Vì sao cây râu mèo điều trị được Gout (thống phong) và sỏi tiết niệu?

Cây râu mèo Cây thuốc nam điều trị sỏi gan

Có những loại cây quen thuộc nhưng lại ít người chú ý, chẳng hạn như cây râu mèo. Đó là vì cây này chỉ dùng làm thuốc.

Ở quê tôi, râu mèo và kim tiền thảo là bộ đôi điều trị sỏi thận nổi tiếng. Không chỉ thế, chúng lại còn dễ nhân giống, chỉ cần giâm cành là mọc thành cây mới.

Một điều đặc biệt nữa là hoa của hai loại này đều rất đẹp, rất dễ thương. Với cây râu mèo, hoa mọc thành cụm, phân thành nhiều tầng như cái tháp và nhị hoa tủa ra như râu mèo.

Và mặc dù có màu trắng bạch rất đẹp nhưng hoa râu mèo lại mau tàn và không được dùng làm thuốc (chỉ dùng lá hoặc cành và lá). Tuy nhiên, hoa của cây lại là dấu hiệu cho thấy cây đã đến kỳ thu hoạch. Vâng, lúc cây bắt đầu ra hoa chính là lúc dược tính của nó cao nhất và đầy đủ nhất (khi cây đã ra hoa rồi thì hoạt chất trong lá sẽ giảm) (1) (2).

Cây râu mèo
Cây râu mèo

Vì sao cây râu mèo điều trị được bệnh Gout (thống phong)?

Được biết, bệnh gout có 3 nguyên nhân chính gây ra, đó là do bẩm sinh; do uống nhiều bia rượu, ăn nhiều đồ bổ chứa purine và do lượng axit uric trong máu tăng.

Không chỉ thế, ở những người bị suy thận thì khả năng đào thải axit uric qua đường tiểu cũng giảm, từ đó gây ra bệnh gout.

Trong khi đó, trong râu mèo có các chất làm hạn chế sự lắng đọng của axit uric, ngoài ra còn làm tăng lượng nước tiểu. Mặt khác, theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất từ cây râu mèo cũng có tác dụng lợi tiểu, làm tăng sự bài tiết K + qua nước tiểu (vì thế có thể điều trị bệnh gout) (3).

Cây râu mèo (đã phơi khô)
Cây râu mèo (đã phơi khô)

Cách dùng cụ thể: Mỗi ngày, lấy từ 6 – 10 g lá râu mèo (đã phơi khô, nếu dùng cả cành lá thì dùng 30 – 40 g), cho vào ấm, đổ thêm nửa lít nước vào và nấu sôi thì tắt, đậy nắp kín như hãm trà.

Nước này để uống trong ngày và chia thành hai lần uống, uống ấm và uống trước khi ăn khoảng nửa tiếng (uống mỗi đợt 8 ngày liên tiếp, nếu chưa khỏi bệnh thì ngưng 2 – 4 ngày và tiếp tục đợt khác) (1) (2) (7).

Vì sao râu mèo điều trị được sỏi tiết niệu loại nhỏ?

Râu mèo có thể điều trị được sỏi tiết niệu là vì trong cây có muối kali và hoạt chất orthosiphonin. Các chất này khiến cho các muối urat và axit uric trong cơ thể tồn tại ở dạng tan (từ đó hạn chế được sự kết đọng tạo thành sỏi).

Không chỉ thế, theo tạp chí Phytomedicine thì chiết xuất từ lá râu mèo còn điều trị được các biến chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (4).

Trên thực tế, để tăng hiệu quả điều trị thì bên cạnh cây râu mèo, dân gian còn kết hợp thêm cây rau trai và diệp hạ châu (tức cây chó đẻ răng cưa), hai cây này đều nổi tiếng trong dân gian với tác dụng lợi tiểu).

Như vậy, tùy vào nguồn cây thuốc mà bạn có thể chọn 1 trong 2 cách sau:

  • Cách 1: Giống với cách dùng điều trị gout (ở trên).
  • Cách 2: Mỗi ngày, lấy 30 g cành và lá râu mèo, 30 g diệp hạ châu và 30 g rau trai; cho vào ấm, đổ thêm 1 lít nước vào, nấu đến khi nước rút còn 1/4 thì tắt bếp, chắt lấy nước uống (nước này uống trước khi ăn nửa tiếng, uống lúc thuốc còn ấm và liên tục từ 5 – 10 ngày thì ngưng, đợi 4 ngày sau mới uống tiếp đợt khác (nếu chưa khỏi bệnh)) (1) (2) (7).

Các nghiên cứu về cây râu mèo

  • Theo tạp chí Biological and Pharmacological Activity, kết quả nghiên cứu trên chuột béo phì (do ăn nhiều chất béo) cho thấy chiết xuất etanolic từ lá râu mèo có tác dụng giảm mỡ máu và chống béo phì (5).
  • Theo tạp chí Molecules, kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường cho thấy chiết xuất chloroform từ lá râu mèo (liều lượng 1 g / kg thể trọng) có tác dụng chống đái tháo đường đáng kể (6).

Hai kết quả nghiên cứu trên cho chúng ta thêm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng dược tính của loại thảo dược này.

Thông tin thêm

Ngoài hai công dụng chính được đề cập trên đây, cây râu mèo còn được biết đến với nhiều công dụng khác như: điều trị viêm thận, sỏi thận, sỏi mật và phù thũng (thông qua cơ chế lợi tiểu) (7).

Nguồn tham khảo
  1. THVL | Dr. Khỏe – Tập 407: Cây râu mèo – Phần 1, https://www.youtube.com/watch?v=87pg72Vuevs&list=LL&index=3, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.
  2. Dr. Khỏe – Tập 745: Cây râu mèo chữa sỏi tiết niệu, https://www.youtube.com/watch?v=m4l2f-dJ9zs&list=LL&index=1, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.
  3. Diuretic properties of Orthosiphon stamineus Benth, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S037887410900227X, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.
  4. Aqueous extract from Orthosiphon stamineus leaves prevents bladder and kidney infection in mice, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711317300417, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.
  5. Antiobesity and Lipid Lowering Effects of Orthosiphon stamineus in High-Fat Diet-Induced Obese Mice, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/abstract/10.1055/s-0042-121754, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.
  6. Antihyperglycemic Effect of Orthosiphon Stamineus Benth Leaves Extract and Its Bioassay-Guided Fractions, https://www.mdpi.com/1420-3049/16/5/3787, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.
  7. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 623.
  8. Một số điều cần biết về bệnh gút, http://benhvien108.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-benh-gut.htm, ngày truy cập: 23/ 02/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện