Tương truyền, vua Viêm Đế (Thần Nông) ngày ngày tự mình thử thuốc, trúng độc – giải độc không biết bao nhiêu lần mới biên soạn thành bộ Thần Nông bản thảo kinh (神农本草经) để người đời sau ứng dụng.
Dân gian có câu:
“Thần Nông thường bách thảo, giáo nhân y liệu dữ nông canh”
(Thần Nông nếm trăm cây thuốc, dạy người chữa bệnh với cày cấy) (1).
Mặc dù một số kiến thức trong quyển sách này cần được cập nhật thêm nhưng nhìn chung, nhiều vị thuốc trong Thần Nông bản thảo kinh đã được trình bày khá đầy đủ những công dụng nổi trội của nó.
Nói về thảo quyết minh (quyết minh tử) thì đây là vị thuốc giúp sáng mắt, điều trị táo bón và mất ngủ khá nổi tiếng.
Vậy, bạn có thắc mắc thảo quyết minh đã được nói đến như thế nào trong Thần Nông bản thảo kinh không?
Thảo quyết minh – đại bổ gan, thận
Khác với những vị thuốc cay ấm thiên về tán phong, điều trị phần ngọn; thảo quyết minh thiên về đại bổ gan, thận để đuổi bệnh từ gốc. Vì vậy, dùng thảo quyết minh làm thuốc là an toàn và hiệu quả lâu dài.
Theo y học cổ truyền, gan có chức năng khai khiếu ra mắt còn thận thì khai khiếu ra tai nhưng cũng chủ về ánh sáng của con người. Vì vậy, thảo quyết minh được đánh giá là vị thuốc quan trọng điều trị nhiều bệnh về mắt như:
- Mắt có màng trắng.
- Chảy nhiều nước mắt.
- Mắt sưng đau, đau mắt đỏ.
- Mờ mắt và chảy nước mắt sống do nóng gan.
- Thị lực giảm do thận yếu.
Các danh y thời Đường còn nhấn mạnh: dùng thảo quyết minh được 100 ngày thì có thể nhìn rõ vào ban đêm. Quảng quần phương phổ còn khẳng định: “Quyết minh tử dùng làm trà, trị các bệnh về mắt, trợ gan ích tinh“.
Vì vậy, nhiều người Trung Quốc rất thích loại trà này vì nó vừa dễ uống, vừa bảo dưỡng cho đôi mắt – cửa sổ tâm hồn (1).
Các bài thuốc đặc biệt có dùng có dùng thảo quyết minh
Thảo quyết minh là vị thuốc phổ biến và được dùng trong nhiều bài thuốc cổ truyền. Trong đó, có một số bài thuốc đặc biệt được giới thiệu trong Thần Nông bản thảo kinh như:
1. Điều trị chứng mù mắt lâu năm
- Chuẩn bị: 18 g thảo quyết minh.
- Thực hiện: xay nát rồi múc một muỗng hòa với nước uống sau khi ăn cháo.
2. Điều trị quáng gà, tăng nhãn áp
- Chuẩn bị: 18 g thảo quyết minh và 156 g địa phu tử.
- Thực hiện: lấy hai thành phần trên nghiền nhỏ, xay nát rồi trộn với cháo loãng, sau đó để nguội, vo thành viên to bằng hạt bắp, phơi khô để dùng dần.
- Liều lượng: mỗi lần uống 20 – 30 viên với cháo loãng.
3. Giúp bổ gan sáng mắt
- Chuẩn bị: 18 g thảo quyết minh, 5 lít rượu và 30 g hạt cải.
- Thực hiện: lấy thảo quyết minh và hạt cải đem hầm với rượu rồi lấy ra phơi khô, nghiền nát. Bột này mỗi lần uống 6 g, ngày uống hai lần (uống bằng nước ấm).
4. Điều trị lở loét ở lưng (mới phát)
- Chuẩn bị: 18 g thảo quyết minh (dùng tươi, nghiền nát) và 31 g cam thảo (dùng tươi).
- Thực hiện: lấy hai thành phần trên nấu cùng 3 lít nước cho đến khi nước rút còn 1 lít thì chia thành 2 lần uống.
5. Điều trị sốt, nhức đầu do trúng phong và đau mắt đỏ
- Chuẩn bị: thảo quyết minh (liều lượng theo chỉ dẫn của thầy thuốc).
- Thực hiện: lấy thuốc sao lên, nghiền nhỏ rồi pha với trà và dùng hỗn hợp này thoa lên hai bên thái dương. Thuốc này bạn thoa liên tục, cứ khô thì thoa tiếp (thường thì sau 1 đêm sẽ khỏi) (2).
Thông tin thêm
- Lịch sử sử dụng: Thảo quyết minh là loại thuốc chuyên về mắt xuất hiện sớm nhất trong lịch sử y học cổ truyền Trung Hoa. Đến nay, nó vẫn còn được dùng phổ biến.
- Về tên gọi: Thảo quyết minh là hạt của cây quyết minh nên tên chính xác của nó là quyết minh tử. Tuy nhiên, vì trong y học cổ truyền còn có vị thuốc thạch quyết minh (là vỏ phơi khô của một số loại bào ngư) nên quyết minh tử thường được gọi là thảo quyết minh để dễ phân biệt (2).