thanh nhiệt trong mùa nóng và công dụng làm đẹp, làm thuốc

Công dụng của cây khổ qua

Nếu như khổ qua rừng nổi tiếng với tác dụng giải độc gan, hạ huyết áp và ổn định đường huyết thì khổ qua vườn (khổ qua nhà) thường thấy ở Nam Bộ cũng là một vị thuốc với nhiều công dụng tương tự.

Không chỉ là một trong những món ăn thường trực vào ngày tết Nguyên đán với hi vọng “bao nhiêu cái khổ cũng qua“, quả và hạt khổ qua của cả hai loại vẫn được nhiều người yêu thích qua các món hầm, canh, xào, kho, luộc… trong đời sống hàng ngày. Và kể cả vị đắng tưởng chừng như khó ăn của nó, người ta cũng có thể bắt gặp qua tiếng cười cảm thông của dân gian:

Đói lòng ăn trái khổ qua

Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười” (1)

Đặc điểm

Khổ qua (tên khoa học: Momordica charantia, họ Bầu bí: Cucurbitaceae) (2) nghĩa là loại rau quả có vị đắng. Cây còn có các tên gọi khác như mướp đắng, cẩm lệ chi, lương qua, mướp mủ, lại bồ đào…

Khổ qua có hai loại chính là khổ qua rừng với đặc điểm trái nhỏ, ngắn, các u ở vỏ quả nhiều, nhọn hơn và khổ qua vườn với trái to dài và các u tròn hơn (ở Nam Bộ vẫn dùng tên “khổ qua”, đôi khi đọc trại thành “hủ qua” để gọi chung cho cả hai loại).

Khổ qua vườn là loại dây leo với các tua cuốn, các lá xẻ thành nhiều thùy và có lông ngắn. Hoa khổ qua có màu vàng nhạt, cuống hoa dài. Quả khổ qua hình thoi, tùy loại có thể dài đến 15 cm với lớp vỏ xanh bóng, có các u nổi lên tạo thành các rãnh dài ngắn khác nhau (khi chín quả chuyển sang màu vàng). Hạt khổ qua trông giống mai rùa nhưng dẹt hơn, có lớp màng ngoài nhầy như màng hạt gấc (khi quả chín lớp màng chuyển từ trắng sang đỏ).

Công dụng của quả khổ qua

Giá trị dinh dưỡng 

Khổ qua là lựa chọn khá hiệu quả để hỗ trợ giảm cân bởi lượng calo rất thấp. Trong 100 g quả khổ qua đã luộc chín chỉ chứa khoảng 19 kcal, rất thấp so với các rau quả khác (cải bắp: 24 kcal, dưa hấu: 30 kcal, cà rốt: 41 kcal…). Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng trong khổ qua lại rất đa dạng: chất đường, chất xơ, chất đạm, chất béo, các vitamin A, B1, B2, B3, B6, B9, B12, C, E, K và khoáng chất như Can xi, Sắt, Ma giê, Phốt pho, Ka li, Na tri, Kẽm… (2).

Công dụng làm thuốc

Kết quả nghiên cứu y học cho thấy quả khổ qua chứa các hoạt chất làm giảm đường huyết và hỗ trợ điều trị tiểu đường không phụ thuộc insulin.

Theo y học cổ truyền, khổ qua có vị đắng, tính hàn, không có độc (3), có công dụng giải nhiệt, điều trị tiểu gắt, tiểu buốt, phù thũng do gan nhiệt, bệnh gan, viêm da, viêm thấp khớp… Cách dùng: nấu 1 hoặc 2 quả khổ qua xanh rồi ăn trong ngày (bỏ hạt) (4).

Giá trị làm đẹp 

Vì chứa nhiều dưỡng chất nên quả khổ qua tươi cũng được các chị em phụ nữ rửa sạch, xay nát để làm mặt nạ khổ qua tươi (đắp 2, 3 lần/ tuần) giúp da giảm nếp nhăn và ngăn ngừa lão hóa. Từ đó, kết hợp với ăn hoặc uống nước khổ qua (hoặc trà khổ qua) ở liều lượng vừa phải giúp giảm cân, duy trì làn da khỏe mạnh, giảm mụn, chậm lão hóa và đồng thời hỗ trợ điều trị tiểu đường.

Hạt mướp đắng và quả mướp
Quả mướp đắng phơi khô thái mỏng

Công dụng của hạt khổ qua

Hạt khổ qua có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, bổ thận, lợi tiểu (4). Trong danh tác Hải thượng y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác còn ghi nhận về hạt khổ qua như sau:

Khổ qua tục gọi quả Mướp đắng

Hột nó ích khí làm dương tráng (tráng dương)

Bổ hư lao, mát tim rất hay

Khổ hàn chữa tạng nhiệt, mắt sáng“. (5)

Liều lượng: thuốc sắc khoảng 3 g hạt khô (3).

công dụng của cây khổ qua
Cây lá khổ qua

Công dụng của lá khổ qua

Lá khổ qua có mùi hơi nhẵn, vị đắng, tính lạnh nên nước ép từ lá được dùng làm thuốc gây nôn (3).

Bên cạnh đó, lá khổ qua còn được dùng điều trị các nhọt độc sưng tấy và các vết thương nhiễm độc bằng cách lấy khoảng 12 g lá khô, tán bột rồi hòa với rượu (hoặc nước) và uống, kết hợp giã nát lá tươi để đắp ngoài da (nếu bị rắn cắn thì lấy 4 – 8 g lá tươi, nhai nát, nuốt nước và lấy bã đắp lên vết thương). Tuy nhiên, cần lưu ý nước sắc từ lá khổ qua cũng gây sảy thai (4).

Lưu ý

  • Dùng rễ và lá khổ qua quá liều sẽ gây nhiễm độc (4).
  • Phụ nữ mang thai, những người tỳ vị hư hàn và có kế hoạch phẫu thuật trong 15 ngày không nên dùng khổ qua.
  • Không nên lạm dụng khổ qua trong ăn uống cũng như trong làm thuốc để tránh các tác dụng phụ.
Nguồn tham khảo
  1. Khổ qua, https://cadao.me/the/kho-qua/, ngày truy cập: 25/06/2019.
  2. Mướp đắng, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%B0%E1%BB%9Bp_%C4%91%E1%BA%AFng, ngày truy cập: 25/06/2019.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, tr.734.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, tr.335
  5. Lê Hữu Trác, Hải thượng y tông tâm lĩnh, tập 3,4, NXB Y học, Hà Nội, 2014, trang 520.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Không có phản hồi
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện