Cây lức dây giúp mát máu, lợi tiểu và điều trị viêm nướu có mủ

Lức dây

Ở nước ta, ngoài cây lức (cây) thì cây lức dây cũng được dùng làm thuốc. Cây này trông như cỏ, hay bò lan nên còn được gọi là lức lan (ngoài ra còn được gọi là dây lưỡi, sài đất giả, quá giang đằng 过江藤…).

Bạn có biết, lức dây là loại thảo dược quen thuộc ở cả Việt Nam, Trung Quốc và được biết đến như một vị thuốc thanh nhiệt, lương huyết. Từ đó, nó được ứng dụng đa dạng trong các bài thuốc điều trị nóng nhiệt, vừa gần gũi lại vừa hiệu quả (1).

Nhận dạng và phân biệt

  • Thân: thân cây lức dây (Phyla nodiflora) thuộc dạng cỏ, mọc bò, thân dây nhánh và có rễ phụ (khác với cây lức bò Epaltes australis cũng na ná nhưng là cây có rễ trục to rõ rệt và có thân chính; ngoài ra cũng khác với cây lức cây Pluchea pteropoda thuộc dạng thân cỏ, cao từ 2 – 5 m).
Cây lức dây
Cây lức dây
  • : Lá lức dây mọc đối, mép lá có răng cưa ở nửa trên (khác với lá của hai loại còn lại đều mọc so le) (1) (2).

Công dụng làm thuốc của cây lức dây

Ở nước ta, cây lức dây phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam và bạn có thể dùng toàn cây làm thuốc (dùng tươi hay khô đều được).

Làm thuốc uống:

Theo y học cổ truyền, lức dây có vị đắng cay và có nhiều công dụng như:

  • Thanh nhiệt, điều trị viêm hạch hạnh nhân cấp tính.
  • Giúp lợi tiểu, tiêu thũng.
  • Giúp tiêu viêm, điều trị viêm nướu có mủ.
  • Giúp giảm đau, điều trị nhức răng.
  • Giúp giải độc và làm mát máu.
  • Giúp hạ nhiệt, điều trị cảm sốt.
  • Điều trị ho và ho ra máu.
  • Điều trị lỵ.
  • Điều trị chấn thương khiến cho da giập, bầm tím.

Cách dùng: nấu lấy nước uống từ 15 – 30 g toàn cây mỗi ngày. Riêng với chứng nổi mề đay, ta lấy 50 g toàn dây khô nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Bài thuốc kết hợp: Với chứng viêm nướu có mủ, thay vì dùng một vị, dân gian ta còn kết hợp cây lức dây với cỏ xước, rau má và cây chua me đất hoa vàng, 4 loại này mỗi loại đều 30 g (tất cả dùng tươi), đem giã nát ra rồi chiết lấy dịch uống (1).

Dùng ngoài da:

Cây lức dây còn được dùng điều trị nhiều bệnh ngoài da như mụn nhọt, bỏng da, zona, bệnh chàm mạn tính, viêm mủ da… bằng cách giã nát toàn cây tươi rồi thoa, đắp lên (1).

Cây lức dây
Cây lức dây

Các nghiên cứu về cây lức dây

  • Tác dụng ngăn ngừa tăng sắc tố: Theo tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanolic từ cây lức dây có thể làm giảm đáng kể melanin trong tế bào và chống rối loạn tăng sắc tố. Vì vậy, nó được xem là ứng cử viên tiềm năng giúp trắng da, ngăn ngừa tăng sắc tố (3).
  • Tác dụng chống oxy hóa: Theo tạp chí The Scientific Word Journal, chiết xuất metanol từ cành lá cây lức dây có nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh như onopordin, cirsiliol và eupafolin (4).
  • Tác dụng ngăn ngừa tạo sỏi: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất etanolic từ toàn cây lức dây có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi canxi oxalat và cũng góp phần làm tan sỏi (5).
  • Tác dụng chống ung thư: Theo tạp chí Nutrition and Cancer, chiết xuất từ lá và thân cây lức dây có các hoạt chất chống lại các tế bào ung thư vú MCF-7 (6).
  • Tác dụng kháng khuẩn: Theo tạp chí Journal of Chemical and Pharmaceutical Research, chiết xuất etyl axetat và cloroform từ cây thuốc này đều cho thấy hoạt tính kháng khuẩn (chống lại Bacillus subtilis, Staphylococcus epidermidis and Staphylococcus aureus) (7).

Thông tin thêm

Như đã nói, cây lức dây trong bài viết này khác với cây lức bò (loài này chưa thấy đề cập nhiều đến công dụng làm thuốc, chỉ thấy dân gian Quảng Bình sắc uống giải nhiệt còn người Trung Quốc thì dùng cả cây đắp ngoài khi bị đòn ngã tổn thương) (1).

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 1366.
  2. Dây lức, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2y_L%E1%BB%A9c, ngày truy cập: 31/ 03/ 2021.
  3. Melanogenesis Inhibitor(s) from Phyla nodiflora Extract, https://www.hindawi.com/journals/ecam/2012/867494/, ngày truy cập: 31/ 03/ 2021.
  4. HPLC-Fingerprints and Antioxidant Constituents of Phyla nodiflora, https://www.hindawi.com/journals/tswj/2014/528653/, ngày truy cập: 31/ 03/ 2021.
  5. Effect of ethanolic extract of Phyla nodiflora (Linn.) Greene against calculi producing diet induced urolithiasis, http://nopr.niscair.res.in/handle/123456789/10274, ngày truy cập: 31/ 03/ 2021.
  6. Phyla nodiflora L. Extracts Induce Apoptosis and Cell Cycle Arrest in Human Breast Cancer Cell Line, MCF-7https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/01635581.2018.1559942, ngày truy cập: 31/ 03/ 2021.
  7. Antibacterial study of Phyla nodiflora Linn, https://d1wqtxts1xzle7.cloudfront.net/, ngày truy cập: 31/ 03/ 2021.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện