Bài thuốc dân gian điều trị cháy rạ (thủy đậu) của bà tôi

Thủy đậu (cháy rạ)

Bệnh thủy đậu (trái rạ, cháy rạ) là loại bệnh thường xảy ra vào những ngày thời tiết nóng ẩm. Trước đây, Ngoại tôi từng bị bệnh này và bà đã dùng các bài thuốc dân gian để điều trị một cách dễ dàng.

Đến khi tôi bị thủy đậu, Ngoại tôi lại dùng bài thuốc đó để điều trị cho tôi. Tôi nhớ hoài lời động viên của Ngoại, rằng đừng lo lắng vì khi đã bị trái rạ và hết rồi thì hầu như suốt đời sẽ không bị lại nữa.

Mãi sau này tôi mới biết lời Ngoại nói là đúng vì trên phương diện y học, khi khỏi bệnh thủy đậu, cơ thể chúng ta đã có kháng thể chống lại virus gây bệnh.

Ngoại còn nói: Ngày xưa mỗi năm chỉ có một mùa lúa, thường gọi là lúa mùa. Lúa mùa chỉ bón phân, không xịt thuốc trừ sâu nên năng suất không cao. Đổi lại thì lúa này lại rất an toàn cho sức khỏe. Từ hạt lúa, rơm đến gốc rạ đều làm thuốc được. Vì vậy, y học dân gian có rất nhiều bài thuốc từ cây lúa.

Ruộng lúa
Ruộng lúa và gốc rạ

Theo kinh nghiệm của Ngoại tôi thì khi bị bệnh thủy đậu, ta có thể dùng gốc rạ để nấu nước uống và pha nước tắm (thường thì chỉ 7 ngày là khỏi).

Lưu ý:

Ngày nay, bạn nên cân nhắc khi sử dụng gốc rạ làm thuốc điều trị thủy đậu vì lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu khá nhiều. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng bài thuốc và hiệu quả điều trị bệnh, thậm chí còn có thể gây hại.

Vì vậy, nếu sử dụng thì bạn cần chọn gốc rạ ở những ruộng lúa không sử dụng phân thuốc (ruộng lúa hữu cơ, làm theo hình thức nông nghiệp tự nhiên). Đồng thời, khi bị bệnh thủy đậu, bạn không nên gãi, làm vỡ mụn nước vì sẽ gây nguy cơ nhiễm trùng (nên để mụn nước khô tự nhiên). Nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm để tránh các biến chứng không đáng có.

Nếu không tìm được gốc rạ an toàn, bạn có thể dùng bài thuốc khác gồm 4 thành phần quen thuộc (sẽ trình bày ở phần dưới đây).

Cách dùng gốc rạ điều trị thủy đậu

Tôi còn nhớ năm đó bị thủy đậu, mụn nước nổi đầy người, không được ra gió và phải nhờ Ngoại săn sóc (Ngoại đã từng bị thủy đậu nên không bị lây nhiễm). Lúc đó, Ngoại đi cắt gốc rạ ngoài ruộng vào (gốc rạ là phần còn lại sau khi cắt lúa), chỉ lấy phần trên mặt đất của gốc rạ, không lấy rễ.

Cách dùng như sau:

* Đối với nước uống: Chuẩn bị 100 g gốc rạ đã rửa sạch, cắt ngắn ra, đem nấu cùng 1,5 lít nước trong vòng 15 phút rồi chắt nước ra, đợi nước ấm lại thì cho vào bình giữ nhiệt, giữ ấm để uống dần trong ngày.

* Đối với nước tắm: Lấy 100 – 200 g gốc rạ, rửa sạch rồi cắt nhỏ, sau đó đem nấu cùng 3 lít nước. Sau khi nước sôi, bạn tắt bếp và có thể pha thêm nước cho nguội bớt (hoặc để tự nguội). Với những ngày đầu, khi mụn nước mới phát thì bạn lấy khăn nhúng phần nước đó lau khắp người bệnh nhân, sau đó 2 ngày thì cho bệnh nhân tắm nước ấy (thực hiện mỗi ngày và liên tục ít nhất một tuần).

Bài thuốc 4 vị điều trị thủy đậu

Ngoài việc dùng gốc rạ, Ngoại tôi còn có bài thuốc Nam điều trị thủy đậu gồm 4 vị, đó là: lá tre tươi, lá cây dâu tằm ăn khô, cam thảo đất khô và cỏ mần trầu khô.

Sắc thuốc

  • Bước 1: Chuẩn bị 20 g lá tre tươi (tre mỡ hay tre Mạnh Tông đều được), 30 g lá dâu tằm ăn (lá khô), 20 g cam thảo đất (toàn cây phơi khô, cắt nhỏ) và 20 g cỏ mần trầu (toàn cây, phơi khô, cắt nhỏ).
  • Bước 2: Rửa sạch các nguyên liệu rồi cho vào siêu thuốc cùng 1 lít nước sạch, sắc còn lại 300 ml thì chắt ra uống.
  • Cách dùng: Sau khi chắt thuốc ra chén, bạn đợi thuốc ấm lại thì chia ra 3 lần uống trong ngày (uống lúc không quá đói cũng không quá no, bảo quản trong bình giữ nhiệt để thuốc luôn ấm).

Ngoài ra, theo mẹo của dân gian, nếu bị bệnh thủy đậu thì nên để trong phòng ngủ của người bệnh một ít rau răm, như thế sẽ không lây bệnh cho người nhà.

Thủy đậu khác đậu mùa
Thủy đậu khác đậu mùa

Phân biệt cháy rạ (thủy đậu) với đậu mùa

Bệnh thủy đậu (cháy rạ) hay bị nhầm với đậu mùa, tuy nhiên, đây lại là 2 loại bệnh khác nhau. Các nốt đậu mùa nhỏ hơn, chứa ít dịch hơn so với các nốt thủy đậu nhưng lại là loại bệnh nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến biến chứng và tử vong.

Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh đậu mùa cũng gây khó chịu hơn thủy đậu: gây đau nhức cơ thể và thường nổi nhiều ở tay, chân (1).

Lê Nhi

Nguồn tham khảo
  1. Đậu mùa và thủy đậu: 2 bệnh khác nhau, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dau-mua-va-thuy-dau-2-benh-khac-nhau/, ngày truy cập: 17/ 09/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện