Dân gian có nhiều bài thuốc điều trị thủy đậu, trong đó có bài thuốc gồm 4 vị rất dễ tìm mà cũng rất dễ uống, đó là lá tre, lá dâu tằm, cam thảo đất và cỏ mần trầu.
Vâng, bạn biết các loại thảo dược này chứ? Nếu bạn sống ở nông thôn thì sẽ dễ dàng tìm được. Nếu bạn ở thành thị, bạn cũng có thể tìm mua dược liệu khô (riêng lá tre thì bạn cần dùng lá tươi, vì vậy, bạn có thể đặt mua từ những người bán bánh lá ở chợ, thường thì họ sẽ có).
Bài thuốc dân gian điều trị bệnh thuỷ đậu (trái rạ)
Thời điểm giao mùa cũng là cơ hội hoạt động của các loại vi khuẩn, vi rút gây mầm bệnh, trong đó có bệnh thủy đậu (trái rạ, cháy rạ), thường xảy ra nhiều vào tháng 5, tháng 6.
Bên cạnh việc điều trị bằng y học hiện đại, nhiều người cũng dùng các bài thuốc Nam để tiết kiệm hơn và ít tác dụng phụ hơn (và cũng theo thói quen của ông bà – hay dùng cây lá quanh nhà làm thuốc).
Bài thuốc này đơn giản như sau:
- Thành phần: lá tre tươi (20 gam), lá dâu tằm khô (30 gam), cam thảo đất khô (20 gam), cỏ mần trầu khô (20 gam).
- Thực hiện: Bạn đem rửa sạch tất cả nguyên liệu trên rồi cho vào siêu (ấm hoặc nồi đều được, có thể cắt nhỏ lá tre để dễ cho vào nồi). Sau đó, bạn cho 1 lít nước lọc vào, sắc thuốc cho đến khi nước rút còn 1 chén thì chắt ra và chia thành 3 lần uống trong ngày (uống sau mỗi bữa ăn từ 15 đến 20 phút, kiên trì dùng thuốc mỗi ngày thì sau 1 tuần sẽ thấy hiệu quả).
Tác dụng của lá tre, lá dâu tằm, cam thảo đất và cỏ mần trầu
1. Lá tre
Lá tre là vị thuốc cổ truyền quen thuộc trong dân gian, có vị ngọt và là vị thuốc lành tính. Vì vậy, nó thường được dùng trong các bài thuốc thanh nhiệt, điều trị mụn, sốt, thủy đậu và giúp lợi tiểu (1).
Theo kinh nghiệm dân gian, khi dùng lá tre để điều trị bệnh thuỷ đậu thì nó sẽ giúp người bệnh ít bị ngứa ngáy, khó chịu.
2. Lá dâu tằm
Lá dâu tằm có tính hàn, có vị đắng ngọt và là vị thuốc thường được dùng điều trị mất ngủ kinh niên, ngoài ra còn giúp thanh nhiệt và giải cảm (2).
Không chỉ thế, lá dâu tằm còn giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm và làm dịu các vết sưng đỏ, tổn thương trên da (giúp các vết thương được lành lại mau hơn) (3).
Vì vậy, lá dâu tằm cũng có tác dụng nhất định đối với bệnh thủy đậu.
3. Cam thảo đất
Cam thảo đất là một trong những cây thuốc có công dụng làm lành các vết thương (nhất là vết thương lở loét ở bệnh nhân tiểu đường). Vì vậy, nó cũng có tác dụng nhất định đối với các tổn thương trên da của bệnh thủy đậu.
Ngoài ra, cam thảo đất còn có nhiều công dụng hỗ trợ khác như thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu…(4).
4. Cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu là vị thuốc bình dân nhưng cũng được giới chuyên gia đánh cao vì nó có rất nhiều công dụng quý. Đối với bệnh thủy đậu, cỏ mần trầu giúp thanh mát, lợi gan, giải độc và hỗ trợ điều trị bệnh (5).
Mẹo dân gian giúp hạn chế lây lan bệnh thủy đậu
Đây là phương pháp phòng ngừa lây lan bệnh thuỷ đậu mà tôi đã được ông bà và những người thân chỉ dạy (còn để lý giải sâu xa về việc này thì tôi cũng không biết nên giải thích như thế nào, bạn biết đấy, kinh nghiệm dân gian có khi có những bí ẩn, mẹo vặt riêng của nó!).
Mẹo ấy như sau: Nếu trong gia đình có người thân đang mắc bệnh thủy đậu:
- Trường hợp người bệnh có phòng riêng thì đặt một ít rau răm trong phòng, như vậy sẽ hạn chế việc lây bệnh cho những người thân.
- Nếu người bệnh không có phòng riêng thì bạn có thể để rau răm ở một số nơi xung quanh giường ngủ họ, cách này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan từ người bệnh.
Kim Lụa