Truyền thuyết về long đởm thảo và những công dụng làm thuốc

  • Tên khác: long đởm thảo còn xà đởm thảo
  • Tên khoa học: Gentiana Scabra, thuộc họ Long đởm: Gentianaceae (1).
  • Bộ phận dùng: rễ cay.
  • Phân bố: Trung Quốc.
  • Tính vị: vị đắng, tính mát.
  • Công dụng chính: mát gan giải độc, lợi tiểu, lợi mật, điều trị vàng da, áp se, mụn nhọt, viêm hạch.

Tương truyền, cây thuốc “long đởm thảo” ban đầu có tên là “xà đởm thảo” và đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về bài học làm người.

Từ lòng tốt của đứa trẻ chăn trâu

Chuyện kể rằng, xưa kia có một cậu bé mồ côi sống bằng nghề chăn trâu, tên là Tăng Đồng. Một hôm, cậu dẫn trâu lên núi thì thấy một mỹ nhân đang tắm. Sau khi theo dõi, cậu thấy mỹ nhân đó hóa thành một con rắn lớn rồi ngủ thiếp đi nhưng miệng vẫn há ra và để lộ một viên ngọc lấp lánh. Thế là, cậu táo bạo bước đến và nhẹ nhàng lấy viên ngọc đi chơi.

Lúc tỉnh dậy, thấy mất nội đan, rắn thần hốt hoảng liền hóa thành một cụ già để tìm và được Tăng Đồng trả lại. Thấy đứa trẻ thành thực, rắn thần hỏi thăm và nhận cậu làm con nuôi.

Ba năm sau, Tăng Đồng xuống núi. Trước khi đi, rắn thần há miệng cho cậu chui vào để chích một ít dịch mật đem theo. Lúc tiễn đến cửa động, rắn thần còn dặn dò: “Sau này, nếu gặp khó khăn hãy về tìm ta. Chỉ cần trèo lên ba mươi ba bậc núi rồi gõ ba tiếng, ta sẽ mở cửa cho gặp“.

Thành tựu và lòng tham

Tới kinh đô, Tăng Đồng đọc được cáo thị của nhà vua và dùng dịch mật giúp thái tử khỏi bệnh. Thương cho hoàn cảnh của cậu, nhà vua đã giữ cậu ở lại để bầu bạn với thái tử và ban tên mới cho cậu là Tăng Tương. Chừng một năm sau, công chúa cũng lại bị bệnh giống như thái tử. Tăng Tương bèn tức tốc trở về trong đêm, mong lấy được mật rắn thần giúp công chúa khỏi bệnh và trở thành phò mã.

Gặp lại con, rắn thần vui mừng khôn xiết nhưng vì biết ý định của Tăng Tương nên bà dặn dò: “Con vào bụng lấy dịch mật thì chỉ có thể dùng kim chích một ít thôi, đừng tham nhiều!”. Tăng Tương chui vào, chích được một ít thì lại nghĩ “Dịch mật hiệu nghiệm thế này, mình nên lấy nhiều một chút. Mẹ ơi mẹ, người cũng không nên hẹp hòi, để con lấy nhiều một chút đi“. Thế là Tăng Tương liên tiếp chích mạnh mấy cái. Rắn thần đau quá ngậm miệng lại, bụng co bóp rồi hôn mê và Tăng Tương cũng chết. Sau cơn đau, rắn thần tỉnh dậy, thấy buồn nôn nên bật dậy, nôn hết ra đất. Những dịch mật đó rơi xuống cỏ và trở thành “xà đởm thảo” (cỏ mật rắn).

Lời cảnh tỉnh cho đời sau

Vì thương công chúa bị bệnh, rắn thần lại hóa thành cụ già, hái “xà đởm thảo” rồi đem đến điện Kim Loan đưa thuốc cho nhà vua, nhờ thế mà công chúa khỏi bệnh.

Trong lúc vui mừng, nhà vua hỏi tên loại cỏ đó nhưng do nghe không rõ, ông lại tấm tắc khen thành: “Tốt thay long đởm thảo! Tốt thay long đởm thảo!”. Vì lời vua là lời vàng ngọc nên cỏ “xà đởm thảo” cũng được gọi thành “long đởm thảo”.

Sau này, có người lên đỉnh Đại Dương Sơn thì thấy trong miếu xà thần có khắc đôi câu đối:

Tâm bình hoàn châu xà thần vi nương

Tâm tham thích đảm xà nương thôn Tương“.

Nghĩa là:

Tâm bình trả ngọc, rắn thần là mẹ

Tâm tham chích mật, xà nương nuốt lấy (nuốt Tăng Tương).

Đôi câu đối như lời cảnh tỉnh rằng những kẻ tham lam lấy thuốc thì sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Công dụng của rễ cây long đờm Thảo
Rễ cây long đởm Thảo

Về cỏ “long đởm thảo”

Truyền thuyết là như vậy, còn trên thực tế thì long đởm thảo là cây thuốc có tác dụng gì?

Long đởm thảo có tên khoa học là Gentiana Scabra, thuộc họ Long đởm: Gentianaceae (1), phân bố ở Trung Quốc. Qua một số nghiên cứu, chiết xuất từ rễ long đởm thảo được biết đến với các tác dụng như:

  • Điều trị tiểu đường type 2 (3)
  • Chống oxy hóa và bảo vệ gan (4).
  • Chống đông máu (5).
  • Chống khối u (6).

Về đặc điểm, long đởm thảo là cây thân thảo, nhỏ, sống lâu năm và có nhiều rễ chùm. Phần rễ này được dùng làm thuốc cùng với thân rễ. Thân cây có nhiều đốt, lá không có cuốn và nhọn dần về đuôi lá. Hoa long đởm thảo có màu xanh lam và có hình chuông xòe.

Những công dụng của long đởm thảo

Theo y học cổ truyền, rễ và thân rễ cây long đởm thảo có vị đắng, thông vào các kinh Can (Gan), Đởm (Mật) và Bàng quang. Vị thuốc này được biết đến với các công dụng như

  • Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
  • Tiêu viêm, điều trị đơn độc và sưng lở.
  • Kích thích tiêu hóa và giúp đại tiện dễ dàng.

Liều lượng: mỗi ngày dùng 2 – 3 g rễ long đởm thảo (có thể sắc, hãm hoặc ngâm rượu uống), uống trước khi ăn khoảng nửa tiếng (7). Với liều lớn hơn, vị thuốc này lại có tác dụng đối với các bệnh khác như:

  • Lỵ, tiểu ra máu.
  • Viêm gan, vàng da, đau mắt đỏ.
  • Sốt, đổ mồ hôi trộm, đau họng.

Liều lượng: dùng từ 6 – 15 g thuốc sắc (7).

Ngoài ra, cây long đởm thảo còn được dùng ngoài da bằng cách lấy cây tươi, giã nát rồi đắp lên vùng da bị áp xe, viêm mủ, nhọt độc và viêm hạch.

Lưu ý

  • Trong dùng thuốc: Vị thuốc long đởm thảo rất đắng. Vì vậy, không nên dùng trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như các tác dụng phụ (2).
  • Liều lượng và thời gian dùng thuốc: Long đởm thảo giúp kích thích tiêu hóa nhưng không nên dùng quá liều. Thêm vào đó, thuốc nên được uống trước khi ăn. Nếu uống quá liều sau khi ăn sẽ gây tác dụng ngược lại, làm tiêu hóa kém, nhức đầu, hoa mắt, đỏ mặt… (7).
  • Đối tượng cần tránh: Những người bị tả do tỳ vị hư nhược hay sốt do âm hư không nên dùng (2) (8). Bên cạnh đó, những người không bị thấp nhiệt và không bị thực hỏa cũng không nên dùng (8).
  • Ngoài cây này, trong Đông y cũng dùng nhiều loại khác và cũng gọi là long đởm như Gentiana Lourerii, Gentiana Rigescens… Ngoài ra, trong Tây y cũng dùng một loại khác là Gentiana lutea (7) (8).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện