Bạch chỉ nam điều trị chứng sợ gió, phong thấp đau nhức xương

Cây bạch chỉ nam

Bạch chỉ là vị thuốc Bắc quen thuộc chuyên điều trị cảm sốt, nhức đầu và phong thấp đau nhức; tuy nhiên, khi không có vị thuốc này, các thầy thuốc có thể dùng bạch chỉ nam để thay thế.

Vậy, bạch chỉ nam là cây gì và ngoài 3 công dụng vừa nêu trên đây, nó còn có tác dụng nào khác?

Cây mát đẹp – bạch chỉ nam

Bạch chỉ nam là cây mát đẹp, hay còn gọi là cây đậu chỉ ở nước ta. Cây có tên khoa học là Millettia pulchra, thuộc họ Đậu, có mặt từ Nam tới Bắc và cũng có ở Trung Quốc.

Khác với cây bạch chỉ thuộc dạng thân thảo, cây bạch chỉ nam thuộc dạng thân gỗ nhỏ nhưng có rễ củ. Lá cây thuộc dạng lá kép lông chim, có từ 11 – 17 lá chét. Hoa có màu tím hồng và quả như quả đậu, có lông tơ màu vàng nhạt (1).

Hoa bạch chỉ nam
Hoa bạch chỉ nam

Công dụng làm thuốc của cây bạch chỉ nam

Rễ củ là bộ phận được dùng làm thuốc của cây thuốc này và có thể thu quanh năm (nhưng thường là rễ của những cây nhỏ). Sau khi đào nhổ về, ta rửa sạch, xắt lát rồi phơi khô.

Đặc điểm: Bên ngoài củ có nhiều nếp nhăn và có màu nâu nhạt, bên trong có màu trắng ngà, cứng và khó bẻ, khi bẻ ra thì có nhiều xơ gỗ.

Rễ củ cây bạch chỉ nam
Rễ củ cây bạch chỉ nam

Nhắc đến vị thuốc bạch chỉ nam thì phải nói đến các công dụng sau:

  • Vị đắng cay nhưng lại có tính mát (khác với bạch chỉ tính bình).
  • Có hương thơm đặc trưng và vị cay nên giúp phát tán (“tân nhi tán chi”).
  • Là vị thuốc làm thông kinh lạc.
  • Điều trị cảm mạo, giảm đau nhức vùng mắt.
  • Giúp hạ sốt (trong trường hợp sốt nhưng bí mồ hôi), giúp giảm nghẹt mũi.
  • Điều trị chứng hay sợ gió và phong thấp nhức mỏi xương khớp.
  • Giúp giảm nhức đầu và ngứa do phong nhiệt.
  • Điều trị nhức mỏi tay chân.
  • Điều trị đậu mùa, ban trái.

Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 8 – 16 g bạch chỉ nam sắc lấy nước uống hoặc tán bột uống (trong một số trường hợp, thầy thuốc có thể chỉ định lên đến 40 g). Riêng với chứng lở sơn (ngứa và chảy máu), ta có thể lấy củ khi còn tươi, mài với nước vo gạo rồi bôi lên chỗ ngứa thường xuyên (1).

Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai không nên dùng. Ngoài ra, những người yếu mệt, cơ thể suy nhược và mắc bệnh thiếu máu cũng không nên dùng (1).

Các bài thuốc kết hợp thường dùng

Bạch chỉ nam còn được kết hợp với nhiều vị thuốc khác trong điều trị các chứng như:

1. Điều trị phong thấp đau nhức

  • Chuẩn bị: 20 g bạch chỉ nam, 20 g huyết đằng (dây máu) và 20 g cành liễu.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (1).

2. Điều trị tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu

  • Chuẩn bị: 20 g bạch chỉ nam, 12 g trần bì (vỏ quả quýt chín phơi khô) và 8 g hậu phác nam.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Các nghiên cứu về cây bạch chỉ nam

  • Tác dụng tăng cường nhận thức: Theo tạp chí Carbohydrate Polymers, polysaccharide được phân lập từ bạch chỉ nam giúp hạn chế sự suy giảm trí nhớ ở chuột thí nghiệm (thông qua cơ chế giảm stress oxy hóa), từ đó giúp chống lại sự suy giảm nhận thức do d -galactose gây ra (2).
  • Tác dụng chống viêm và giảm đau: Theo tạp chí Biological and Pharmaceutical Bulletin, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất ethanol từ thân cây bạch chỉ nam có tác dụng giảm đau, chống viêm và giảm phù nề đáng kể. Điều này cung cấp thêm bằng chứng cho việc dân gian dùng cây thuốc này trong các bài thuốc chống viêm (3).
  • Tác dụng đối với tim: Theo tạp chí Biological and Pharmacological Activities, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy trong rễ cây có hoạt chất giúp chống lại thiếu máu cục bộ cơ tim, làm giảm tổn thương oxy hóa cơ tim và cũng giúp cải thiện chức năng tâm trương (4).

Các hoạt tính trên đây chỉ là kết quả bước đầu của nghiên cứu thí nghiệm và thực nghiệm (trên động vật), vì vậy, để ứng dụng thành công trên cơ thể người thì nó còn là một đoạn đường dài. Tuy nhiên, các hoạt tính trên cũng đã cho thấy tiềm năng và triển vọng làm thuốc của dược liệu này.

Thông tin thêm

Mặc dù cây bạch chỉ nam ra nhiều hoa, quả nhưng rễ cây thì lại có hạn trước nhu cầu dùng làm thuốc (mỗi cây trồng 2 – 3 năm chỉ thu được 1 – 2 kg rễ tươi). Vì vậy, để bảo tồn nguồn dược liệu, khi thu hoạch, người ta không nhổ cả cây mà chỉ đào lấy một ít rễ củ xung quanh gốc, sau đó lấp đất lại để cây tiếp tục sinh trưởng và mọc rễ mới (1).

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 90.
  2. Protective effect of Millettia pulchra polysaccharide on cognitive impairment induced by d-galactose in mice, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0144861713009296, ngày truy cập: 21/ 03/ 2021.
  3. Antiinflammatory and analgesic activities of ethanol extract and isolated compounds from Millettia pulchra, https://www.jstage.jst.go.jp/article/bpb/advpub/0/advpub_b15-00187/_article/-char/ja/, ngày truy cập: 21/ 03/ 2021.
  4. The Effect of 17-methoxyl-7-hydroxy-benzene-furanchalcone Isolated from Millettia pulchra on Myocardial Ischemia In Vitro and In Vivo, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/abstract/10.1055/s-0032-1314964, ngày truy cập: 21/ 03/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện