Cách nuôi giấm gạo, giấm táo và giấm chuối để tạo ra con giấm

Vào những ngày Tết thì dân gian dùng giấm rất nhiều. Người thì dùng giấm để ngâm lư đồng, ngâm 1 đêm rồi đem ra lau rửa thì lư đồng sáng bóng hơn hẳn.

Hay như những gia đình làm sàn nhà bằng gỗ quý thì phải dùng giấm pha với nước rồi lau, lau tới đâu sạch tới đó mà lại tốt cho gỗ.

Đặc biệt là trong bảo quản thức ăn, nếu bạn dùng một ít giấm thoa đều lên miếng thịt thì miếng thịt sẽ tươi lâu hơn.

Vì vậy, nhiều gia đình có nhu cầu nuôi giấm từ thời điểm này, để sau 15 – 30 ngày là bắt đầu dùng tới Tết (vì giấm nuôi sẽ thơm ngon, dễ chịu và vừa ăn hơn so với giấm công nghiệp đóng chai – giấm công nghiệp có thành phần chính là axit axetic – được sản xuất với số lượng lớn và giá thành rất rẻ).

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nuôi giấm để tạo ra con giấm (nếu có sẵn con giấm thì bỏ thêm nước dừa, mấy trái chuối, 1 muỗng đường là tiếp tục nuôi).

Còn trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn làm ra 3 loại giấm phổ biến, để có con giấm, đó là giấm gạo, giấm chuối và giấm táo.

Giấm gạo
Giấm gạo

Cách làm giấm gạo

  • Bước 1: Lấy 100 g gạo trắng, rửa sạch rồi để ráo, sau đó rang vàng lên và để nguội.
  • Bước 2: Lấy 1 cái hũ dung tích 3 lít, cho gạo đã rang vào hũ, sau đó cho thêm 2 lít nước, 20 g đường và 200 ml rượu.
  • Bước 3: Đậy nắp lại nhưng chỉ đậy hở, không được đậy kín (phải để hở cho giấm thở thì mới ra giấm).

Sau 2 tuần, bạn mở nắp ra thì sẽ thấy nó lợn cợn là có thể dùng nhưng để 4 tuần thì sẽ ngon hơn.

Cách làm giấm chuối

  • Bước 1: Lấy 1 hũ dung tích 5 lít để chứa, sau đó cho vào đó 3 lít nước, 150 g đường, 150 ml rượu và 5 trái chuối xiêm chín (muốn nhanh thì thái mỏng chuối ra).
  • Bước 2: Đậy nắp lại (đậy hở hở cho giấm thở, nếu đậy kín là sẽ hư nấm).

Sau 3 – 4 tuần thì sẽ thành giấm.

Cách làm Giấm chuối
Giấm chuối

Cách làm giấm táo

Giấm táo rất chua và có công dụng nổi trội hơn các loại giấm khác: giúp đẹp da, cầm máu, giảm cân, bền thành mạch.

Bạn có thể làm giấm táo tại nhà bằng cách lấy 2 lít nước cho vào hũ thủy tinh, rồi bỏ thêm nửa kg táo (trái pom) thái mỏng, 20 g đường và 200 ml rượu, sau đó đậy nắp lại (để hở, không đậy kín). Sau 3 – 4 tuần là bạn có thể dùng.

Giấm táo
Giấm táo

Công dụng của giấm trong Đông y

Theo kết quả phân tích thì giấm nuôi chứa 16 loại axit hữu cơ và 20 loại axit amin; giúp loại bỏ các cholesterol có hại, đốt cháy calo nhiều hơn nên hỗ trợ người đang muốn giảm cân và làm đẹp da. Ngoài ra, nó còn giúp máu huyết lưu thông và chống lão hóa.

Theo y học cổ truyền thì giấm ăn có tác dụng hoạt huyết, trục ứ và nhiều công dụng đáng chú ý như:

  • Giúp tăng cường khả năng hấp thu Can xi.
  • Có lợi cho người bệnh gan, cụ thể là giúp ức chế sự tăng trưởng của các tế bào lạ và vi khuẩn (ngừa được bệnh gan mãn tính).
  • Giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Giúp sát khuẩn đường ruột: giúp phát triển lợi khuẩn, giảm hại khuẩn.

Cách dùng: mỗi người uống 2 muỗng cà phê mỗi ngày (tức 10 ml giấm ăn, pha loãng rồi uống). Tuy nhiên, cách dùng tốt nhất là trộn giấm vào thức ăn (làm các món gỏi trộn dầu giấm hoặc nấu canh chua…).

Ngoài ra, nếu bạn thích xông hơi thì bạn có thể lấy 1 chén nhỏ giấm ăn, cho vào thau rồi đổ thêm một chút nước sôi vào và xông hơi (giúp sảng khoái, dễ ngủ).

Kiêng kỵ – Ai không được dùng giấm?

  • Người đang có kinh nguyệt không được dùng giấm vì sẽ làm rong kinh.
  • Phụ nữ mang thai và mới sinh con cũng cần hạn chế (1).
  1. Tác dụng của giấm ăn, https://www.youtube.com/watch?v=3IndqtFuAWI&t=6s, ngày truy cập: 26/ 12/ 2022[]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện