Thiên nhiên vẫn luôn ấp ủ những điều tuyệt vời mà ta chưa biết đến. Trái chôm chôm rừng có ngoài đỏ thẫm pha một chút màu xanh của những chiếc gai vỏ xung quanh, ruột thì vàng óng ánh, chỉ nhìn qua thôi cũng đã thấy hấp dẫn.
Giờ đây, có lẽ hình ảnh của loại quả này đã không còn xa lạ vì nó đã từng một thời gian làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội. Lúc đó, mình nhớ giá chôm chôm rừng dao động từ 15 đến 50 nghìn đồng một ký, tùy số lượng, thời điểm và tùy nơi. Nhìn chung, giá chôm chôm rừng không quá cao nhưng đến giờ có thể vẫn có rất nhiều người vẫn chưa được thưởng thức (bởi vì đây là loại quả mọc dại, số lượng không nhiều). Điều đáng buồn là: vì chưa được biết đến rộng rãi nên nó không mang lại giá trị kinh tế cho người dân, vì vậy, ở nhiều nơi, nó đã bị chặt bỏ.
Thời gian gần đây, loại quả này được mọi người giới thiệu một cách nhanh chóng nhờ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và nó bỗng trở thành loại trái cây hot hit được nhiều người tìm kiếm, những người trước đây chặt đi giờ cũng bắt đầu trồng lại. Hi vọng với sự đón nhận của mọi người, người dân vùng cao lại có thêm nguồn thu nhập.
Như đã nói, chôm chôm rừng là loại cây mọc dại, khi còn non, vỏ cũng xanh như những loại chôm chôm bình thường, ruột đã vàng nhưng vàng nhạt, khi chín vỏ chuyển sang đỏ thẫm và theo mình thì nếu so sánh kỹ, màu đỏ của chôm chôm rừng sẽ đậm hơn của những loại chôm chôm thông thường, ruột thì vàng óng ánh như lòng đỏ trứng và nhìn có vẻ mọng nước. Tách vỏ ra, nếm thử một chút sẽ thấy có vị ngọt ngọt chua chua vì phần thịt bên ngoài sẽ ngọt hơn, càng vào bên trong hạt sẽ càng chua. Bây giờ, thử cho hết cả phần ruột vào miệng xem nào, thịt quả mềm tứa nước ra trong khoang miệng, vị chua lúc này bắt đầu lần át vị ngọt, thoảng nhẹ mùi thơm thơm như của quả chanh dây (thật sự khó chối từ với những tín đồ thích các loại trái chua).
Thịt quả rhôm chôm rừng không róc hạt nên có người thích ngậm lấy nước rồi bỏ hạt như dâu. Vì quả có vị chua chua ngọt ngọt nhưng thiên về vị chua nên thường được ăn với muối ớt, hoặc là đem lắc muối ớt đường như cóc, xoài hoặc đem đi ngâm đường để lấy nước pha nước giải khát, bạn nào siêng hơn thì có thể sên lên làm thành siro chôm chôm rừng (sên lên cho chín là cách mà bạn có thể ăn luôn cả hạt chôm chôm đấy, một ly nước giải khát chua ngọt thơm ngon kèm vị béo bùi của phần hạt sẽ khiến bạn bị ghiền luôn đấy!).
Mùa chôm chôm rừng thường vào khoảng tháng 5 đến giữa tháng 8, tuy nhiên rộ nhất là vào tháng 5 tháng 6. Vì bị giảm về số lượng cây và vì là loại quả mọc dại tự nhiên phụ thuộc vào thời tiết nên sản lượng chôm chôm rừng nhìn chung không nhiều. Có những năm thời tiết không thuận lợi, cây cũng có thể không ra quả.
Cách làm chôm chôm rừng lắc muối ớt đơn giản nhưng siêu ngon
Chôm chôm rừng lắc muối ớt là cách làm đơn giản nhất của những đứa trẻ thôn làng nhưng cũng là cách ăn cuốn nhất. Này nhé, một vài trái ớt hiểm cay hái từ những cây ớt mọc đâu đó quanh nhà, thêm ít muối hột và đường từ bếp của mẹ. Cuối cùng, đừng quên một vài muỗng nước mắm nha. Bây giờ thì đem muối, ớt, đường bỏ vào cối giã cùng nhau cho thật nhuyễn, tiếp theo cho nước mắm vào, khuấy cho tan đều vào nhau.
Chôm chôm rừng tách vỏ, từng quả vàng ươm mọng nước thơm lừng cho vào tô rồi cho hết phần muối ớt đã giã vào, trộn đều lên là có thể thưởng thức.
Nếm thử một quả vị chua cay mặn ngọt đầy đủ, lại lan tỏa một mùi thơm nhẹ như chanh dây trong miệng, quả thật là gây ghiện cho những ai thích ăn chua đây. Vì chúng ta không biết cách để trộn trong cối như bà con bản địa chứ nếu chuẩn cách trộn của người Tây Nguyên thì phải cho chôm chôm vào cối rồi dùng chày trộn đều làm như vậy có vẻ sẽ thấm đều vị cay mặn ngọt hơn.
Công dụng của trái chôm chôm rừng
Từng loại cây trái xung quanh ta đều có những công dụng riêng của nó, không loại nào là không hữu ích mà chỉ là ta chưa biết đến những tác dụng của nó mà thôi. Chôm chôm rừng cũng vậy, nó cũng có những giá trị riêng đấy. Mặc dù đến tận bây giờ mới có nhiều người biết đến từ đó nó mới có giá trị kinh tế hơn. Tuy nhiên trước đó, đây cũng được xem là món quà của thiên nhiên dành cho đám trẻ còn vùng Tây Nguyên mỗi độ mùa quả chín và vỏ quả được xem là một vị thuốc dân gian truyền qua nhiều thế hệ đối với bà con bản địa.
Mình vô tình biết một cô bạn quê ở Tây Nguyên, từng nghe bạn kể nhiều câu chuyện về buôn làng núi rừng. Dù là cuộc sống nơi vùng xa xôi nhiều thiếu thốn nhưng người dân lại sống hòa vào thiên nhiên một cách hài hòa và hạnh phúc. Những câu chuyện nương đồi, trồng cà phê thu hoạch rồi tự rang xay dù bao vất vả nhưng sớm sớm chiều chiều được thưởng thức những cốc cà phê ấm nồng thơm ngon trong cái không khí trong trẻo và mát dịu của núi rừng. Hay là những bình dầu ăn vàng ươm, thơm lừng được ép thủ công từ hạt đậu lạc mà bà con trồng xen canh cùng cà phê hay tiêu, vừa thơm ngon vừa an toàn mà bây giờ nới mình sống dù có muốn mua cũng chưa chắc sẽ mua được. Rồi những câu chuyên bình dị giản đơn với những chú trâu, chú bò, cùng những cây xoài rừng, cây dâu rừng và…cả chôm chôm rừng nữa. Vốn là một đứa yêu cây cỏ, thiên nhiên nên mình thật sự ngưỡng mộ và cũng rất quý con người cũng như cuộc sống của đồng bào vùng cao.
Đợt vừa rồi khi chôm chôm rừng được mọi người ưu ái săn đón, bạn mình cũng kể mình nghe tuổi thơ của nó cũng có chôm chôm rừng nhưng mà giờ thì hiếm, đôi khi tới mùa muốn ăn cũng chưa chắc đã tìm được vì đã bị người dân địa phương chặt đi nhiều, nhưng những cây nào còn lại thì giờ rất là to và đến mùa cũng sẽ rất nhiều trái. Nó bảo mình không biết vỏ quả chôm chôm ở đây có được dùng không nhưng ở quê nó người dân bản địa sau khi tách lấy ruột ăn sẽ chừa lại một ít phần vỏ, đem rửa qua rồi phơi khô rồi cất lại. Vì là quả dại nên chẳng ai dùng phân dùng thuốc gì nên dù là vỏ quả thì cũng rất yên tâm dùng. Vỏ quả chôm chôm rừng khô có thể trị tiêu chảy, kiết lỵ và cả hạ sốt nữa, chỉ cần lấy vài cái vỏ khô đem rửa sạch rồi sắc lấy nước uống là được.
Tham khảo: Hạt chôm chôm ăn được không ?
Nguyễn Sen