Rau muống biển không nên ăn nhưng lại là vị thuốc ngoài da quen thuộc

Rau muống biển

“Rau muống biển là để làm thuốc mà”. Vâng, đó là đáp án chính xác khi hỏi về loài cây này. Thế nhưng, nói đầy đủ hơn thì phải thêm một ý nữa: “rau muống biển không phải dùng để ăn”.

Theo Báo Phụ nữ Online ngày 13/ 10/ 2020 thì sau khi ăn rau muống biển xào tỏi, 9 công nhân ở tỉnh Quảng Bình đã bị trúng độc với các biểu hiện ban đầu là chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa (sau khi được cấp cứu, các nạn nhân đều được xuất viện). Theo các bác sĩ thì nguyên nhân ngộ độc là do món ăn này, trong đó, rau muống biển rất giống rau muống thông thường nhưng có vị cay, hơi đắng (1).

Vậy, rau muống biển là rau gì? Rau này gây ngộ độc thực phẩm nhưng vì sao dân gian lại bảo có thể dùng làm thuốc?

Vài nét về rau muống biển

Rau muống biển có tên khoa học là Ipomoea pes-caprae, thuộc họ Bìm bìm (2).

Loài này nhìn khá giống rau muống nhưng thân hơi đo đỏ, lá ngắn và hơi vuông, phần đầu lá lõm vào. Và giống như tên gọi, loài rau này mọc ven theo các bãi cát ven biển từ Bắc tới Nam.

Rau muống biển mọc ven các bờ biển ở Việt Nam
Rau muống biển mọc ven các bờ biển ở Việt Nam

Đặc biệt, cây có chứa nhựa, chất nhầy, chất đắng và tinh dầu nên có vị cay và hơi đắng. Khi dùng làm thuốc, ta dùng cả cây và dùng tươi hay khô đều được (nên hái trước khi cây ra hoa).

Vị thuốc chuyên dùng cho các bệnh ngoài da

Đúng vậy, rau muống biển không dùng để ăn vì cay và hơi đắng, nếu ăn sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm (như trường hợp đã nói đến trên đây).

Trong dân gian, người ta chỉ dùng rau này cho thỏ, dê, ngựa ăn. Với trâu bò, các loài này cũng không thích ăn cây rau này vì nó có mùi hăng (nếu nuôi bò lấy sữa thì sữa bò cũng không ngon).

Vì vậy, cây muống biển đa phần được dùng ngoài da để điều trị các chứng như:

  1. Lở loét, mụn nhọt đang làm mủ; rắn, côn trùng và hải sản cắn/ chích: hái lá muống biển tươi giã nát rồi đắp lên.
  2. Điều trị bỏng da: lấy lá khô xay nát rồi rắc lên.
  3. Điều trị tê thấp: lấy lá tươi giã nát đắp lên (kinh nghiệm dân gian Ấn Độ).
  4. Điều trị dị ứng/ ngộ độc do sứa khi tắm biển: giã nát lá rồi xoa lên chỗ bị dị ứng sứa (2).

Rau muống biển làm thuốc sắc

Rau muống biển không thể ăn như rau nhưng có thể dùng làm thuốc ngoài da (như đã nói ở trên). Ngoài ra, theo các sách y học thì rau muống biển cũng có thể sắc uống để điều trị một số bệnh như: tê thấp, phù thũng, đau ngang thắt lưng… Tuy nhiên, phụ nữ mang thai thì không được dùng và dù uống để điều trị bệnh gì thì cũng cần được sự cho phép của bác sĩ.

Ở đây, chúng tôi ghi lại thông tin để làm tư liệu tham khảo về loài muống biển, không khuyến khích mọi người tự ý thực hiện theo (để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe) (2).

Bài thuốc kết hợp điều trị rắn cắn:

  • Thành phần: thân và lá rau muống biển, rễ cỏ gừng và củ cói chiếu (mỗi loại 40 g); rễ cây đậu rồng, củ hành nén, rễ và thân cây địa liền (mỗi loại 20 g), 3 quả cóc kèn và một ít muối ăn.
  • Cách dùng: Lấy các vị trên cắt nhỏ ra rồi phơi khô, sau đó xay, giã nát cho thành bột. Khi không may bị rắn cắn, lấy một nửa thuốc này hãm với nước sôi rồi lọc lấy nước trong uống, sau nửa tiếng thì lấy một nửa còn lại tiếp tục hãm với nước sôi và lọc uống (với trẻ em dưới 15 tuổi thì nên chia làm bốn lần uống). Gặp trường hợp khẩn cấp, ta có thể tìm các thành phần trên rồi dùng tươi bằng cách giã nát, hòa với nước rồi gạn nước trong uống, phần bã thì đắp lên vết thương (vẫn chia thành 2 hoặc 4 lần như dùng khô) (3).

Thông tin thêm:

  • Bài thuốc trên cần chuẩn bị sẵn như một cách phòng ngừa, mặt khác, nó lại gồm nhiều thành phần và cũng khó thực hiện, gây bất tiện khi sử dụng.
  • Đối với trường hợp rắn cắn thì theo lương y Nguyễn Công Đức, ta có thể sơ cứu bằng cách đơn giản và hiệu quả hơn, đó là dùng trái đu đủ non, trái tươi (sau khi đã băng garo). Cách dùng cụ thể tại đây: Sơ cứu rắn độc cắn bằng trái đu đủ non
Nguồn tham khảo
  1. 9 người nhập viện sau khi ăn rau muống biển xào tỏi, https://www.phunuonline.com.vn/9-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-mon-rau-muong-bien-xao-toi-a1419784.html, ngày truy cập: 15/ 10/ 2020.
  2. Muống biển, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mu%E1%BB%91ng_bi%E1%BB%83n, ngày truy cập: 15/ 10/ 2020.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 323.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện