Bị táo bón lâu ngày có thể là do bạn thiếu chất này

Táo bón

Bạn đã bao giờ gặp rắc rối vì bị táo bón lâu ngày không khỏi chưa? Đây là một trong những căn bệnh phổ biến của thế kỷ XXI – dẫu không nghiêm trọng nhưng lại gây nhiều phiền toái.

Bạn biết đấy, táo bón không chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần, công việc, sức khỏe mà còn gây nổi mụn (dân gian thường gọi là “mặt táo bón”), thậm chí làm cơ thể bị nhiễm độc do phân chậm được thải ra, lúc này, chất độc từ phân sẽ thấm vào ruột già.

Không chỉ thế, nhiều người còn nghĩ rằng ăn nhiều chất béo sẽ giúp trơn đường ruột và dễ đi đại tiện hơn. Tuy nhiên, thực tế thì lại không như vậy. Nhiều người, dù ăn nhiều chất béo từ động vật nhưng vẫn bị táo bón.

Bởi lẽ, yếu tố quan trọng làm nên sự thuận lợi trong quá trình bài tiết phân chính là nước, Ma giê và đặc biệt là chất xơ.

Và bạn biết đấy, cách tốt nhất để thoát khỏi táo bón không phải là dùng thuốc nhuận tràng (vì sẽ làm cho ruột nhạy cảm hơn) mà là thay đổi chế độ ăn.

Ma giê – khoáng chất quan trọng ngăn ngừa táo bón

Nhiều người bị táo bón lâu ngày không khỏi chỉ vì thiếu Ma giê. Đây là khoáng chất quan trọng giúp làm mềm các chất thải (phân trong đường ruột) và kích thích nhu động ruột. Khi thiếu Ma giê, phân sẽ cứng và khó đại tiện.

Ma giê
Thực phẩm giàu Ma giê

Vì vậy, trong các bữa ăn hàng ngày, để tránh táo bón, bạn hãy bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều Ma giê như: bơ, rau lang, đu đủ xanh, cải bó xôi, rau dền, chuối tiêu, hoa atiso,… Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng viên uống bổ sung Ma giê theo chỉ định của bác sĩ (1).

Chất xơ – đầu vào giúp nhuận tràng

Chất xơ có trong hầu hết các loại rau quả tự nhiên (như rau má, khoai lang, khổ qua, bí đỏ, sương sâm, thanh long, đu đủ…) và có tác dụng cơ bản nhất là nhuận tràng.

Công dụng của quả thanh long
Thanh long giúp nhuận tràng, giảm táo bón rất tốt

Bạn biết đấy, khi đi vào cơ thể, chất xơ sẽ giúp giữ nước và làm tăng thể tích phân, khiến khối lượng chất thải trong ruột già nhiều hơn và thúc cơ thể ra tín hiệu thải phân nhanh hơn (phân tụ lại lâu trong ruột già sẽ sinh thêm vi khuẩn và chất độc trong phân sẽ thấm vào ruột già, vì vậy, sự thải phân nhanh chóng, trơn tru có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe).

Không chỉ thế, chất xơ còn giúp phân mềm hơn và di chuyển qua ruột nhanh hơn, mau được thải ra ngoài hơn.

Với những người lớn tuổi, nhu động ruột càng yếu thì nguy cơ bị táo bón lại càng cao. Hơn nữa, vì hệ tiêu hóa của người lớn tuổi thường yếu hơn nên quá trình hấp thụ dinh dưỡng – bài tiết phân cũng kém hiệu quả hơn.

Vì vậy, ăn nhiều rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ sẽ là cách dễ nhất để bạn hết táo bón mà không cần dùng thuốc (1).

Nước – yếu tố dễ bị bỏ qua khi nói về táo bón

Một trong những nguyên nhân gây táo bón ít ai ngờ tới nhất chính là thiếu nước. Điều này rất dễ hiểu vì khi uống đủ nước, khối lượng phân sẽ tăng lên nhờ tích nước và việc đi đại tiện cũng sẽ đến nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Uống nước vừa đủ là yếu tố nền tảng để có một làn da tươi tắn
Uống nước vừa đủ

Đến đây, có một lưu ý khá quan trọng là: Bia, rượu và các loại nước uống có chứa chất caffeine (như trà, cà phê, nước có gas…) có thể làm mất nước vì chúng có tính khử nước. Kết quả là, phân sẽ cứng và khó thải ra ngoài hơn (1) (2).

Vì vậy, khi bị táo bón, bạn nên tránh các loại thức uống kể trên nhé!

Táo bón, khi nào thì cần đi khám bệnh?

Nếu bạn bị táo bón nhẹ thì có thể thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện bệnh táo bón. Tuy nhiên, với trường hợp táo bón hơn nửa tháng vẫn không hết dù đã ăn uống đúng cách (uống đủ nước, bổ sung đủ Ma giê, chất xơ…) thì bạn nên đi khám bệnh vì táo bón cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh khác.

Bên cạnh đó, nếu bạn bị táo bón mà trong phân có máu thì cũng cần đi khám bệnh (vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng) (1).

Tập thể dục có giúp cải thiện bệnh táo bón?

Có lẽ ít ai tin rằng tập thể dục cũng có thể ngăn ngừa và làm giảm táo bón. Tuy nhiên, trên thực tế, có một sự thật phải thừa nhận, đó là những người ít vận động, hay ngồi một chỗ thường dễ bị táo bón.

Được biết, khi chúng ta vận động điều độ và tập thể dục đều đặn, các cơ quan nội tạng cũng sẽ chuyển động theo. Lúc này, ruột sẽ được xoa bóp và tăng tiết Ma giê vào thành ruột, giúp phục hồi khả năng tiêu tháo trơn tru của ruột.

Cuối cùng, có một mẹo nhỏ cho bạn, đó là: hãy thường xuyên dùng tay xoa nhẹ vùng bụng dưới theo vòng tròn (thuận chiều kim đồng hồ). Làm như thế sẽ giúp tăng cường nhu động ruột, góp phần cải thiện và phòng ngừa bệnh táo bón (1).

Nguồn tham khảo
  1. Lisa Hark, Ph.D. & Dr. Darwin Deen, Thực phẩm khéo dùng nên thuốc, NXB Phụ nữ, trang 53.
  2. Mặt trái của đồ uống chứa caffeine, https://vtc.vn/mat-trai-cua-do-uong-chua-caffeine-ar75180.html, ngày truy cập: 14/ 05/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện