Cỏ bội lan là cỏ gì, có công dụng gì?

Hoa cỏ bội lan

Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, người xưa đã biết dùng cỏ bội lan mang theo bên mình vì họ thấy rằng, hương thơm tự nhiên của nó có thể xua đuổi tà khí và những điều không tốt lành.

Không chỉ thế, vì loài cỏ này mọc hoang dại ở chốn thâm sơn cùng cốc mà vẫn tỏa hương thơm nên nó được ví với phẩm chất cao thượng, trang nhã của người quân tử.

Do đó, ngoài cái tên ban đầu là “bội lan” để chỉ loại cỏ mang theo bên mình (“bội” có nghĩa là mang, đeo) thì cây còn được gọi là “quân tử lan” (1).

Vài nét về cỏ bội lan

Bội lan thuộc dạng thân cỏ với thân cây hình trụ, có khi có hoặc không có lông tơ. Đặc biệt, những lá ở gần gốc của cây bội lan thường bị héo khô.

Phân biệt: Cỏ bội lan 佩兰 khác với cỏ trạch lan 泽兰 (tức cây mần tưới).

Cỏ bội lan
Cây bội lan
Cây mần tưới
Cây mần tưới

Cụ thể, hai cây này cùng loài nhưng khác về giống và theo nguồn tin hiện tại thì cây bội lan có tên khoa học là Eupatorium fortunei Turcz (còn cây mần tưới có tên khoa học là Lycopus lucidus Turcz.vat.hirtus Regel) (1) (3) (4).

Xét về công dụng, cỏ bội lan chuyên về khí đạo (trừ uế khí) còn cỏ mần tưới thì chuyên về hoạt huyết (giúp thông kinh, làm tan uất kết) (2).

Cỏ bội lan – hương thơm trừ bệnh

Nói đến các loại cỏ thơm trừ bệnh thì ta có thể kể đến nhiều cái tên như cỏ xạ hương, ngải cứu, bạc hà, tía tô, hương thảo… và một loại cỏ cổ xưa – cỏ bội lan (1).

Điểm đặc biệt của cây này chính là hương thơm đặc biệt giúp người tăng nguyên khí (có nguyên khí thì thân thể nhanh nhẹn và quá trình lão hoá cũng diễn ra chậm hơn).

Không chỉ thế, hương thơm tự nhiên của cỏ bội lan còn tác động lên hệ thần kinh, giúp tinh thần minh mẫn hơn.

Bên cạnh đó, điều làm nên đặc tính riêng của cỏ bội lan còn là hương thơm cay giúp phát tán, làm tan “uế khí” . Sách cổ ghi chép như sau: “trị chi dĩ lan, trừ trần khí dã“, nghĩa là dùng cây này có thể bài trừ được những khí ô trược, dơ bẩn gây bệnh (1).

Cỏ bội lan khô
Bội lan khô

Ngoài ra, loại cỏ này còn giúp chống lại virus và các mầm bệnh khác từ môi trường sống (1).

Cỏ bội lan và các công dụng khác

Theo y học cổ truyền, cây bội lan có vị cay và có tính bình.

Ngoài các tác dụng đặc biệt kể trên, cây còn được người xưa dùng làm thuốc lợi tiểu, làm thông tiểu tiện (1).

Các bài thuốc thông dụng

Ngoài việc dùng độc vị cỏ như một hình thức “hương trị liệu pháp”, dân gian còn kết hợp bội lan với các dược liệu khác để gia tăng tác dụng điều trị bệnh.

1. Bài thuốc điều trị thương tổn ở cơ lưng

  • Chuẩn bị: cỏ bội lan tươi (62 g), 1 hoặc 2 quả trứng gà, một ít rượu và một ít muối.
  • Thực hiện: Trước tiên, lấy bội lan xắt mỏng thành sợi rồi đập trứng gà vào, trộn đều và cho thêm tí muối. Tiếp theo, ta cho hỗn hợp vào chảo, nấu chín và ăn, ăn xong thì uống thêm chút rượu để dẫn thuốc (hoặc rưới rượu lên và ăn cũng được) (1).

2. Bài thuốc điều trị cảm cúm

  • Chuẩn bị: bội lan (15 g) và hoa cúc vàng (15 g).
  • Thực hiện: dùng hai loại trên nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Thông tin thêm

– Ở dạng tươi, hương thơm của bội lan càng nồng thì dược chất càng cao và dùng làm thuốc càng tốt. Được biết, nhờ có hương thơm tự nhiên mà loài cỏ này còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất dầu thơm tóc (1).

– Ngày nay, y học hiện đại còn ứng dụng cây bội lan để làm thuốc điều trị chứng sợ lạnh, sốt, trong lòng hay buồn bực không rõ nguyên nhân hoặc nhức đầu do thấp nhiệt, ăn uống kém ngon miệng, miệng hôi, miệng đắng và nhiều nước dãi (1).

Nguồn tham khảo
  1. Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 129.
  2. Bội lan và trạch lan, https://www.yhoccanban.com/2012/09/boi-lan-va-trach-lan.html?m=1, ngày truy cập: 21/11/2020.
  3. 佩兰, https://baike.baidu.com/item/%E4%BD%A9%E5%85%B0/16046904, ngày truy cập: 21/ 11/ 2020.
  4. 泽兰, https://baike.baidu.com/item/%E6%B3%BD%E5%85%B0/15977093, ngày truy cập: 21/11/2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện