“Trong tất cả các loài cây, em thích nhất là cây phượng vĩ vì cây cho bóng mát và nở hoa rất đẹp…”. Chắc hẳn đây là lối mở bài “quốc dân” của hầu hết các cô cậu học trò tiểu học.
Và không chỉ đẹp trong mắt học trò, cây phượng vĩ dưới ánh nhìn của tất cả mọi người đều rực rỡ! Người Trung Quốc gọi nó là “phụng hoàng mộc” (鳳凰木), nghĩa là cây phượng hoàng!
Không chỉ thế, vỏ và rễ cây phượng vĩ còn là thuốc giúp hạ nhiệt cơ thể hiệu quả, nhanh chóng và an toàn (1).
Bài thuốc từ cây phượng vĩ giúp hạ sốt
Đây là bài thuốc dân gian thường được dùng ở thôn quê trước đây, trong hoàn cảnh phương tiện đi lại còn hạn chế.
Cách dùng cây phượng vĩ để hạ nhiệt khi bị sốt rất đơn giản: bạn chỉ cần lấy một ít rễ và vỏ của thân cây phượng vĩ, đem rửa cho sạch rồi chặt thành các phần nhỏ vừa phải. Sau đó, cho tất cả vào nồi và đổ hai chén rưỡi nước vào, nấu cho đến khi nước rút còn lại 1,5 chén thì tắt bếp, đem xuống, để nước thuốc bớt nóng.
Số lần dùng: chia nước thuốc thành 3 lần uống trong ngày, uống sau bữa ăn 15 phút.
Lưu ý: Người bị dị ứng với cây phượng vĩ không nên dùng. Bên cạnh đó, người bị huyết áp thấp cũng không nên dùng (ở Vân Nam – Trung Quốc, người ta dùng vỏ cây và rễ cây phượng vĩ để làm thuốc hạ huyết áp) (2).
Thông tin thêm
- Hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm: Kết quả nghiên cứu cho thấy tinh dầu từ cây phượng vĩ có tác dụng kháng khuẩn đáng kể, giúp chống lại vi khuẩn Pectobacterium carotovorum. Bên cạnh đó, chiết xuất vỏ cây phượng có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại nấm như Penicillium selerotigenum và Paecilomyces variotii. Ngoài ra, chiết xuất từ vỏ cây phượng cũng như tinh dầu đều có tác dụng chống oxy hóa (3).
- Hoạt tính hạ đường huyết: Theo tạp chí African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines, lá phượng vĩ là vị thuốc dân gian của Bangladesh và được dùng điều trị tiểu đường. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cũng cho thấy chiết xuất methanolic từ lá cây phượng vĩ có tác dụng hạ đường huyết đáng kể (khi dùng bằng đường uống với hiệu quả cao nhất ở liều 400 mg/ kg thể trọng) (4).
Cây phượng vĩ và những kỷ niệm
Ai cũng có một thời để hồi tưởng và nhớ về. Riêng với tôi thì tôi vẫn luôn thiết tha với những ký ức của một thời áo trắng – theo tựa đề của một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng thì đó là “thời hoa đỏ”.
Hay thật! Cây phượng vĩ bao đời được ưu ái trồng trong các khuôn viên trường học. Để rồi mùa hạ về, nhìn vào những nụ hoa e ấp, đang chuẩn bị bung nở sắc màu đỏ thắm, các cô cậu học trò không ai bảo ai nhưng trong lòng đều rạo rực: hè sắp về.
Bạn biết đấy, phượng vĩ được xem là biểu tượng của tuổi học trò và cũng là biểu tượng của thanh xuân.
Ngày nay, cây phượng được trồng để làm cây công trình, giúp tạo cảnh quang, bóng mát cho khuôn viên. Ngoài ra, gỗ phượng còn là một loại gỗ tốt, bền chắc, có thể dùng đóng đồ gia dụng.
Ở một số vùng nhiệt đới hay ở những khu lấn biển, sát biển, người ta còn trồng cây phượng vĩ để vừa làm đẹp, vừa tạo nên “bức tường thành” kiên cố giúp chắn gió, chắn bão.