Cà pháo làm thuốc và những sai lầm thường gặp khi ăn cà pháo

Cà pháo

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương“.

Vâng, chính là cà pháo – trái cà nhỏ tròn, màu trắng, để nguyên trái kho xào thì lúc ăn vào sẽ nổ giòn bụp bụp như bong bóng vậy, rất khoái khẩu!

Và nếu bạn đang có dự định làm món cà kho thì hãy nhớ đừng nêm nước mắm nhé (mà chỉ nêm muối, đường, bột ngọt thôi). Đặc biệt, sau khi phi tỏi và xào cho chín đều thì bạn hãy để cho quả cà hơi cháy vàng, khét khét một phần – làm như thế thì món ăn sẽ thơm đáo để!

Về món cà muối xổi – có nên ăn không?

Nói đến cà pháo thì không thể bỏ qua món cà muối xổi: món này rất ngon nhưng theo các chuyên gia thì chúng ta không nên ăn.

Đó là vì quả cà pháo lúc còn sống sẽ chứa nhiều solanin – một loại chất độc nguy hiểm có thể gây chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, sốt, thậm chí gây vàng da, ảo giác, giãn đồng tử mắt, tê liệt… và tử vong (nếu ngộ độc nặng).

Cà pháo muối xổi
Cà pháo muối xổi tuy ngon nhưng không nên ăn

Riêng với món cà muối chua thì độc tính có giảm đôi chút, tuy nhiên, tốt nhất vẫn là nên chế biến chín, bạn nhé!

Ghi chú: Không chỉ cà pháo mà cà tím, đậu que, dưa gang muối, đậu đũa… và các loại đậu hạt nói chung đều không nên ăn sống vì sẽ dễ gây ngộ độc.

Lưu ý khi ăn cà pháo

Dân gian quê tôi thường nhắc nhau đừng ăn cà pháo và cà tím quá nhiều vì sẽ bị nhức lưng (bởi cà rất “Âm tính”). Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta vẫn tặng nhau những rổ cà trắng phao dễ thương để kho, xào… ăn lấy thảo! (vì nó rất ngon!).

Cà pháo kho thịt
Cà pháo kho thịt
Cà pháo xào lá lốt
Cà pháo xào lá lốt

Được biết, quả cà pháo hơi độc, vì vậy, chúng ta không nên ăn nhiều (lâu lâu ăn một lần – chế biến chín – thì không sao!).

Tuy nhiên, có một số đối tượng không nên ăn cà này và cũng có một số lưu ý nhất định khi dùng như:

  • Liều lượng: Không nên ăn nhiều, nhất là chị em phụ nữ vì sẽ làm hại tử cung.
  • Lựa chọn: Quả cà pháo khi còn non có màu trắng, khi già chín có màu vàng (khác với một loại khác – cà gai hoa tím – có hình dáng tương tự nhưng khi quả chín thì từ màu vàng chuyển sang màu đỏ, loại này ăn vào sẽ bị ngộ độc).
  • Những người không nên ăn: Người bị tăng nhãn áp, sức khỏe yếu, tỳ vị hư hàn, đang bị bệnh, mới khỏi bệnh, cơ địa nhạy cảm, phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh… thì không nên ăn cà pháo (nhất là cà sống như cà muối xổi, cà chấm mắm…). Đặc biệt, với những quả cà khi ăn vào thấy đắng thì bạn nên bỏ ngay vì nó rất độc (1) (2) (4).

Cà pháo trong y học cổ truyền

Y học cổ truyền có nhiều ghi chép về giá trị y học của quả cà pháo.

Quả cà pháo
Quả cà pháo

Trong đó, gần gũi nhất là bài thuốc dùng quả cà muối để điều trị chín mé (sưng, nóng đỏ) ngón tay, ngón chân (vì quả cà pháo có tác dụng tiêu sưng, kháng viêm).

Cách dùng như sau: lấy trái cà muối rồi dùng dao hoặc đũa, khoét một lỗ to bằng ngón tay hoặc ngón chân bị chín mé rồi đứt ngón tay (ngón chân) ấy vào, bó lại mỗi ngày một lần.

Ngoài bài thuốc trên thì trong Đông y còn có nhiều bài thuốc khác cũng dùng cà pháo như:

  • Bài thuốc điều trị chứng huyết xấu gây chóng mặt (ở phụ nữ): Lấy trái cà pháo đã chín vàng, rửa sạch rồi chẻ mỏng ra, đem phơi trong bóng râm cho khô dần (phơi gió). Sau đó, bạn xay nát thành bột và để uống dần (bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh), mỗi lần uống hai đồng cân (tức khoảng 7,5 g), hòa với rượu nóng mà uống theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
  • Điều trị nứt nẻ đầu vú (ở đầu vú): Lấy trái cà pháo (chọn trái già, vỏ màu vàng và bị nứt vỡ ra), đem phơi gió ở chỗ râm mát cho khô dần rồi đốt tồn tính (chỉ cháy 70%, phần lõi bên trong không bị cháy). Sau đó, đem trái cà ấy đi nghiền nát, hòa với nước cho sệt sệt rồi bôi lên (3).

Công dụng làm thuốc của lá và nuốm quả cà pháo (gia đế)

: Lá cây cà pháo cũng có thể dùng làm thuốc. Được biết, dân gian hay dùng lá non của cây để làm lành vết thương khi bị đứt tay, chân hoặc bị thương do đâm chém, té ngã (lấy lá non rửa sạch, giã nát rồi đắp lên).

Lá và quả cà pháo
Lá và quả cà pháo

Nuốm quả cà pháo (gia đế): Theo kinh nghiệm dân gian thì khi bị nổi mụn sần sùi, đỏ tía, bạn có thể lấy nuốm quả cà pháo, giã nát ra rồi trộn đều với bột lưu huỳnh, sau đó nghiền cho thật nát rồi chấm lên các chỗ bị mụn. Được biết, bột lưu huỳnh mặc dù có độc nhưng trong y học cổ truyền, nó cũng được dùng ngoài da với liều thấp để sát khuẩn, làm giảm mụn nhọt (trong thời gian ngắn theo chỉ dẫn của thầy thuốc) (3).

Nguồn tham khảo
  1. Nguy hại “chết người” từ món cà pháo khoái khẩu, https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/nguy-hai-chet-nguoi-tu-mon-ca-phao-khoai-khau-239037.html, ngày truy cập: 17/ 07/ 2021.
  2. Những điều chưa biết về cà pháo, https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-ca-phao-n4979.html, ngày truy cập: 17/ 07/ 2021.
  3. Vương Thừa Ân, Phòng và chữa bệnh bằng thức ăn hàng ngày, NXB Hồng Đức, trang 39.
  4. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 292.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện